Cảm nhận về nỗi buồn chinh phụ trong đoạn Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

0

Đề bài: Cảm nhận về nỗi buồn chinh phụ trong đoạn Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn là kiệt tác trong nền văn học cổ điển của nước nhà. Bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748) là tác phẩm dịch đặc sắc vừa truyền đạt tư tưởng sâu sắc của tác giả, vừa phô diễn vẻ mĩ lệ của tiếng Việt.

Đoạn trích diễn tả nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ, khía cạnh nổi bật của chủ đề tác phẩm: oán ghét chiến tranh và đòi quyền sông cho người phụ nữ.

Chiến tranh phong kiến đã xô đẩy người chinh phu biền biệt ngoài chiến địa. Người chinh phụ vò võ đợi chờ, nỗi thương nhớ chất chồng trong lòng, tràn ra cả không gian xa cách:

“Lòng này gửi gió đông có tiện

Nghìn vàng xin gửi đến nơi Yên

Non Yên dù chẳng tới miền

Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Cảnh buồn người thiết tha lòng

Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun…”

Một chút ngờ vực “Lòng này gửi gió đông có tiện”, một cử chỉ trân trọng “Nghìn vàng gửi đến non Yên” đã thể hiện được tình cảm thiêng liêng trong lòng người chinh phụ. Hình ảnh ước lệ (non Yên – một địa danh ở Trung Quốc) khiến cho cách biểu đạt sang trọng, cổ kính làm tôn vẻ đẹp của tâm hồn người chinh phụ. Nỗi nhớ trong lòng người đã tràn ra cả không gian rộng lớn:

“Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời”

Trong hình ảnh khoa trương ấy có cả thời gian thương nhớ “đằng đẵng”, có cả không gian chia li rộng lớn mà chỉ kích thước của vũ trụ “đường lên bằng trời” thì mới sánh kịp. Mà nói thời gian đằng đẵng, nói không gian xa cách vô tận “bằng trời” là để làm nổi bật nỗi cô đơn trong lòng người chinh phụ:

“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”

Mỗi từ ngữ ở đây, ngoài nghĩa riêng, nó còn thấm đẫm tâm trạng của người chinh phụ. Từ “thăm thẳm” ngầm ý oán trách, từ “đau đáu” như hiện lên nỗi thèm khát mà vô vọng trong trái tim yêu thương của người chinh phụ. Tình và cảnh xâm nhập, thẩm thấu lẫn nhau tạo ra hình ảnh của nỗi lòng thương nhớ não nề:

“Cảnh buồn người thiết tha lòng

Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”

Câu thơ khiến ta gợi nhớ một câu Kiều “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhưng đó là câu thơ đã có tính khái quát, triết lí, lạnh. Câu thơ này là một hiện tượng cụ thể của một nỗi lòng, nỗi lòng đã hoàn toàn phơi ra bên ngoài cảnh vật: “Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”. Chao ôi, “cành cây sương đượm” đã buốt gia, “tiếng trùng” đã ảo não, lại còn mưa phun vào tiếng trùng! Âm thanh của một cõi lòng tan nát. Khi “tiếng trùng mưa phun” rung lên thì ta không còn nghe tiếng của “lòng này” nữa mà tâm trạng của người chinh phụ càng lần khuất trong hình ảnh, âm điệu của thiên nhiên làm xao động lòng người:

“Sương như búa, bổ mòn gốc liễu

Tuyết nhường cưa, xẻ héo cành ngô.

Giọt sương phủ bụi chim gù

Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.

Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc

Một hàng tiêu, gió thốc ngoài hiên.

Lá màn lay ngọn gió xuyên

Bóng lioa theo bóng nguyệt lên trước rèm…”

Hình ảnh nào cũng là hình ảnh bên ngoài và hình ảnh nào cũng là hình ảnh bên trong, âm thanh nào cũng là âm thanh của thiên nhiên và âm thanh nào cũng là âm thanh cửa lòng người. Một hệ thống hình ảnh thiên nhiên đã họa lên nỗi lòng của người chinh phụ, nhớ thương mòn mỏi, héo hắt. Những hình ảnh so sánh bất ngờ, độc đáo mà chỉ có sự đồng cảm với nỗi đau của người chinh phụ thì mới có cái nhìn, cái nghe kì lạ như vậy.

“Sương như búa,bổ mòn gốc liễu

Tuyết nhường cưa, xẻ héo cành ngô”

Hình ảnh so sánh nào cũng lạ, cũng táo bạo. Hình ảnh nào cũng đau đớn “sương như búa…”, “tuyết nhường cưa…”, khi đau đớn nặng nề (búa bổ) khi thì đau đớn dai dẳng (cưa xẻ). “Gốc liễu”, “cành ngô” là những vật yếu mềm, hiện thân của người phụ nữ bị nỗi sầu muộn tàn phá cả thể xác lẫn tinh thần. Không còn phân biệt được những âm thanh cô đơn này là bên trong hay bên ngoài.

