Cảm nhận về hình tượng nhân vật trữ tình trong Lưu biệt khi xuất dương

0

Đề bài: Cảm nhận về hình tượng nhân vật trữ tình trong Lưu biệt khi xuất dương

Lưu biệt khi xuất dương ý thức sâu sắc về chí làm trai, thể hiện trách nhiệm trước cuộc đời, tất cả được tái hiện thông qua nhân vật trữ tình mà Phan Bội Châu xây dựng trong bài thơ. Anh chị hãy trình bày cảm nhận về hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu.

I. Dàn ý chi tiết cho đề cảm nhận về nhân vật trữ tình trong Lưu biệt khi xuất dương

1. Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả: Phan Bội Châu không chỉ được biết đến là một nhà cách mạng mà ông còn nổi danh như một cây bút xuất sắc của thơ ca những năm đầu thế kỉ XX.
  • Giới thiệu về tác phẩm và vấn đề: Thơ của ông đã trở thành một thứ vũ khí lay động hàng triệu con tim yêu nước. “Xuất dương lưu biệt” là một bài thơ như vậy. Nhân vật trữ tình trở thành một hình tượng nổi bật trong thi phẩm thể hiện rõ nội dung tư tưởng mà tác giả gửi gắm.

2. Thân bài

  • Hình tượng nhân vật trữ tình bộc lộ tư tưởng, quan niệm của tác giả:
  • Hình tượng nhân vật trữ tình đã nói lên cái chí làm trai của tác giả. Đã mang trọng trách nam nhi thì “phải lạ ở trên đời”, dám đương đầu với mọi gian nan, thử thách. Đây là một tư tưởng tiến bộ, mới mẻ.
  • Ý thức về trách nhiệm và vị thế của mình trong xã hội: phải lập được công danh, giúp ích cho đất nước.
  • Hiểu được thời thế, hiểu được trách nhiệm của bản thân và hiểu được hoàn cảnh lịch sử của đất nước lúc bấy giờ. Nhân vật trữ tình đã sớm tỉnh táo trước hiện thực đất nước.
  • Vì sớm được tiếp xúc với tư tưởng dân chủ tư sản, sớm tiếp thu những điều mới mẻ, tiến bộ đã thôi thúc nhân vật trữ tình đi đến một cuộc “cách mạng” mới, ra đi để tìm đường cứu nước. Chính khát vọng lớn lao đó đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật trữ tình với vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hào hùng.
  • Hình tượng nhân vật trữ tình với tình yêu nước thiết tha, sâu nặng và cháy bỏng:
  • Nói về chí làm trai, về tư thế và tầm vóc của mình, về khao khát ghi danh và khát vọng hành động trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền đã thể hiện một trái tim yêu nước cháy bỏng. => quyết tâm ra đi cứu nước.
  • Giọng điệu của nhân vật trữ tình cũng thay đổi theo những cung bậc cảm xúc cụ thể. Từ giọng điệu đến những hình ảnh lớn lao, kỳ vĩ như “càn khôn”, “non sông”, “bể Đông” đã phần nào cho thấy tình yêu nước nồng nàn mà vĩ đại của tác giả.

3. Kết bài

Hình tượng nhân vật trữ tình xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ chính là một con người đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời, trước vận mệnh dân tộc. Bằng giọng thơ nhiệt huyết, hình ảnh thơ kì vĩ, Phan Bội Châu đã xây dựng hình tượng một nhà cách mạng giàu lòng yêu nước với những tư tưởng táo bạo, mạnh mẽ, khí phách ngang tàng và khát vọng sôi sục trong công cuộc cứu nước. Đây cũng chính là tiếng lòng thiết tha, rạo rực của tác giả.

II. Bài tham khảo cho đề cảm nhận về nhân vật trữ tình trong Lưu biệt khi xuất dương

Phan Bội Châu không chỉ được biết đến là một nhà cách mạng mà ông cỏn nổi danh như một cây bút xuất sắc của thơ ca những năm đầu thế kỉ XX. Thơ của ông đã trở thành một thứ vũ khí lay động hàng triệu con tim yêu nước. “Xuất dương lưu biệt” là một bài thơ như vậy. Nhân vật trữ tình trở thành một hình tượng nổi bật trong thi phẩm thể hiện rõ nội dung tư tưởng mà tác giả gửi gắm.

Không thể đánh đồng nhân vật trữ tình là tác giả, tuy nhiên đối với bài thơ này, có thể đồng nhất giữa nhân vật trữ tình với cái tôi tác giả bởi nó đã hòa quyện với nhau làm một. Như vậy, hình tượng nhân vật trữ tình xuất hiện trước hết là để nói cái chí của tác giả. Đó là một đấng nam nhi với tư tưởng mới mẻ và tiến bộ:

“Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời”

Đã mang trên mình trọng trách của một đấng nam nhi thì phải làm được những “điều lạ”. Ca dao có câu: “Làm trai cho đáng nên trai/ Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng” hay Nguyễn Công Trứ cũng từng tuyên bố: “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Phan Bội Châu cũng trăn trở về chí làm trai của mình. Theo ông, đã làm trai thì phải sống một cách chủ động, dám đương đầu với mọi gian nan thử thách, có thể xoay chuyển được “càn khôn” chứ không để mặc số phận, hoàn cảnh.

