Dựa vào câu chuyện “Tấm Cám” đã học, em hãy kể chuyện về con cá Bống

0

DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG

A. MỞ BÀI:

Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh.

+     Ai đã đọc truyện Tấm Cám chắc không thể quên được con cá Bống.

+     Kể lại việc Tấm có con cá Bống và việc Tấm cho Bống ăn.

B. THÂN BÀI:

Phát triển câu chuyện:

1. Mụ dì ghẻ bảo Tấm đi chăn trâu xa. Tấm nói cho Bống nghe để khỏi chờ đợi.

2. Buồn quá, Bống bơi lên bơi xuống rất bồn chồn vì nhớ Tấm.

3. Nó thoáng thấy hai người đàn bà. Nó vội lặn xuống.

4. Nghe tiếng hát quen thuộc gọi ăn, Bống nghi ngờ.

5. Thấy chiếc yếm đỏ, Bống tò mò lên nhìn.

6. Bị bắt và bóp chết.

C. KẾT LUẬN:

+ Tấm về và nhìn thấy cục máu, khóc thảm thiết.

+ Những lời ai oán của Tấm bên thành giếng.

BÀI LÀM

Ai đã từng nghe kể câu chuyện Tấm Cám chắc hẳn không thể nào quên được chú cá Bống còn sót lại trong giỏ Tấm sau lần đi bắt cá cùng với Cám và chắc cũng không thể quên được câu hát ngọt ngào của Tấm mỗi lúc gọi bạn mình lên ăn.

Bống bống bang bang

Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người…

Hôm ấy, Bống rất bồn chồn khi đợi mãi mà không nghe tiếng chị Tấm gọi mình như thường lệ. Chả là lúc sáng chị Tấm nói với Bống rằng hồm nay, chị bị mụ dì ghẻ bảo đưa trâu đi ăn cánh đồng xa, cho nên có thể về muộn và Bống đừng có mong đợi nhiều.

Buồn quá, Bống lần theo thảm rêu xanh mọc theo bờ dựng đứng của thành giếng. Nó bơi từ trên xuống dưới rồi lại thẫn thờ quẫy đuôi, quạt cặp vây nhỏ vào nước mà bơi từ dưới bơi lên. Nghe tiếng động lạ. Hình như có cả đến hai người cùng ra giếng. Bống vội lặn sâu xuống đáy nước, rúc vào cái hốc đá quen thuộc. Và kìa, vọng xuống từ miệng giếng vẫn là bài hát quen thuộc hằng ngày mà Bống được nghe.

Bống bống bang bang

Lên ăn cơm vàng…

Giọng hát bị ngắt quãng và sau đó nghe tiếng xì xầm trao đổi ở trên ấy. Bống rất ngạc nhiên khi tiếng hát tiếp theo lại ngọt ngào đường mật và tha thiết.

Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Lời mời gọi này sao mà quyến rũ thế. Nó đâu gắt gỏng và the thé như lúc đầu. Bống lưỡng lự, chú bơi vòng quanh một vòng đáy nước rồi cố mắt nhìn lên. Lấp loáng bóng hai khuôn mặt phụ nữ, một già, một trẻ. Bóng của họ cứ chao động và hình như cô gái trẻ mặc một cái yếm thắm đỏ chói thì phải. Ôi, cái yếm đỏ mà chị Tấm vẫn luôn ao ước! Bống bị sự tò mò kích thích. Cả đời chưa thấy yếm đỏ bao giờ mà. Quên đi những tính toán suy nghĩ, Bống ngoi lên trong lúc tiếng hát cứ réo rắt và thôi thúc.

Vừa chạm mặt nước, Bống đã thấy mình bị nhấc bổng lên trên không. Bống vùng vẫy tuyệt vọng trong một cái vợt. Bống biết mình đã bị lừa và một ý nghĩ thoáng qua rất mau: “Có lẽ mình sẽ chết…”

Mẹ con Cám đã reo lên sung sướng. Đúng là cái giọng the thé và gắt gỏng lúc nãy đang biểu lộ niềm vui: “Mẹ à, lần này thì con Tấm sẽ không còn để mà tâm tình với bạn nó nữa nhé!”. Vừa nói, Cám vừa lấy tay bóp chặt vào thân Bống. Máu trong miệng Bống trào ra. Chúng nó giết Bống trong khi chưa đưa Bống ra khỏi miệng giếng.

Chiều tối, Tấm đi chăn trâu về. Chị chưa kịp đóng then cài chuồng cho trâu, chưa kịp vào nhà lấy cơm cho Bống là đã chạy ào ra giếng. Tấm cất giọng ngân nga tha thiết như dành tất cả tĩnh thương của một người chị cho đứa em côi cút:

Bống bống bang bang…

Mới hát câu đầu mà đã nổi lên mặt giếng một cục máu tím bầm đầy oán hận, Tấm ôm mặt khóc nức nở. Chị đã hiểu ra cơ sự như thế nào. Thế là từ đây thân phận mồ côi của Tấm lại lẻ loi không có ai tâm sự.

Không tin được sự thật, Tấm lại nhìn xuống giếng, cục máu như đặc quánh và đỏ bầm lại hơn. “Bống đã bị giết”, ý nghĩ ấy làm Tấm không chịu nổi. Chị gục đầu ôm lấy thành giếng mà thổn thức nghẹn ngào: “Bống ơi, Bống ơi. Ai đã giết mày? Bống ơi, sao mày nỡ bỏ bạn bè mà ra đi”.

Leave a comment