Câu nói của M.Goocki: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức nó mới là con đường sống” gợi cho em suy nghĩ gì?
Lê-nin nói: “Không có sách không có tri thức, không có tri thức không có chủ nghĩa cộng sản”. Bác Hồ cũng chỉ rõ về việc học tập: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân… “. Như vậy, sách quan trọng thế nào đối với cuộc sống con người. Có phải vì thế mà M. Go- rơ-ki đã khuyên chúng ta: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sông”.
Lời khuyên ấy thật thiết tha, chân thành bởi đó là một lời khuyên đúng đắn của một con người hiểu sâu sắc giá trị của sách. Nhân dân ta thường nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Hẳn là M. Go-rơ-ki đã đọc nhiều sách và suy ngẫm nhiều trên những cuốn sách thì mới đúc kết thành một chân lí: sách là nguồn kiến thức. Đúng như vậy. Sách đã tổng kết trong đó biết bao kiến thức của con người từ khoa học xã hội và nhân văn, từ lịch sử, địa lí khoa học, cho đến văn học nghệ thuật… Sách tái hiện cuộc sống đa dạng và phong phú của con người trên mọi miền của trái đất qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, nói lên mơ ước khát vọng của nhân loại qua các thời đại. “Như những con chim kì diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về cuộc sống đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt tới cái thiện và cái đẹp” (M. Go-rơ-ki). Một em bé bán diêm đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa cùng với những mộng tưởng đẹp đẽ diệu kì khi em bé bay lên cùng người bà thân yêu đến cái thế giới hạnh phúc nhất của tuổi thơ trong trắng. Một cụ già Bơ-men đã đổi mạng sông của mình để cứu sống một cô gái và để lại cho đời một kiệt tác của lòng nhân ái: chiếc lá cuối cùng! Một lão Hạc thà ăn bả chó để chết vật vã, đau đớn chứ không bán đi một sào đất của đứa con trai… Một giây phút sung sướng cực điểm khi được ngồi trong lòng mẹ sau bao ngày tháng chờ đợi, một cảm xúc mới lạ dâng lên trong ngày tựu trường đầu tiên của đời học trò, và cả cái tư thế hiên ngang đường hoàng trong tù ngục của các nhà chí sĩ yêu nước… Tất cả, có phải đó chính là cuộc sống, là nguồn kiến thức mà sách đã mang dến cho ta, làm cho ta càng thêm gắn bó với thế giới, làm cho “người gần người hơn” như Nam Cao từng nói. Và M. Go-rơ-ki cũng nói như vậy: “Nhiều lần tôi khóc khi đọc sách: kể cả chuyện hay biết bao về con người, họ trở nên đáng yêu và gần gũi biết bao”.
Sách cung cấp cho ta kiến thức và chỉ có kiến thức mới là con đường sông. Thử hỏi nếu không có kiến thức thì con người sẽ sống ra sao đây? Nếu không có kiến thức thì làm sao con người có thể tồn tại và phát triển như ngày nay? Tất cả đều nhờ những tìm kiếm, sáng chế, phát minh… của con người qua hàng nghìn năm lịch sử, và những điều đó đều được ghi lại trong sách. Nếu không có sách thì kiến thức của con người sẽ mai một đi, không còn nữa. Sách quý giá biết bao khi nó đã tích lũy trong đó nguồn kiến thức của nhân loại. Nguồn kiến thức đó sẽ giúp cho ta sông tốt hơn, chỉ cho ta cách sống đẹp hơn, văn minh hơn, nhân ái hơn: đó mới là con đường sống cúa ta nhờ sách mà có được. Sách trở thành cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống, cung cấp cho ta những kiến thức khoa học và bổ ích để nâng cao chất lượng cuộc sống, hoàn thiện nhân cách con người, tạo ra văn minh và công bằng xã hội. Đó chính là con đường sông mà sách đã mang lại cho ta, như M. Go-rơ-ki đã nói rất sâu sắc và thấm thìa: “Mỗi cuốn sách đều là những bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sông ấy”.
Sách quý giá biết bao và cần thiết cho con người biết mấy! Hãy yêu sách như lời khuyên tha thiết, chân thành của nhà đại văn hào Nga đã một đời gắn bó với sách. Và phải biết quý yêu sách như nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn từng tâm niệm:
Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng
Chẳng bằng kinh sử một vài pho.