Ca dao than thân và ca dao yêu thương, tình nghĩa
Ca dao than thân và ca dao yêu thương, tình nghĩa
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Khái niệm ca dao
Ca dao là những bài hát dân gian. Khái niệm này đặt ca dao vào đúng môi trường diễn xướng, nghĩa là khi ấy, lời thơ và làn điệu của ca dao gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhưng nếu ta tách khỏi điệu hát thì ca dao là thơ và vì vậy ca dao còn có nghĩa là một thể thơ dân gian.
Khi sưu tầm, các nhà nghiên cứu thường chỉ ghi chép phần lời thơ. Cũng vậy, khi học chúng ta cũng chỉ chú ý nhiều đến phần văn tự.
Về nội dung, ca dao phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn của người lao động. Nó thường được biểu hiện thành: những câu hát than thân, những câu hát yêu thương tình nghĩa, những tiếng cười trào lộng, châm biếm…
Về nghệ thuật, ca dao là sáng tác tập thể, vì vậy nó kết tinh nghệ thuật ngôn từ của nhân dân. Nó có những đặc trưng riêng về thể thơ, kết cấu… (ví dụ lối so sánh ví von, sự lặp đi lặp lại các hình ảnh giàu tính nghệ thuật, lối diễn đạt theo kiểu công thức…).
– Nội dung than thân: bài 1, 2, 3 đều nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa.
– Nội dung yêu thương tình nghĩa:
+ Bài 4,5: Thể hiện nỗi nhớ và niềm ước ao mãnh liệt trong tình yêu đôi lứa.
+ Bài 6: Là câu hát về tình nghĩa thủy chung của con người (nhất là trong tình yêu và tình chồng vợ).
Bài 1: Người phụ nữ ý thức được tuổi xuân và vẻ đẹp của mình (như tấm lụa đào). Nhưng thân phận lại thật xót xa khi không thể tự quyết định được tương lai của chính mình (phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?).
Bài 2: Đây là lời khẳng định phẩm chất và vẻ đẹp đích thực của con người (ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen). Bài ca còn là lời mời mọc da diết của cô gái. Lời mời mọc ấy là khát khao của con người mong muốn được khẳng định cái chân giá trị, cái vẻ đẹp của mình. Tư tưởng của bài ca dao vẫn là nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận của người con gái trong xã hội xưa.
– Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng.
– Ai làm bầu bí đứt dây
Chàng nam thiếp bắc gió tây lạnh lùng.
Ở trong bài ca dao này từ “ai” cũng mang nghĩa như vậy. “Ai” ở đây có thể là cha mẹ, là những hủ tục cưới cheo phong kiến hay có khi là chính người tình…
Thương nhớ vốn là một tình cảm khó hình dung, nhất là thương nhớ trong tình yêu. Vậy mà ở bài ca dao này, nó lại được diễn tả một cách thật cụ thể, tinh tế và gợi cảm bằng các hình tượng nghệ thuật: khăn, đèn, mắt.
Hai hình tượng khăn, đèn được xây dựng bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa (khăn, đèn chính là cô gái), còn hình ảnh mắt được xây dựng bằng phép hoán dụ (dùng bộ phận để chỉ toàn thể – nhân vật trữ tình). Hình ảnh khăn, đèn, mắt đã trở thành biểu tượng cho niềm thương nỗi nhớ của cô gái đang yêu.
Cái khăn được nhắc đến đầu tiên và được điệp đi điệp lại nhiều lần bởi nó thường là vật kỉ niệm, vật trao duyên. Nó lại luôn luôn ở bên mình người con gái. Chính vì thế mà nó có thể cất lên lời tâm sự thay cho nhân vật trữ tình. Hình ảnh chiếc khăn gắn với các động từ như: thương nhớ, rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt… nói lên tâm trạng ngổn ngang trăm mối của người con gái.
Nỗi nhớ thương của cô gái còn thể hiện qua hình ảnh ngọn đèn – đó là nỗi nhớ được trải dài ra theo nhịp thời gian. Đèn chẳng tắt hay chính là ngọn lửa tình trong lòng cô gái đang thắp sáng suốt đêm thâu.
Từ hình ảnh khăn, đèn đến hình ảnh ánh mắt là cả một sự đổi thay rất lớn. Đến đây, không còn cầm lòng được nữa, cô gái đã hỏi chính lòng mình: mắt thương nhớ ai. Các hình tượng vẫn là một mạch thống nhất về ý nghĩa. Các câu hỏi vẫn cứ được cất lên. Và câu trả lời chính là ở trong niềm thương nỗi nhớ của người con gái đang yêu.
