Hãy chứng minh rằng, trong truyện cổ tích, hạnh phúc và chiến thắng luôn ở về phía những con người bất hạnh nhưng hiền lành, tốt bụng

0

Đấu tranh giữa thiện và ác, mẫu người xấu xa tàn độc với người hiền lành thật thà vốn là cuộc đấu tranh thường xuyên xảy ra, tạo nên cốt truyện chung của thể loại truyện cổ tích. Trong cuộc đấu tranh đó dẫu những người lương thiện có lúc, có khi gặp khó khăn, thất bại nhưng chỉ là tạm thời. Sự chiến thắng, hạnh phúc vẫn ở về phía những người bất hạnh. Bởi trước hết họ cũng chính là những người hiền lành, thật thà, tốt bụng, chất phác. Công lí trước hết và sau cùng, thuộc về họ – tuyến nhân vật bất hạnh nhưng đầy thiện tâm.

Thật thế, cô Tấm trong Tấm Cám là một con người như vậy. Cô lớn lên giữa vô vàn những bất hạnh, đau khổ. Mồ côi mẹ từ tấm bé, ở với dì ghẻ, cô phải chịu bao nhiêu đau đớn, tủi nhục, bất công. Tấm bị hành hạ, ngược đãi, hắt hủi. Cùng trang lứa với Tấm, những cô gái khác được cưng chiều hết mực, thì bản thân cô phải đầu tắt mặt tối. Muốn đi dự hội thì ước muốn kia chỉ là một điều ảo tưởng. Cô phải làm việc. Cô xách nước. Siêng năng cần mẫn mò cua bắt ốc thì bị gạt gẫm. Muốn sống một cuộc đời hạnh phííc, bình thường thì bị mẹ ghẻ hại chết.

Thế những, vượt trên sự bất hạnh đó là một cô Tấm hiền lành, thật thà, hay giúp đỡ người khác. Giữa sự ngược đãi của mẹ kế, của Cám, Tấm vẫn một mực chịu đựng. Cô yêu thương, đối xử thật độ lượng với Cám. Cô chia sẻ hạnh phúc khi hưởng hạnh phúc. Đặc biệt trước sự giúp đỡ của Bụt, Tấm không đòi hỏi, ham hố. Trong Sọ Dừa điều ấy càng rõ. Khi sinh ra, lớn lên cảnh ngộ Sọ Dừa thật bất hạnh, đáng thương. Hình thù dị dạng khiến cho mọi người chung quanh sợ hãi. Thế nhưng, bên trong của hình thù ấy ẩn chưa một con người có hiếu đạo, sẵn sàng giúp đỡ người khác, cần mẫn, siêng năng với công việc.

Trong truyện cổ tích Em bé ngoan trước hết vẫn nổi bật lên hình ảnh bất hạnh, lam lũ của em bé mồ côi. Em bé bị đánh đập, chửi rủa, bị khinh khi trong mắt bọn trẻ nhà giàu. Thế nhưng, ở em tiềm ẩn một bản chất tốt. Dẫu đói, em sẵn sàng chia sẻ miếng ăn với ông lão ăn mày. Giúp đỡ ông trước khi biết ông là Bụt. Điều đó mới thật đáng quý. Cuối cùng, lòng tốt của em đã được đền đáp. Bông hoa hạnh phúc mà ông lão dành tặng là phần thưởng tương xứng với lòng tốt của em. Đó chính là hiện thân, tấm giấy chứng nhận cho nhân cách của một đứa trẻ bất hạnh nhưng đầy thiên lương.

Tất cả họ hoà nên một sắc thái chung cho hệ thống những nhân vật chính diện của truyện cổ tích. Họ đại diện cho số đông người lương thiện dẫu bất hạnh nhưng vẫn toả sáng một tấm lòng với đời, với người. Họ khao khát hạnh phúc, lẽ công bằng… Những mơ ước đó có lúc, có khi phải chịu sự phá hoại của những thế lực đen tối, những âm mưu xảo quyệt, gian trá nhưng đó chỉ là sự nhất thời. Vượt lên trên tất cả ta vẫn bắt gặp một cô Tấm hạnh phúc sau bao hoạn nạn, thăng trầm, một anh trai cày thật thà đã thắng cuộc nhờ có phép khác nhập của cây tre trăm đốt, một Sọ Dừa hoá thân thành chàng trai tuấn tú lấy được công chúa lại đỗ Trạng Nguyên, một nàng Cóc hiếu thảo, hiền lành trở thành người vợ đảm đang…

Chiến thắng của họ trước hết vẫn do chính cái bản chất tốt đẹp của họ. Họ ở hiền nên gặp lành. Vì vậy, có thể nói rằng, sự bất hạnh, khổ đau ở cuộc đời họ lại chính từ điều kiện phát xuất từ bản chất tốt đẹp của họ. Ngược lại, chính bản chất tốt đẹp kia lại là một thứ quả ngọt giúp họ tồn tại, chiến thắng, vượt lên sự bất hạnh. Họ chiến thắng bởi trước hết họ là những nhân vật đồng lý tưởng, đồng đạo lý với nhân dân. Đạo lý và lý tưởng của nhân dân đứng về phía những kẻ bất hạnh nhưng có bản chất tốt đẹp. Họ được bênh vực, chở che. Khi gặp hoàn cảnh quá khắc nghiệt, bằng chính ước mơ tốt đẹp, cao cả của mình, nhân dân sáng tạo nên những thế lực siêu nhiên. Thế lực siêu nhiên với những quyền năng tuyệt đối là tiên, là bụt, là những vật có phép mầu… Những thế lực này luôn giúp đỡ, phù. trợ cho những con người bất hạnh, để họ có thể vượt qua, chiến thắng cái ác.

Nhân dân có câu: ơ hiền gặp lành, lại nói: Gieo gió thì gặt bão. Thuyết nhân quả ấy không duy tâm, siêu hình. Đó là đạo lí ăn ở, cư xử và cũng là cách sống trong mối quan hệ cộng đồng. Thấm nhuần đạo lí đó cho nên những nhân vật của truyện cổ tích thường là những kẻ tốt. Cuộc đời họ dẫu bất hạnh: mồ côi, nghèo khổ, bị bạc đãi, xấu xí hình thể… nhưng cuối cùng họ là những kẻ hạnh phúc.

Hạnh phúc đó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đó là nguyện vọng, mơ ước mang lại cho những người hiền lành một cuộc sống tốt đẹp.

Leave a comment