Chứng minh câu tục ngữ: ” Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Chúng ta đều biết rằng một cọng rơm thì không thể cháy sáng nhưng một bó rơm thì lại có thể cháy dữ dội bởi nhờ nhiều cọng rơm hợp lại. Cũng như con người không thể tự mình làm hết mọi việc mà luôn phải đoàn kết lẫn nhau thì mới có thể hoàn thành được việc lớn. Để lưu truyền đến ngàn sau bài học về tinh thần cao đẹp ấy, ông cha ta đúc kết lại qua câu tục ngữ
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
-> Chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ câu tục ngữ trên.
Thật vậy, với phép hoán dụ, “một cây ” là chỉ số ít, không thể làm nên núi non nhưng “ba cây” là số nhiều, tượng trưng cho nhiều cây thì lại tạo nên hòn núi cao. Từ “một cây” đến “ba cây” số lượng đã thay đổi nên chất lượng cũng thay đổi : “ba cây chụm lại” chính là sự đoàn kết, đồng lòng, hợp sức nhau. Câu tục ngữ đã mượn chuyện về cây cối để nhắc nhở chúng ta phải biết đồng sức, đồng lòng, noi theo tinh thần đoàn kết quý báu của dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử để làm nên việc lớn. Đó là truyền thống tốt đẹp có từ ngàn xưa. Trong lịch sử, dân tộc ta đã biết đoàn kết để chống lại kẻ thù xâm lược. Đất nước ta, đất không rộng, người không đông nhưng phải luôn đối đầu với những kẻ thù hùng mạnh như Trung Quốc, Pháp và Mĩ. Nhưng nhờ tinh thần đoàn kết mà dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng oanh liệt chống Trung Quốc như khởi nghĩa Hai Bà trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Rồi hơn 80 năm chống Pháp với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu :
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
( Tố Hữu )
Và tiếp tục 20 năm chống Mĩ dẫn đến đại thắng mùa xuân 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử :
“Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”
( Hồ Chí Minh )
Do đó, kẻ thù dù lớn mạnh đến đâu nhưng với tinh thần đoàn kết, nhân dân ta đã đánh bại chúng một cách vẻ vang.
Trong văn học, có nhiều câu chuyện, câu ca dao, tục ngữ, thơ đã nhấn mạnh đến vai trò của sự đoàn kết. Chúng ta chắc còn nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn Bó đũa. Người cha trước khi chết đã trao cho các con một bó đũa và bảo hãy bẻ nó từng cây thì các con bẻ gãy nó dễ dàng. Nhưng khi ông bảo các con bẻ nguyên bó đũa thì không ai bẻ được. Từ đó ông liên hệ anh em giống như bó đũa này, phải biết thương yêu, đoàn kết nhau thì không ai quấy phá mình được. Tục ngữ Việt Nam cũng có nhiều câu nói về sự đoàn kết như :
“Môi hở răng lạnh”
“Đông tay vỗ nên kêu”
“Đoàn kết thì sống, chia rẻ thì chết”
Hoặc câu nói của Bác :
“Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết
Thành công, thành công đại thành công”
Trong thực tế cuộc sống, mọi người trong gia đình, trong làng xóm cũng biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tồn tại, cùng làm việc giúp ích cho đời. Khắp nơi, nơi nào cũng có Những tấm lòng vàng, từ thiện biết chia xẻ với những mảnh đời bất hạnh, khốn khó “Lá lành đùm lá rách”. Nào là chương trình Mái ấm ATV, Vòng tay nhân ái … sẵn sàng làm từ thiện để giúp đỡ người nghèo, trẻ em khuyết tật, những người già cô đơn không nơi nương tựa, những phần quà mang đầy tình người, tình đồng loại. Trường em trong dịp Tết vừa qua có tổ chức đêm văn nghệ Mừng Đảng mừng xuân lấy quĩ mua quà cho học sinh nghèo ăn Tết, đó cũng là một nghĩa cử cao đẹp, thấm đượm tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Tóm lại, câu tục ngữ là một bài học bổ ích về tình đoàn kết, từ đó chúng ta còn thấy được sức mạnh vô địch và sự ấm no hạnh phúc mà nó mang lại. Đó chính là ngọn lửa thần kì thắp sáng con đường chúng ta đang hướng tới. Riêng bản thân em sẽ luôn luôn đoàn kết mọi nơi, mọi lúc, đoàn kết với bạn bè, với mọi người để cùng nhau xây dựng đất nước ta ngày một tươi đẹp hơn.