Hãy bình luận ý kiến sau đây của Các Mác: “Tình bạn chân chính là viên ngọc quý”

0

Cùng với tình yêu, nhiều người trong cuộc đời còn có tình bạn, sống trong tình bạn. Đã có nhiều ý kiến, nhiều câu ca, câu thơ nói về tình bạn. Nhà triết học vĩ đại Các Mác từng nói: “Tình bạn chân chính là viên ngọc quý”.

 

Ngọc là một loại đá – kim loại rất cứng, màu sắc óng ánh tuyệt đẹp, rất quý hiếm; quý hiếm hơn cả vàng, thường được chế tác thành đồ nữ trang, pho tượng. Ngọc có nhiều loại, đủ màu sắc như hồng ngọc, bạch ngọc, ngọc lam, ngọc phỉ thúy, bích ngọc, ngọc trai… Các vua chúa ngày xưa hay dùng ngọc để làm quốc ấn, quốc bảo – biểu tượng cho vương triều.

Tình bạn chân chính là tình bạn trong sáng, tâm đầu ý hợp, thủy chung, hết lòng yêu thương nhau, tôn quý nhau; không vụ lợi, không dung tục tầm thường.

Các Mác dùng lời nói so sánh “tình hạn chân chính là viên ngọc quý” nhằm hình tượng hóa, cụ thể hóa tình bạn chân chính là tình bạn đẹp, tình bạn quý, rất đáng trân trọng, ngợi ca.

– Tại sao “tình bạn chân chính là viên ngọc quý?”.

Bạn chân chính yêu thương nhau, quý trọng nhau như anh em ruột thịt, cùng chung chí hướng, giúp đỡ nhau học hành, làm ăn. Bạn chân chính sẽ cùng nhau chia ngọt sẽ bùi với nhau, nghèo khổ, hoạn nạn có nhau, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua vận hạn. Bạn chân chính vào sinh ra tử có nhau, nghèo khổ, vinh hiển đều gắn bó với nhau, trọn đời sắt son chung thủy. Tình bạn tri âm, tri kỉ, tình bạn chiến đấu, tình đồng chí… là viên ngọc quý, sáng trong mãi trong cõi đời.

Sống trong tình bạn chân chính, ai cũng tự hào cảm thây mình vô cùng hạnh phúc, “lớn lên” trong cuộc đời, tự tin trước mọi gian nan thử thách.

Bá Nha – Tử Kì, Lưu Bình – Dương Lễ, Mác – Ăng ghen… là những gương sáng tuyệt đẹp về tình bạn chân chính thủy chung.

Có những câu ca nói về niềm hạnh phúc được sống trong tình bạn chân chính, được gặp gỡ bạn hiền:

Ra đi gặp được hạn hiền,

Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời.

(Ca dao)

Cụ Tam nguyên Yên Đổ có bài thơ kiệt tác Khóc Dương Khuê nói lên một tình bạn thủy chung của hai nhà nho ngày xưa. Một tình bạn chân chính tuyệt đẹp. Lời thơ thấm đầy lệ:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đấu thăng chẳng dám than trời.

Bác già tôi củng già rồi,

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là (…)

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.

 

Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu ca ngợi tình bạn chiến đấu của hai người lính cụ Hồ trong những năm đầu kháng chiến chông Pháp (1946 – 1954), nhiều người trong chúng ta đã được học và nhớ:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đèm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí!

Trên đời, có bạn chân chính sắt son thủy chung, lại có thứ bạn sớm nắng chiều mưa của bọn lừa thầy phản bạn. “Tin bạn mất vợ, tin bợm mất bò” là câu tục ngữ chê trách “tình bạn” của kẻ bất lượng. Có trải qua hoạn nạn, khó khăn mới đo được tình bạn; tình bạn chân chính hay cách sống của kẻ vụ lợi, cơ hội:

Khi vui thì vô tay vào,

Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai!

(Ca dao)

Sống ở đời có mấy người không có bạn? Bạn thân hay bạn sơ. Có một tình bạn chân chính, bạn tri âm tri kỉ đâu phải dễ. Nguyễn Sưởng một danh sĩ đời Lê từng nói:

“Hồ hải thập niên tri kỉ thiểu”.

Nghĩ về những gương sáng về tình bạn trong cuộc đời xưa nay, gần xa nhắc lại câu nói của Các Mác về tình bạn, tuổi trẻ mỗi chúng ta đang sông trong thời hội nhập của nền kinh tế thị trường, chắc đã nhìn thấy bao kẻ ăn chơi đua đòi mà sa ngã. Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là bài học sâu sắc mà mỗi chúng ta cần nhớ khi chọn bạn và kết bạn.

Leave a comment