Kể một kỉ niệm với thầy giáo (hay cô giáo) của em
Contents
DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
1. TÌM HIỂU ĐỀ
Đây là để bài kể chuyện đời thường, người thật, việc thật. Kể một kỉ niệm với thầy giáo (hay cô giáo) của em thì không phải lả chuyện tưởng tượng rồi.
Kỉ niệm là những việc đã xảy ra làm ta nhớ mãi. Đó có thể là việc tốt mà thầy, cô đã làm cho em, hoặc lầm lỡ mà em đã vấp phải, nhưng là những việc cho em nhận ra tình thầy nghĩa trường, làm em không quên, nâng đỡ em tiến tới, phấn đấu để tốt hơn trong đời.
Kỉ niệm với thầy (hay cô) cũng cần giúp cho mọi người hiểu được con người, nhân cách của thầy, cô.
2. SUY NGHĨ ĐỀ TÌM Ý, CHỌN Ý
Để làm được bài này, các em có thể chọn ngay kỉ niệm sâu sắc nhất với
thầy, cô mà em có được. Hoặc cố men theo các loại kỉ niệm sau đây để tìm kiếm, lựa chọn:
– Kỉ niệm về một bài giảng sâu sắc, hé mở cho em một chân trời học vấn, gây cho em hứng thú sâu sắc khoa học, nghệ thuật hay lịch sử, địa lí… Có những bài văn, bài thơ em đọc mãi mà chưa hiểu, được thầy giảng giải đặc biệt sâu sắc, làm cho em xúc động và khắc sâu không bao giờ quên.
– Kỉ niệm về một lần tham quan cùng thầy, cô tới một di tích, danh lam thắng cảnh. Thầy, cô tỏ ra sâu sắc, uyên bác giảng giải cho em thêm yêu phong cảnh, di tích nước nhà…
– Kỉ niệm về một lần em đau ốm, hoặc gặp chuyện trắc trở, học tập khó khăn, được thầy, cô giúp đỡ, đã vượt qua thử thách.
– Kỉ niệm về một lần lầm lỡ, em xúc phạm thầy, cô được bao dung tha thứ, làm em mãi mãi biết ơn.
– Kỉ niệm một lần em bị nghi ngờ hay xử lý oan. Cô giáo, thầy giáo đã tích cực tìm hiểu bảo vệ em, nâng đỡ em.
Như vậy kỉ niệm nhiều loại, nhưng nhìn chung, để trở thành kỉ niệm, thường em hoặc bạn bè, người thân phải rơi vào tình huống khó khăn, rồi được thầy, cô vô tư, tìm cách giúp đỡ có hiệu quả, khiếm em cảm động, suy nghĩ, nhớ mãi.
Giả định rằng em là một cậu bé nghịch ngợm, hay làm ngược lại lời khuyên của mọi người, do vậy đã mấy lần vi phạm kỉ luật, bị thầy phê bình nêu tên. Một lần đi lao động trồng cây trên một bãi ven sông, thầy qui định không được ra sông sâu. Em rủ bạn ra tắm nơi ấy, suýt chết đuối nếu không có thầy kịp thời bơi ra cứu thì không biết em sẽ ra sao. Sau lần ấy em hiểu tấm lòng thầy, biết ơn thầy và quyết tâm tu dưỡng.
DÀN BÀI SƠ LƯỢC
1. Mở bài
Giới thiệu một kỉ niệm với thầy (cô) và ý nghĩa của nó đối với bản thân em.
2. Thân bài
– Tự giới thiệu về mình và quan hệ với thầy.
– Tình huống xảy ra sự việc đã trở thành kỉ niệm.
– Diễn biến sự việc.
3. Kết bài
Ý nghĩ của em về sự việc xảy ra.
DÀN BÀI CHI TIẾT
a) Mở bài
Giới thiệu kỉ niệm với thầy chủ nhiệm lớp 5. Ý nghĩa của nó: giúp em hiểu mình, hiểu thầy.
b) Thân bài
Tự giới thiệu về mình và quan hệ với thầy.
+ Em học lớp 5, học sinh nghịch ngợm.
+ Thầy chủ nhiệm theo dõi em, em tỏ ý không thích thầy.
Tình huống xảy ra sự việc:
+ Lớp em đi trồng cây trên một bãi ven sông.
+ Nội qui cấm ra tắm giữa sông. Em rủ bạn ra tắm giữa sông và bị cuốn trôi.
