Giới thiệu một vài nét về văn hào Nga M. Go-rơ-ki
M. Go-rơ-ki (1868-1936) là văn hào Nga vĩ đại. Tuổi thơ đầy bất hạnh, năm lên 10 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời thơ ấu phải làm nhiều nghề để kiếm sống: đi ở, làm đầu bếp, phụ việc trong xưởng, làm tượng Thánh, … Rất hiếu học và ham mê đọc sách, đi nhiều, biết nhiều, nên đã tự trang bị cho mình một vốn kiến thức văn hóa đa dạng, phong phú về triết học, lịch sử … và đặc biệt là văn học Nga và phương Tây. Sống nhiêu năm ở Tây Âu, ở Ý, đã sang Mỹ. Cuối thế kỉ XIX đã trở thành nhà văn mà tên tuổi lừng danh khắp nước Nga và châu Âu. Sau Cách mạng tháng 10 Nga, M. Go-rơ-ki là người có công lớn nhất trong việc tổ chức, xây dựng và phát triển nền văn học mới bồi dưỡng các nhà văn trẻ.
Sáng tác của M. Go-rơ-ki thật đồ sộ, gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học, văn chính luận, chân dung văn học, v.v … Tên tuổi của M. Go-rơ-ki gắn liền với bộ tự thuật 3 tập: “Thời thơ ấu”, Kiếm sống”, “Những trường đại học của tôi”, tiểu thuyết “Người mẹ”, “Phô-ma Gordep”, vở kịch “Dưới đáy” và hàng trăm truyện ngắn, …Đặc biệt truyện ngắn “Bà lão Iderghin”, “Bài ca chim ưng”, … đã khắc sâu vào trái tim bao độc giả hơn thế kỉ nay.
Sáng tác của M. Go-rơ-ki thấm đẫm vẻ đẹp nhân văn hiếm có. Ông miêu tả và ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh của con người với tất cả niềm tin và lòng nhân ái bao la. Chúng ta mãi mãi xúc động một cánh chim báo bão, một chàng Đan kô dũng cảm, đốt cháy trái tim mình thành ngọn đuốc rực sáng soi đường cho dòng người vượt qua rừng rậm và dông bão đến với chân trời tự do, là hình ảnh tuyệt đẹp của con người mới của thế kỉ mới. Ngọn lửa trái tim Đan kô là ngọn lửa vĩnh cửu, ngọn lửa của khát vọng tự do:
… “Anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực dứt trái tim ra và giơ cao lên đầu. Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời … Đi thôi! Đankô thét lớn và xông lên phía trước, tay giơ cao trái tim cháy rực, soi đường cho mọi người …” (Bà lão Idecghin)
M. Go-rơ-ki là nhà văn vĩ đại cho thế hệ trẻ bài học về niềm tin, về dũng khí và sáng tạo để bước vào thế kỉ XXI.