Khi ý thức được điều đó, nhân vật trữ tình cũng ý thức được trách nhiệm và vị trí của mình:

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai?”

Xác định được vị thế của mình, tác giả dõng dạc: “Giữa khoảng trăm năm này, phải có ta chứ”, nghĩa là phải lưu lại tên tuổi của mình cho muôn đời sau. Sống chính là phải cống hiến, phải giúp ích cho quốc gia, dân tộc. Điều này càng làm rõ hơn cho quan niệm làm trai của tác giả.

Muốn làm được điều đó,người chí sĩ phải là người hiểu được thời thế, hiểu được trách nhiệm của bản thân và hiểu được hoàn cảnh lịch sử của đất nước lúc bấy giờ. Nhân vật trữ tình đã sớm tỉnh táo để nhận thức rõ hiện thực:

“Non sông đã chết, sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài”

Khi đất nước mất đi chủ quyền, phong trào Cần Vương  đã đi vào ngõ cụt của sự thất bại, “Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!”. Tác giả đã nói lên lẽ vinh – nhục như một sự đau đớn về vận mệnh của đất nước, từ dó trăn trở về nhiệm vụ của mình trước thời cuộc. Tuy không hoàn toàn phủ nhận về nền học vấn “thánh hiền” nhưng ông đã quyết liệt, mạnh bạo khẳng định về sự lỗi thời, lạc hậu của những điều đã cũ. Mặc dù là một nhà Nho nhưng ông đã thẳng thắn chỉ ra điều đó. Vì sớm được tiếp xúc với tư tưởng dân chủ tư sản, sớm tiếp thu những điều mới mẻ, tiến bộ đã thôi thúc nhân vật trữ tình đi đến một cuộc “cách mạng” mới, ra đi để tìm đường cứu nước:

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”

Ba chữ “tiễn ra khơi” ở bản dịch thơ chưa đủ cho thấy tầm vóc cùng với tư thế kì vĩ, hoàng tráng của con người trong thiên nhiên ở nguyên tác. “Mong muốn đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông/  Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên” như một bức tranh tuyệt đẹp về buổi lên đường. Đó là một vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hào hùng của nhân vật trữ tình với khát khao muốn được vượt qua biển Đông theo ngọn gió mới cùng với những đợt sóng bạc dâng trào của niềm hứng khởi, quyết tâm. Đến đây, nhân vật trữ tình đã hoàn toàn bộc lộ hết vẻ đẹp của mình, đó không chỉ là một cái tôi đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời mà còn là một cái tôi hào hùng lãng mạn.

Không chỉ vậy, đằng sau những quan niệm, những tư tưởng và khát khao đó chính là cái tôi yêu nước thiết tha, sâu nặng. Nói về chí làm trai, về tư thế và tầm vóc của mình, về khao khát ghi danh và khát vọng hành động cuối cùng cũng chỉ để thể hiện một trái tim yêu nước cháy bỏng và quyết tâm đi tìm đường cứu nước. Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, điều này lại càng đáng được trân trọng. Giọng điệu của nhân vật trữ tình cũng thay đổi theo những cung bậc cảm xúc cụ thể. Đầu tiên chính là lãng mạn, hào hùng khi khẳng định vị thế và khao khát muốn được lập công danh, muốn được khẳng định mình. Sau đó nghĩ về quốc gia dân tộc mà đau nỗi đau mất nước, ý thức được trách nhiệm của bản thân khi nhìn lại hiện thực và quyết liệt trước những tín điều đã cũ. Từ đó tác giả đã ngang tàng, mạnh bạo khẳng định khát vọng hành động của bản thân, vẽ nên một tư thế hào hùng, lãng mạn. Từ giọng điệu đến những hình ảnh lớn lao, kỳ vĩ như “càn khôn”, “non sông”, “bể Đông” đã phần nào cho thấy tình yêu nước nồng nàn mà vĩ đại của tác giả.

Như vậy, hình tượng nhân vật trữ tình xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ chính là một con người đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời, trước vận mệnh dân tộc. Bằng giọng thơ nhiệt huyết, hình ảnh thơ kì vĩ, Phan Bội Châu đã xây dựng hình tượng một nhà cách mạng giàu lòng yêu nước với những tư tưởng táo bạo, mạnh mẽ, khí phách ngang tàng và khát vọng sục sôi trong công cuộc cứu nước. Đây cũng chính là tiếng lòng thiết tha, rạo rực của tác giả.

Leave a comment