Cảm nghĩ của em về bài “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy
Tre xanh xanh tự bao giờ?
Làm sao trả lời được câu hỏi này! Ta lọt lòng mẹ dưới bóng tre xanh và tự nghìn xưa quê hương cũng được lũy tre đùm bọc. Bài thơ Nguyễn Duy đã miêu tả loài cây gắn bó thân thuộc bao đời với dân tộc ta ấy.
Ấn tượng đậm nét đầu tiên của em về bài thơ là sức sống mãnh liệt của cây tre Việt Nam ở đây. Mọc trên mảnh đất nghèo, mỡ màu chẳng có bao nhiêu, nhưng ở đâu tre cũng xanh tươi. Như vậy, không phải nhờ vào hoàn cảnh khách quan thuận lợi, mà sức sống mãnh liệt này có được là nhờ sự kiên trì dồn chắt lâu hóa nhiều. Đúng là lối sống ăn nhịn để dành, kiến tha lâu cũng đầy tổ – cách sống tự bao đời của người Việt Nam. Sức sống ấy còn thể hiện ở phong thái lạc quan, ngay trong Kham khổ vẫn hát ru lá cành của tre. Em nhớ đến phong cách tương tự Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo của dân ta thời chống Pháp. Quả thật, tre không chỉ biết vững vàng tồn tại mà còn biết phát triển lớn lên, nên lũy nên thành một cách kiên cường trong những điều kiện gay go hạn hẹp. Đó là một đặc tính sinh thái nổi bật của loài tre, đồng thời cũng là đặc điểm truyền thống Việt Nam quý báu.
Làm sao nên lũy nên thành từ cây tre gầy guộc? Đây cũng lại là những vấn đề tưởng chừng khó hiểu, được nhà thơ cắt nghĩa đơn giản bằng một bí quyết đã được kiểm nghiệm từ xa xưa: Một cây làm chẳng nên non… Hình ảnh được nhân hóa đầy tình nghĩa cảm động Bão bùng thân bọc lấy thân – Tay ôm tay níu, tre gần nhau thêm đã lí giải khá thú vị cái bí quyết nên lũy nên thành của tre. Đó cũng là bí quyết vạn năng chống mọi thiên tai địch họa của một dân tộc đất không rộng, người không đông như dân tộc ta. Cái bí quyết Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công mà Hồ Chủ tịch đã đúc kết từ hàng loạt kì tích, những Thánh Gióng vươn vai, Sơn Tinh nâng núi… trong lịch sử dân tộc.
Hình ảnh kết thúc bài thơ được điệp tới ba lần, nhấn mạnh mãi mãi mai sau cây tre vẫn phủ xanh đất nước, với dáng thẳng, thân tròn riêng của nòi tre, theo em, có ý nghĩa thiết thân với chúng ta trong cơ chế thị trường mở cửa hiện nay. Đó là làm sao hòa nhập với thế giới nhưng không thể hòa tan mất gốc, mãi mãi con cháu ta vẫn giữ vững được bản sắc Việt Nam tươi xanh sáng giá của mình.