Cảm nhận về kè phản bội nhục nhã Va-ren trong truyện ngắn Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc

0

Nguyễn Ái Quốc là tên dùng chủ yếu trong quãng đời hoạt động cách mạng trước 1945 của Hồ Chí Minh, lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Người còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Trong thời kì hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Áí Quốc viết nhiều truyện ngắn, bài báo bằng tiếng Pháp, nhằm vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân, nói lên tình cảnh thống khổ và ca ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân các thuộc địa.

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu được viết nhân dịp Va-ren – một chính khách Pháp, nguyên là đảng viên đảng Xã hội Pháp nhưng đã phản bội lí tưởng của đảng – sang nhận chức toàn quyền ở Đông Dương và hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Khí đó, nhà yêu nước Phan Bội Châu mới bị bắt giam và cả nước đã dấy lên phong trào đấu tranh rộng khắp đòi trả tự do cho cụ. Bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Người cùng khổ, tờ báo bằng tiếng Pháp, do Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí của Người sáng lập, số 36 – 37, ra tháng 9, 10 năm 1925. Hình tượng nhân vật Va-ren ta càng hiểu rõ bộ mặt phản bội nhục nhã và tính cách lừa bịp giả dối của hắn.

Bằng trí tường tượng phong phú, tác giả hình dung những trò lố của Va-ren nhân dịp ông ta nhậm chức toàn quyền ở Đông Dưng. Trò lố đầu tiên diễn ra khi Va-ren, một viên chức cao cấp đứng đầu bộ máy cai trị của Pháp tại Đông Dương gồm ba nước việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, bắt đầu đến nhậm chức.

Va-ren hứa chăm sóc vụ Phan Bội Châu, khi nào ông ta yên vị thật xong xuôi ở Đông Dương. Lời hứa ấy chỉ là lời hứa suông để làm dịu dư luận, làm dịu không khí đấu tranh đang sôi nổi. Va-ren là một kẻ nham hiểm, xảo quyệt, lời hứa nửa chính thức đó chỉ có được do sức ép của công luận ở Pháp và Đông Dương. Nói khác đi đó là một lời hứa gượng ép, miễn cưỡng và qua câu văn giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền ở Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, tác giả đã tò ý rất hoài nghi việc thực hiện lời hứa này. Nhưng phải còn lâu, vì ông ta mới xuống tàu, mà đừng bể kéo chừng bốn tuần lễ cơ. Trong khi đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.

Tiếp theo, ta chỉ thấy hắn được chăm sóc. Hắn đến Sài Gòn, được tiếp rước hết sức linh đình trong nhiều buổi chiêu đãi đầy rẫy những lời chúc tụng tôn kính nhất.

Về ngoại hình, hắn sẽ xuất hiện trước mắt dân Việt Nam thuộc địa với cái mũ hai sừng trên chóp sọ, với cái áo dài đẹp, Với những lời diễn thuyết hùng hồn, với đôi bắp chân bọc ủng, với chiếc ô tô sang trọng chạy giữa hai hàng người khom lưng và cùng rào rào chào hắn: “Lạy quan lớn! Bẩm lạy quan lớn ạ!”. Hắn thật là oai vệ, thật là đáng tôn đáng kính! Tuy nhiên, cũng có những người tỏ ý chê bai, căm ghét hắn qua lời nhận xét về gương mặt của hắn: Rậm râu sâu mắt. Đó là tướng mạo của một tên tướng cướp, của một kẻ bất lương. Chỉ ra một nhận xét này thôi, hắn đã hiện nguyên hình là một tên thực dân cướp nước cáo già. Trong khi đó, Phan Bội Châu vẫn nằm tù.

Sau những buổi chiêu đãi, những cuộc tiếp rước, những cuộc tuần du, hắn sẽ còn phải đi từ Sài Gòn ra Huế, vào thăm triều đình nhà Nguyễn, ăn yến với vua Khải Định, đón nhận Nam Long bội tinh cao quý do chính bàn tay nhà vua gắn cho. Rồi từ Huế hắn đi ra Hà Nội. Cuộc hành trình này thật chẳng mau lẹ gì.

Trong khi hắn dềnh dàng tiến hành những việc đó thì cụ Phan Bội Châu vẫn được “nghỉ ngơi” trong ngục, ý này được nhắc đi nhắc lại ba lần:

Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.

Trong khỉ đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù.

Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù.

Cách viết đối chiếu hai sự việc, hai con người mang ý nghĩa hết sức mỉa mai, nêu bật tâm địa xảo quyệt của Va-ren. Hắn cố kéo dài thời gian giam hãm cụ Phan Bội Châu như thế để uy hiếp tinh thần cụ, để buộc cụ phải giảm bớt ý chí đấu tranh.