“Giọt sương phủ bụi chim gù S

âu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khai”

Tiếng chim gù (gọi bạn) đơn phương trong bụi bị “sương phủ” tiếng chim gù nghe lạnh thấu xương. Sắc độ của âm thanh được phân biệt trong hai từ “vẳng” và “nện”. “Vẳng” là dành cho tiếng con trùng “sâu tường”, và “nện” là dành cho tiếng “chuông chùa”, tiếng chuông chùa đã làm thổn thức trái tim cô quạnh của người chinh phụ. Không một âm thanh nào trong đêm trăng là không dội vang vào lòng người chinh phụ. Song để ý một chút ta có thể nhận ra sắc độ của âm thanh, có những âm thanh nỉ non, thê thiết của “tiêhg trùng mưa phun”, của tiếng “chim gù” phủ sương, của tiếng dế não nùng, lại có những âm thanh dữ dội của “chuông chùa nện khơi”, của “gió thốc ngoài hiên” biểu hiện sức sống mãnh liệt của người chinh phụ. Chính sức sống mãnh liệt đó làm rung chuyển cây cỏ, tiếng trùng trong đêm trăng, làm lay động lá màn đơn chiếc của nàng. Và kì lạ thay, nỗi sầu muộn đã tàn phá dung nhan của nàng, làm đau đớn trái tim yêu thương của nàng, nhưng không thể hủy diệt được sức sống mãnh liệt của nàng, không thể hủy diệt được tình yêu của nàng, nàng vẫn hiện diện như một bông hoa trong đêm trăng.

“Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm”

Nếu như hai khổ thơ đầu, ầm điệu tha thiết của tình cảm được thể hiện ở những từ láy như “đằng đẵng”, “thăm thẳm”, “đau đáu”, “thiết tha” thì ở hai khổ thơ tiếp theo tâm trạng của nhân vật trữ tình được biểu hiện ở thanh điệu; những thanh trắc khô khóc như “búa”, “bổ”, “tuyết”, “héo”, “nện”, “thóc”… phô diễn được xung đột nội tâm của người chinh phụ: sự tàn phá ghê gớm của hoàn cảnh khắc nghiệt và sự trỗi dậy của tinh thần người thiếu phụ đòi được sống, được yêu thương và những vần thơ thần bút đã hiện lên cùng với tinh thần ham sống, dam mê, khát khao hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ:

“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau”

Thiên nhiên đã bày ra một cuộc ái ân thật là mê li. Những ẩn dụ “hoa”, “nguyệt” đã tạo ra “trường liên tưởng” về một quá khứ tình cảm êm đẹp, về chuyện buồng the ân ái nồng nàn. Nhạc điệu uyển chuyển, tha thiết hơn, nồng nàn hơn bằng những điệp ngữ, điệp từ, bằng sự hòa âm, hòa điệu tạo ra sự trùng điệp mê li. Bằng những hình ảnh hoa nguyệt gợi cảm lạ lùng, bằng nhạc điệu đầy cám dỗ, tác giả đã tạo nên nỗi lòng khao khát hạnh phúc lức đôi của người chinh phụ. Và đây cũng là những dòng thơ thể hiện một cách rực rỡ vẻ đẹp mĩ lệ của tiếng Việt.

Đoạn thơ đã thể hiện một cách rực rỡ tài hoa của tác giả và dịch giả Chinh phụ ngâm. Tình cảm nhân bản, nồng nàn. Tư tưởng sâu sắc, thái độ căm ghét chiến tranh, phản kháng chiến tranh được bộc lộ một cách kín đáo, tế nhị (chỉ bóng gió mà thái độ oán trách vua vẫn lộ ra “Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu”). Bút pháp biến hóa, nhạc điệu thay đổi rất hay (âm điệu của từ láy ở hai khổ thơ đầu, âm điệu và thanh sắc ở khổ ba, bôn, điệp từ, điệp ngữ ở đoạn kết). Đoạn thơ gây xúc động đổi với người đọc là những biểu hiện sông mãnh liệt của người phụ nữ bị chiến tranh vùi dập. Nỗi nhớ chồng (chinh phụ) tha thiết, vô vọng. Thương nhớ, sầu muộn trong chia lìa ảm đạm đã tàn phá cả tinh thần và thể xác của người chinh phụ, nhưng không có gì có thể dập tắt được ngọn lửa của sự sông, của tình yêu và những khát vọng về hạnh phúc lứa đôi trong lòng người chinh phụ.

Leave a comment