Có ý kiến cho rằng: Cái gốc của ca dao hài hước, suy đến cùng, cũng là trữ tình, vì có yêu, có ghét, và đến một mức nào đó thì bật ra tiếng cười hài hước. Nêu ý kiến của anh (chị)

0

Trong Lẽ ghét thương, Nguyễn Đình Chiểu có viết: Phải chăng hay ghét cũng là hay thương. Theo cách tư duy của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta cũng có thể nói: Cái gốc của ca dao hài hước, suy đến cùng, cũng là trữ tình, vì có yêu, có ghét,… và đến một mức nào đó thì bật ra tiếng cười hài hước.

Với người dân lao động, khi sáng tác những bài ca dao hài hước, mục đích đầu tiên họ hướng tới là tiếng cười trào lộng để xua đi những mệt nhọc của một ngày lao lực. Nhưng nếu những bài ca đó chỉ thuần nhất mua vui thì những tiếng cười được bật lên sẽ rất chóng tắt đấy là chưa nói đến sự nhạt nhẽo của chúng. Một điều chắc chắn là các tác giả dân gian sẽ gửi gắm trong các câu ca những ý nghĩa nhất định. Và suy cho cùng, cội rễ của các ý nghĩa này phải là một tấm lòng yêu hay ghét.

Cưới nàng anh toan dẫn Voi,

Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn…

Bài ca thực chất là tiếng cười tự trào của người bình dân. Người lao động tự cười mình trong cảnh nghèo. Cưới xin là việc trọng đại nhất trong cuộc đời con người nhưng chàng trai chỉ có thể dẫn cưới bằng một con chuột béo và cô gái chỉ thách cưới có… một nhà khoai lang. Lời thách cưới của cô gái chứa đựng một triết lí nhân sinh của người lao động trong cuộc sống xưa: tình nghĩa cao hơn của cải. Như vậy, cái nghèo không làm họ khổ tâm, mặc cảm mà còn trở thành đề tài để họ vui đùa. Điều ấy thể hiện lòng yêu đời và tinh thần lạc quan của họ. Rõ ràng, nụ cười hóm hỉnh của những người dân nghèo được nảy nở từ sự cảm thông, yêu thương, từ sự chia sẻ, được bắt nguồn từ tình người nhân bản.

Cái gốc của ca dao hài hước không chỉ là tình yêu thương mà còn là thái độ phê phán, còn là “cái ghét”:

– Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.

– Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Lỗ mũi mười tám gánh lông,…

Cả ba bài ca này cùng chung một cảm hứng châm biếm, phê phán. Đó là những tiếng cười phê phán trong nội bộ nhân dân nhằm nhắc nhở nhau tránh những thói hư tật xấu mà con người thường mắc phải. Hai bài ca đầu chế giễu loại đàn ông yếu đuối, lười nhác trong xã hội. Mỗi bài là một bức tranh vừa sinh động cụ thể lại vừa mang tính khái quát cao, điển hình cho hai loại đàn ông đáng phê phán. Người đàn ông thứ nhất phải cố gắng hết sức khom lưng chống gối mới gánh nổi hai hật vừng còn người đàn ông thứ hai thì vô tích sự đến mức suốt ngày ru rú xó bếp. Những “phẩm chất” mà hai người đàn ông này có được vốn dĩ không thời đại nào trân trọng, yêu mến. Họ hiện lên vừa hài hước vừa thảm hại. Chúng ta không thể hoan nghênh những con người như thể trong cuộc đời thực này. Đó chính là lí do vì sao các tác giả dân gian đã dùng tiếng cười để châm biếm, chế giễu họ. Tất nhiên, đó là tiếng cười thể hiện thái độ nhẹ nhàng, thân tình. Nhưng rõ ràng, nguồn gốc của mỗi tiếng cười chính là “cái ghét”. Tiếng cười cất lên để phủ định chứ không nhằm mục đích tôn vinh những đấng mày râu như thế.

Tương tự, trong bài ca dao cuổì cùng, các tác giả dân gian cũng xuất phát từ thái độ không đồng tình để chế giễu loại phụ nữ đỏng đảnh, vô duyên. Nghệ thuật phóng đại và trí tưởng tượng phong phú của người bình dân đã mang lại tiếng cười hài hước cho bài ca đồng thời ẩn chứa ý nghĩa châm biếm nhẹ nhàng đối với loại phụ nữ này. Tuy nhiên có thể nhận thấy các tác giả dân gian đã nhìn họ bằng con mắt nhân hậu, thông cảm bởi lẽ sự đỏng đảnh, vô duyên ở họ có thể do trời “phú” hoặc cũng có thể do họ chưa điều chỉnh được bản thân. Cấu trúc chồng yêu chồng bảo… đã nói lên ý đó một cách rõ ràng.

Từ các bài ca trên đây, có thể khẳng định cái gốc của ca dao hài hước xét đến cùng chính là tấm lòng, là tình yêu của những con người lao động. Vì yêu nên họ mới ghét những điều chưa hoàn thiện, những điều làm hình ảnh con người trở nên xấu xí. Vì yêu nên họ mới chế giễu, phê phán để phủ định chúng

Cùng với ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa, ca dao hài hước là một trong những điểm tựa tinh thần để người bình dân, để những độc giả muôn đời của nó vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn.

Leave a comment