Dựa vào câu nói của Lê-nin: Tôi không sợ khó… đề tài: Một học sinh có bản chất tốt, nhưng do một hoàn cảnh nào đó xô đẩy dẫn đến phạm sai lầm nhưng đã kịp thời tỉnh ngộ
Đề bài:
Dựa vào câu nói của Lê-nin: Tôi không sợ khó, không sợ khổ, tôi chỉ sợ những phút yếu mềm của lòng tôi. Đối với tôi, chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất để xây dựng cốt truyện với đề tài: Một học sinh có bản chất tốt, nhưng do một hoàn cảnh nào đó xô đẩy dẫn đến phạm sai lầm nhưng đã kịp thời tỉnh ngộ
Bài làm:
Trong cuộc sống, có những khó khăn làm bạn vấp ngã, có những khó khăn tưởng chừng như không, thể vượt qua. Không phải cuộc sống của ai cũng hoàn hảo, không phải con đường của ai cũng bằng phẳng và trải toàn thảm đỏ. Có những con đường khó khăn hơn, mà nơi đó chúng ta phải gặp những gập ghềnh buộc bản thân phải vượt qua. Dễ là khi nói mình sẽ vượt qua, nhưng khó là khi bạn có đang vượt qua điều đó. Như Lê-nin đã từng nói Tôi không sợ khó, không sợ khổ, tôi chỉ sợ những phút yếu mềm của lòng tôi. Đối với tôi, chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất. Kiên và Sơn là những người như thế – hai người bạn với sự mạnh mẽ của mình đã vượt qua những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua trong cuộc sống.
Tôi biết Phan Văn Kiên từ khi cậu còn nhỏ. Kiên học với tôi từ khi còn tiểu học. Bẵng đi một thời gian không gặp nhau sau khi ra trường, tôi nghe tin rằng Kiên nghiện. Kiên rất hiền, hiền đến mức nghe tin cậu nghiện ma túy tôi không dám tin. Rồi đến khi lại nghe tin cậu cai nghiện thành công, tôi cũng không mấy tin. Nhưng đó là sự thật.
Tôi tìm gặp Kiên, để nghe Kiên kể lại con đường sa ngã của mình. Năm 1995, khi Kiên vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, chưa có việc gì làm nên rơi vào con đường nhàn cư. Rồi bạn bè rủ rê, rồi sau vài lần dùng thử, Kiên “dính” hẳn vào ma túy. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, Kiên cứ bán dần đồ đạc trong nhà, cho đến khi không còn gì để bán, nhà Kiên rơi vào cảnh khuynh gia bại sản.
Kiên tâm sự rằng “Có lúc thấy mọi người nhìn mình với ánh mắt cảnh giác, tớ cũng thấy xấu hổ lắm. Nhưng mỗi khi lên cơn thì đâu còn biết gì ngoài ma túy. Tớ biết lắm rằng mình là thằng con nghịch tử, nhưng thèm thì phải làm liều…”. Rồi Kiên đồng ý cai nghiện. Cai tại nhà, cai ở trại… cũng chẳng ăn thua gì. Nhưng “con mạ trắng” đã bám chặt vào Kiên, không thể dứt bỏ.
Kiên kể rằng, không chỉ có mình cậu, Sơn người bạn học cùng khối của chúng tôi ngày xưa cũng là “cùng hội, cùng thuyền” với Kiên. Sơn là con nghiện “có tiếng”. Đến mức trên cái xóm nhỏ nhà tôi bây giờ, nhắc đến Sơn “bộ đội” là nhiều người đã sợ. Nhớ lại thời đen tối, Sơn bảo: Con đường đến với ma túy của các con nghiện hầu như đều giống nhau. Đứa nào cũng thử cho biết, thử rồi là “dính” luôn.
“Tôi bị nghiện từ năm 1989. Năm 1990 đi bộ đội mà vẫn không cai được. Cứ tưởng xuất ngũ mình sẽ từ bỏ được nó, ai ngờ ra quân càng nghiện hơn. Nhiều khi thấy mình kém cỏi thấy mình là gánh nặng nên nghĩ đến con đường quyên sinh. Khổ lắm, ngửi thấy mùi đó là lại cứ lao vào” Sơn đã tâm sự với tôi rất thật như thế.
Rồi cũng như bao con nghiện khác, đồ đạc nhà Sơn cũng dần dần bị “sơ tán”. Để có tiền, cậu ấy lại lao vào con đường trộm cắp, móc túi… Mấy năm trời đi “bụi”, hết vào Nam lại ra Bắc, làm đủ trò để có tiền hút chích. Thế là vào tù…
Nhưng rồi cũng đến ngày lương tâm thức tỉnh…
Với Kiên, sau bốn lần cai nghiện không thành, mọi người đã coi cậu như thứ bỏ đi. Năm 2003, bố Kiên ông Phan Văn Vượng ốm nặng, ông ốm không gượng dậỳ nổi vì buồn chuyện của Kiên, ông nói coi như đã mất Kiên, ông còn sống làm gì. Thương cha, tủi hổ. với bản thân, lương tâm thức tỉnh, Kiên tự đi cai nghiện. Và cậu đã thành công chỉ hơn một năm sau đó. Bây giờ Kiên vừa chăm chỉ với nghề rửa xe máy, vừa giỏi giang sửa chữa điện tử. Bà con lối xóm ai cũng khen: Thằng Kiện thành người tốt rồi, vừa hiền lại vừa giỏi.
Kiên tâm sự: “Tớ muốn chuộc lại lỗi lầm của hơn mười năm nghiện ngập. Vì thế mà đã tình nguyện gia nhập nhóm đồng đẳng vừa để giúp đỡ người nghiện hoàn lương, vừa tham gia chăm sóc người có HIV. Nhóm của tớ đã giúp được ba mươi người cai nghiện thành công. Càng nghĩ càng thấy mình phải làm có trách nhiệm làm những việc ích cho đời”.
Tô Thanh Sơn cũng vậy. Để cắt được cơn nghiện, cậu đã lấy gia đình làm điểm tựa. Vì thế mà chỉ sau chín tháng, đã cai nghiện thành công. “Khổ nỗi, bạn nghiện không buông tha sau khi mình đã “làm người” – anh nói – không dễ gì giữ được mình nếu không có sự giúp đỡ của gia đình, của bà con lôi xóm”.
Từ thành công đó, Sơn đã gia nhập đội tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS. Khi gặp lại, tôi thấy Sơn cười thật tươi: “Cuộc đời thật không thể ngờ. Đến bỏ đi như tôi mà bây giờ vẫn có thể làm lại. Tôi nghĩ chỉ có một con đường là tự mình phải có nghị lực, tự mình phải có khát vọng làm người thì chắc chắn sẽ thành công”.
Thiết nghĩ, hai người bạn của tôi, những người đều đã dính vào con đường ma túy, đã vượt qua được những thử thách cam go nhất của cuộc sống để trở lại làm một con người thực sự. Kiên và Sơn đều cho rằng, hai cậu không sợ khó, không sợ khổ, miễn là cuốì cùng được trở thành một người lương thiện, làm những công việc bình thường vun đắp cho cuộc sống của mình. Như Lê-nin đã từng nói Chiến thẳng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất.