Chương trình khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp
Chương trình khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp
Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) kết thúc, thực dân Pháp thắng trận nhưng đất nước bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế bị kiệt quệ. Tư bản độc quyền Pháp vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước, vừa đẩy mạnh khai thác các thuộc địa để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra. Chương trình khai thác lần thứ hai đã được chúng ráo riết thi hành ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam.Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, bỏ vốn nhiều nhất vào nông nghiệp (chủ yếu là đồn điền cao su) và khai mỏ (chủ yếu là mỏ than), vì cao su và than là hai mặt hàng thị trường Pháp và thế giới có nhu cầu lớn.Năm 1927, số vốn đầu tư vào nông nghiệp lên tới 400 triệu phrăng, gấp nhiều lần vào thời kì trước chiến tranh. Diện tích trồng cao su tăng từ 15 ngàn hécta năm 1918 lên 120 ngàn hécta năm 1930. Nhiều công ti cao su lớn ra đời : Công ti Đất Đỏ, Công ti Mi-sơ-lanh, Công ti Cây nhiệt đới v.v… Tư bản Pháp cũng chú trọng đến khai mỏ. Các công ti than có từ trước đều được bỏ vốn thêm và hoạt động mạnh hơn. Nhiều công ti than mới nối tiếp nhau ra đời : Công ti than Hạ Long – Đồng Đăng, Công ti than và kim khí Đông Dương, Công ti than Tuyên Quang, Công ti than Đông Triều…Tư bản Pháp mở thêm một số cơ sở công nghiệp như các nhà máy sợi Hải Phòng, Nam Định ; các nhà máy rượu Hà Nội, Nam Đinh, Hà Đông ; các nhà máy diêm Hà Nội, Hàm Rồng (Thanh Hoá), Bến Thủy (Vinh) ; nhà máy đường Tuy Hoà (Phú Yên); nhà máy xay xát gạo Chợ Lớn…
Thương nghiệp phát triển hơn trước thời kì chiến tranh. Để nắm chặt thị trường Việt Nam và Đông Dương, tư bản độc quyền Pháp đánh thuế nặng hàng hoá các nước nhập vào nước ta, chủ yếu là của Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ đó, hàng hoá của Pháp nhập vào Việt Nam tăng lên rất nhanh.Giao thông vận tải được đầu tư để phát triển thêm. Đường sắt xuyên Đông Dương được nối liền nhiều đoạn : Đồng Đăng – Na Sám (1922), Vinh-Đông Hà (1927).Ngân hàng Đông Dương, đại diện thế lực của tư bản tài chính Pháp, có có phần trong hầu hết các công ti và xí nghiệp lớn, đã nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế ở Đông Dương.Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp không thay đổi: hạn chế công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp nặng ; tăng cường thủ đoạn bóc lột, vơ vét tiền của của nhân dân ta bằng cách đánh thuế nặng (thuê ruộng đất, thuế thân, thuế rượu, thuế muối, thuế thuốc phiện và hàng trăm thứ thuế khác.