Thầy cứu:
+ Các bạn hô hoán.
+ Thầy bơi ra cứu.
+ Em được cứu nhưng thầy bị ốm.
c) Kết bài
– Em nhận ra sự nghịch ngợm của mình.
– Em hiểu thầy, kính trọng thầy.
– Em nhớ mãi tinh thần dũng cảm, yêu thương trò của thầy.
BÀI LÀM
Em có một kỉ niệm sâu sắc với thầy Thanh, chủ nhiệm của em hồi lớp 5. Em không bao giờ quên kỉ niệm ấy, nó nhắc em tình thầy nghĩa bạn, những tình cảm tốt đẹp đẽ của tuổi thơ.
Hồi ấy em là một học sinh nghịch ngợm, ít vâng lời thầy. Chẳng hạn, giờ ra chơi, em đem vở bạn này bỏ vào cặp bạn kia. Trong một lần đi xem văn nghệ ở trường, em giấu dép của một cô giáo. Nhà trường cấm đốt pháo trong trường (dạo ấy nhà nước chưa cấm pháo) thì trong cặp em vào mấy tháng Tết lúc nào cũng có đủ các loại pháo. Thỉnh thoáng em ném vào chỗ bất ngờ, làm mọi người giật mình. Vì những việc ấy mà thầy chủ nhiệm lớp em, thầy Thanh thường gặp em, nhắc em, thậm chí phê bình, nêu tên em, gặp cả bố mẹ em để lưu ý. Em cảm thấy như thầy thành kiến với em, luôn để mắt tới em, khiến em không thoải mái.
Nhưng một lần lớp em được phân công đi trồng cây ở bãi ven sông xa thành phố, nơi có dòng sông sâu chảy xiết. Thầy chủ nhiệm nhắc nhở cả lớp: Chỉ được xuống bến rửa chân tay, chứ không được bơi lội, giữa dòng nguy hiểm.
Hôm ấy, trồng cây buổi sáng xong, em xuống bến rửa chân tay. Nhìn dòng nước trôi, em sinh ra tò mò. Trời lại nóng. Em nghĩ tắm ven bờ chắc không sao, phải thử một cái mới được. Trưa ấy, khi mọi người nằm, ngồi dưới mấy gốc cây nghỉ ngơi, em lặng lẽ rủ một bạn ra bờ sông. Bạn ấy không dám. Em bảo: “Sợ à? Nhìn tớ đây!”. Rồi bị kích thích bởi sự hăng hái của chính mình, em bắt đầu cởi áo xuống nước. Lúc đầu ở ven bờ nước không chảy xiết, không sao. Nhưng lòng sông dốc. Em bất ngờ trượt chân và lập tức bị cuốn ra xa, càng vùng vẫy, càng xa bờ. Bạn em vội kêu to: “Có người chết đuối! Có người chết đuối!”. Còn em, mới bơi được một lúc đã thấy đuối sức, vừa hoảng sợ, vừa chới với, cảm thấy mình chìm dần… Sau đó, các bạn em kể lại. Khi nghe tiếng kêu, thầy Thanh vội chạy tới. Chung quanh vắng ngắt không có đò giang gì, chỉ thấy em đang chới với giữa dòng nước. Thầy vội vàng lao ra, bơi về phía em. Thầy khéo léo túm tóc em rồi dìu vào. Nước trôi nhanh quá. Phải cách bến mấy trăm mét mới đưa em vào bờ được. Thầy nhanh chóng dốc ngược em cho nước thoát ra rồi làm hô hấp cho em thở đều. Mọi người lúc ấy xúm đến và đưa em lên bờ.
Mọi người nói. May là thầy Thanh là một người thích thể thao, biết bơi lội. Nếu không thì việc làm vô kỉ luật ấy của em đã gây ra hậu quả to lớn.
Sau lần ấy, nhà trường đã phê bình và nhắc nhở em. Nhưng em thấy việc nhắc tên ấy lại quá nhẹ nhàng. Lỗi của em đáng phải xử nặng hơn mới phải. Nhất là sau đợt ấy, thầy Thanh lại phải ốm một thời gian.
Đã mấy năm trôi qua, nhưng em không khi nào quên được tấm gương quên mình cứu trò của thầy chủ nhiệm. Em hiểu ra sự nghịch ngợm của chúng em gây thêm khó khăn cho thầy cô. Em thấy hối hận và tự nhiên thấy kính trọng thầy cô, kính trọng các qui định của nhà trường.