Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Theo anh (chị), truyền thống ấy có được tiếp nối trong thực tế cuộc sống của xã hội ta hiện nay không
Tôn sư trọng đạo không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Khi nào cuộc sống còn cần thiết, con người còn khát vọng vươn tới chân, thiện, mĩ thì người thầy còn được tôn trọng. Vì thế, dù ở giai đoạn lịch sử nào thì tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.
Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về người thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mỗi người (“Không thầy đố mày làm nên”). Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ (“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”), ông cha ta vẫn luôn nhắc nhở con cháu:
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào cũng luôn được tôn trọng (“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”). Bởi vậy, tôn sư trọng đạo không còn là vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Pla-tông, A-ri-xtỐt, Khổng Tử,… từ người thầy đã trở thành những vĩ nhân. Ngày nay, người thầy vẫn được xã hội tôn trọng và “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.
Trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm làm sao để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những người chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn trót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyên đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những trang thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. “Trọng đạo” cũng là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống hiếu học.
Để xã hội ngày càng văn minh, con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Công việc của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vai trò của người thầy thì không thể thay thế. Thầy vẫn là thầy và ngày càng có vị trí quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có phát triển đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm, trách nhiệm phải quan tâm, suy nghĩ thì truyền thống tôn sư trọng đạo càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đôi với những người làm thầy trong xã hội. Truyền thống tôn sư trọng đạo cần phải được giữ gìn, phát huy hơn nữa.