Giới thiệu một vài nét về Tản Đà và bài thơ Hầu Trời
Đề bài: Giới thiệu một vài nét về Tản Đà và bài thơ Hầu Trời
Tác giả
Tản Đà (1889-1939) là bút danh của Nguyễn Khắc Hiếu. Quê ở Khê Thượng, Bất Bạt nay thuộc Ba Vì, Hà Tây. Tinh thông Hán học, phong tình tài hoa. Là thi sĩ tài ba, tên tuổi chói sáng trên thi đàn Việt Nam những năm 20 của thế kỉ XX. Viết văn làm thơ. Tác phẩm gồm có: Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Khối tình con, Tản Đà vận văn,… Ông là người dịch thơ Đường hay nhất ở nước ta. Cái tôi lãng mạn bay bổng là hồn thơ của Tản Đà: đằm thắm, thiết tha, buồn nhiều mà vẫn gắn bó với quê hương, đất nước. Hoài Thanh xem Tản Đà là “người của hai thế kỉ” vì thơ ông là cái vạch nối giữa hai nền văn học của dân tộc: cổ điển và hiện đại.
Thể thơ, chủ đề
Bài thơ “Hầu Trời” viết theo thể thất ngôn trường thiên dài 120 câu thơ (Nhà xuất bản Văn học 1982).
Bài thơ “Hầu Trời” không chỉ thể hiện cái ngông của Tản Đà mà còn biểu lộ một cốt cách của thi sĩ tài tử, tài hoa và phong thái ung dung thanh cáo của tác giả trước “nỗi đời cay cực” phải bán văn kiếm ăn lần hồi.