Hướng dẫn soạn bài: chiếu cầu hiền

0

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hi Doãn, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, xuất thân trong gia đình có truyền thống thơ văn. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1775, từng làm quan dưới triều Lê Cảnh Hưng. Sau ông theo giúp Tây Sơn và được Nguyễn Huệ tin dùng.

Chiếu cầu hiền là tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cho loại văn bản nghị luận trung đại. Trong tác phẩm này, người viết chú trọng đưa ra những lí lẽ sắc sảo, lời lẽ tâm huyết và đầy sức thuyết phục để kêu gọi người hiền tài ra giúp Quang Trung xây dựng và củng cố đất nước sau những năm nội chiến và nạn ngoại xâm liên miên. Những lí lẽ mà Ngô Thì Nhậm đưa ra để kêu gọi người hiền tài đều là những lí lẽ sắc sảo, hợp đạo lí.

II. RÈN KĨ NĂNG

1. Hoàn cảnh ra đời của Chiếu cầu hiền

Năm 1788, Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung. Khi lên ngôi, vua Quang Trung chú ý ngay đến việc tìm nhân tài ra giúp nước. Ông giao cho Ngô Thì Nhậm viết Chiếu cầu hiền để kêu gọi người hiền tài ra giúp nước. Mặc dù Lê Chiêu Thống đã mang quân Thanh vào giày xéo giang sơn nhưng nhiều nhân sĩ Bắc Hà chưa thực sự ủng hộ việc lên ngôi của Nguyễn Huệ. Ngô Thì Nhậm giúp Quang Trung viết Chiếu cầu hiền trong hoàn cảnh phức tạp như vậy nên việc đưa ra những lí lẽ thuyết phục là điều rất quan trọng.

2. Ngay ở đoạn mở đầu tác giả đã đặt ra vấn đề: người hiền tài thì phải ra giúp vua xây dựng đất nước, đó là ý trời như “sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần”, không làm như vậy là trái ý trời. Tác giả đã dùng lời của Khổng Tử để xác nhận một lí lẽ rất xác đáng và có ý nghĩa quan trọng với mục đích cầu hiền của bản chiếu. Bởi với các nhà nho, lời của Khổng Tử luôn luôn là đúng đắn. Vì thế việc tác giả dùng lời Khổng Tử sẽ tạo nên sức thuyết phục cho lời “cầu hiền”.

3. Đoạn 2a, tác  giả chỉ rõ thái độ của nho sĩ Bắc Hà trước việc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc diệt Trịnh: ở ẩn, mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng, làm việc cầm chừng, sống vô ích, một số người tự vẫn làm uổng phí tài năng… Trong lúc thời thế suy vi, họ lánh đời để bảo toàn phẩm cách là đúng. Tác giả đã dùng những hình ảnh hàm súc để chỉ thái độ của các nho sĩ, điều đó thể hiện sự tôn trọng của tác giả đối với người hiền tài. Nhưng tác giả cũng chỉ ra rằng khi đất nước cần mà chỉ lo sống yên phận là vô trách nhiệm, vô tích sự với xã hội. Có tài mà không ra giúp đời thì sống cũng như chết (chết đuối trên cạn).

Sau khi chỉ ra điều đó, tác giả mới đưa ra lời kêu gọi. Lời kêu gọi cũng được thể hiện dưới một hình thức rất độc đáo: tác giả dùng cách đặt câu hỏi theo thế lưỡng đao buộc người nghe phải suy nghĩ lại. Cả hai giả thiết ông đư ả đều không đúng để khẳng định không có lí do gì ngưoiừ tài lại không ra giúp đời khi xã hội đã hết loạn lạc và Quang Trung là một minh quân, có đủ tài và đức.

Ở đoạn 2b lời kêu gọi kiên quyết nhưng cũng rất khiêm nhường nhờ việc sử dụng những từ ngữ như “đức hoa của trẫm chưa kịp thấm nhuần khắp nơi”, “nơm nớp lo lắng”, “một cái cột … dựng nghiệp trị bình” và một loạt câu nghi vấn tu từ đã khiến cho câu văn có thêm sức nặng.

Cuối đoạn, tácgiả lại dùng lời của Không Tử để khẳng định nhân tài có rất nhiều. Và vua Quang Trung đang mong mỏi và tin rằng họ sẽ ra giúp triều đình.

4. Con đường cầu hiền của Quang Trung rất rộng mở và đúng đắn. Ở đoạn 3, tác giả trình bày hai biện pháp cụ thể, chỉ rõ hai con đường và cách thức ra giúp đời cho người tài. Tất cả các biện pháp tác giả đưa ra đều rất cụ thể và dễ thực hiện. Người viết đã vạch ra và lí giải rõ ràng, cụ thể con đường để người tài ra giúp vua một cách thuận tiện nhất. Cách làm này đã thể hiện thành ý và thái độ trọng dụng người tài của vua Quang Trung.

5. Ngô Thì Nhậm đã dùng những lập luận đầy đủ, thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung. Vừa lên ngôi những vua Quang Trung đã có một chính sách rất đúng đắn là trọng dụng nhân tài. Bài kí có bố cục hợp lí theo một logic chặt chẽ, lần lượt trình bày các nội dung:

Từ khái quát vấn đề, giải quyết từng khía cạnh cụ thể của vấn đề và khẳng định, cầu hiền một cách khẩn thiết là logic của bản chiếu.  Điều đó đã làm nên sức thuyết phục của văn bản đối với những nhà Nho còn đang ẩn dật chờ thời hoặc sống lánh đời để bảo toàn danh phẩm cho riêng mình. Bản chiếu không chỉ là lời kêu gọi người hiền ra giúp đời mà nó còn giúp cho những nho sĩ chưa hiểu thời cuộc, còn ẩn dật, lánh đời hiểu hơn về vua Quang Trung, một vị minh quân.

Leave a comment