Xem thêm một số câu ca dao về chiếc cầu dưới đây:
– Hai ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang
– Cách nhau có một con đầm
Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang
Cành trầu lá dọc lá ngang
Đố người bên ấy bước sang cành trầm
– Gần đây mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu
Sợ rằng chàng chả đi cầu
Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em…
Gợi ý phân tích ý nghĩa sắc thái của các câu ca dao:
Hai bài ca dao trên đều là lời mời gọi của nhân vật trữ tình. Nó có hình thức giống như những câu hát giao duyên. Hai câu ca dao tuy khác nhau ở hình ảnh “chiếc cầu” (cành hồng, cành trầm) nhưng đều có giá trị thẩm mĩ cao.
Ở bài ca dao dưới, hình ảnh chiếc cầu vẫn rất gần gũi và giản dị (ngọn mùng tơi) nhưng nội dung cả bài lại mang hàm ý là lời trách móc, hờn dỗi nhẹ nhàng của cô gái hướng đến chàng trai (người ở phía bên kia).
– Muối và gừng là hai hình ảnh nghệ thuật cũng được xây dựng từ những hình ảnh có thực trong đời sống (những gia vị trong bữa ăn). Gừng có vị cay nồng nhưng thơm, muối có vị mặn đậm đà. Từ hai ý nghĩa ấy, gừng và muối đã được chọn để biểu trưng cho hương vị của tình người trong cuộc sống – tình nghĩa thủy chung gắn bó sắt son.
Bài ca dao là câu hát về tình nghĩa thủy chung nhưng nó hướng nhiều hơn đến tình nghĩa vợ chồng – những người đã từng chung sống với nhau, từng cùng nhau trải qua những ngày tháng gừng cay – muối mặn. Bài ca dao được viết bằng thể thơ song thất lục bát nhưng câu bát phá cách (Có cách xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa) kéo dài tới mười ba tiếng như là một sự luyến láy vừa tạo ra tính nhạc cho câu, vừa khẳng định cái giá trị bền vững không phai của tình nghĩa vợ chồng.
– Sự lặp đi lặp lại của mô thức mở đầu: Thân em như…
– Những hình ảnh (mô típ) đã trở thành biểu tượng: cái cầu, khăn, đèn, gừng cay – muối mặn…
– Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ: lụa đào, ủ ấu gai…
– Các mô típ thời gian li biệt, không gian xa xôi cách trở.
– Thể thơ: lục bát – lục bát biến thể, vãn bối (4 chữ), song thất lục bát (có cả biến thể).
Những biện pháp nghệ thuật này có nét riêng so với nghệ thuật thơ của văn học viết: nó mang nhiều dấu ấn của cộng đồng. Những dấu hiệu nghệ thuật này đều quen thuộc, dễ nhận ra. Trong khi đó nghệ thuật thơ của văn học viết thường mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ – dấu ấn đặc trưng của từng tác giả.
– Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
– Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
– Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu
– Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày
– Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàn rửa chân.
Gợi ý phân tích sắc thái ý nghĩa của các bài ca dao:
– Hai bài đầu sử dụng cùng một hình ảnh so sánh: thân em – hạt mưa, để nói lên nỗi khổ của cô gái khi số phận của mình (buồn – vui, sướng – khổ) chỉ có thể trông nhờ vào sự may mắn mà thôi.
– Bài thứ ba nói lên thân phận nhỏ bé tội nghiệp của người phụ nữ trước những phong ba, bão táp của cuộc đời.
– Hai câu cuối là lời than của người phụ nữ khi giá trị và vẻ đẹp của họ không được người đời quan tâm và trân trọng.
– Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
– Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?
– Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ.
– Gửi khăn, gửi áo, gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa
– Nhớ khi khăn mở trầu trao
Miệng chỉ cười nụ biết bao nhiêu tình.
Bài ca dao khăn thương nhớ ai tuy vẫn nằm trong hệ thống các bài ca dao thương nhớ trên đây nhưng nó vẫn có điểm riêng: Nỗi nhớ trong bài ca dao này vừa cụ thể, sinh động hơn lại vừa tổng hợp khái quát nhiều cung bậc hơn. Chính vì vậy nó cuốn hút và hấp dẫn hơn. Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm “Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” vừa lấy ý tứ từ sự thương nhớ của ca dao vừa lại khái quát lên một cấp độ cao hơn – câu thơ chính là một nét đẹp giản dị mà tinh tế sâu sắc của tâm hồn người Việt.