Và cuối cùng sự nham hiểm, xảo quyệt của hắn đã bộc lộ một cách sâu sắc và rõ nét nhất qua những lời hắn nói với cụ Phan Bội Châu. Thực là tồi tệ, hắn đã tự nhận mình là một kẻ phản bội lại lí tưởng cách mạng của đảng Xã hội Pháp đang đấu tranh cho công bằng, dân chủ và quyền sống tự do của con người, của các dân tộc. Hắn chấp nhận trở thành một tên thực dân, một quan chức cao cấp đại diện cho nước Pháp, sang trống trị nhân dân ta. Hắn đã khoe với cụ Phan Bội Châu một cách trâng tráo:

“… ông hãy nhìn tôi này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm toàn quyền…!”.

Tinh quái và lố bịch, hắn biết mình hắn chưa đủ thuyết phục Phan Bội Châu, hắn còn ca ngợi các bạn học của hắn, những kẻ cũng phản bội như hắn và coi đó là những “tấm gương” đáng noi theo: “Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái nhà mà mình đã tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy”. Cách chơi chữ rất độc đáo, thể hiện một thái độ khinh bỉ mỉa mai: những kẻ ấy đã đốt cháy những cái minh đã tôn thờ, tức là bỏ lí tưởng cao đẹp mà đã có lúc họ tin tưởng để mà trở lại tôn thờ những cái xấu xa gắn liền với áp bức bất công, với khủng bố, giết chóc, tàn hại con người, xâm chiếm đất nước của người khác. Va-ren còn biểu dương cả những người Việt Nam đã theo Pháp. Tất cả những nét đó đều có tác dụng vạch rõ bản chất phản bội của tên Toàn quyền Va-ren.

Thậm chí hắn nói là đem lại tự do đến cho cụ Phan Bội Châu nhưng lại đòi cụ phải cộng tác, phải hợp lực với người Pháp để củng cố nền thống trị của Pháp ở Đông Dương. Hắn đòi cụ phải từ bỏ mọi ý đồ đấu tranh, thôi động viên đồng bào Việt Nam nổi lên chống Pháp.

– “Tôi đem tự do đến cho ông đây!” – Va-ren tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kếch đang xiết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm.

“Nhưng, có đi phải có lại, tôi yêu cầu ông lấy danh dự hứa với tôi là sẽ trung thành với nước Pháp, hãy cộng tác, hãy hợp lực với nước Pháp…”.

Hắn đòi cụ dùng uy tín của mình để lôi kéo mọi người theo Pháp. Hắn tỏ ý kính trọng tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy hi sinh của cụ Phan Bội Châu nhưng lại đòi hỏi cụ phản bội đầu hàng. Hắn đem miếng bánh vẽ đẹp đẽ hào nhoáng về một xứ Đông Dương thuộc địa để dụ dỗ mua chuộc cụ:

“Ông Phan Bội Châu, tôi biết rõ tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy hi sinh, nhiều nguy nan của ông, và chính tôi, tôi xin là người đầu tiên, với tư cách là toàn quyền Đông Dương, được bày tỏ tấm lòng rất mực quý trọng ông. Song những ý tưởng hào hiệp nhất phải chăng bao giờ cũng hay nhất?… Chúng ta có thể cùng nhau làm cho nước ông trở thành một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị, một nước Pháp ở Châu Á!”.

Truyện đã vạch rõ bộ mặt thật của Va-ren, một tên chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã, một con người vô liêm sĩ đáng khinh. Lời lẽ của hắn trâng tráo, dối trá, lừa bịp qua giọng lưỡi ngọt nhạt phỉnh phờ. Đó là những lời lẽ vừa khôn khéo vừa nham hiểm của một tên thực dân cáo già. Thế mà con người ấy lại chiêu dụ Phan BỘI Châu, nhà ái quốc đã suốt đời xả thân vì độc lập cho đất nước!

Lấy sự phản bội làm chuẩn mực để ca ngợi những nhân cách xấu xa, do đó tất cả những lời nói của Va-ren lọt vào tai Phan Bội Châu như “nước đỗ lá khoai” nghĩa là nó tuột đi, nó vô nghĩa. Tất cả những thái độ “nhiệt tình, chân thành” của kẻ phản bội đã khiến Phan Bội Châu dửng dưng, hoặc chỉ nhếch đôi ngọn râu mép lên một chút hoặc nhổ vào mặt Va-ren…

Miêu tả chân dung Va-ren, Nguyễn Ái Quốc dùng ngòi bút lạnh lùng, hóm hỉnh, thông minh, sắc sảo. Đó là ngòi bút điêu luyện, hiện đại, kết hợp nhất châu Âu sôi nổi và giọng điệu Á Đông thâm trầm.

Qua những trò lố vừa phân tích, Va-ren đã bị bóc trần là một tên phản bội nhục nhã, nham hiểm, trơ trẽn mà vẫn thất bại trong âm mưu chiêu dụ Phan Bội Châu đầu hàng. Nhìn rõ sự thâm độc của hắn, ta càng thêm kính phục Phan Bội Châu, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập xứng đáng được cả dân tộc tôn kính.

Leave a comment