Khái quát chung về Tây Nguyên
Khái quát chung về Tây Nguyên
Vùng Tây Nguyên bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông và Lâm Đồng; diện tích tự nhiên gần 54,7 nghìn km2, số dân gần 4,9 triệu người, chiếm 16,5% diện tích và 5,8% số dân cả nước (năm 2006).
Đây là vùng duy nhất ở nước ta không giáp biển. Khối các cao nguyên xếp tầng đồ sộ này nằm sát Duyên hải Nam Trung Bộ, liền kề với Đông Nam Bộ, lại giáp với miền Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Chính vì thế, Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và xây dựng kinh tế.
Đất đai màu mỡ, cộng với sự đa dạng của tài nguyên khí hậu, rừng, đem lại cho Tây Nguyên những tiềm năng to lớn về nông nghiệp và lâm nghiệp.
Tây Nguyên không nhiều tài nguyên khoáng sản, riêng bôxit có trữ lượng hàng tỉ tấn là đáng kể. Trữ năng thủy điện trên các sông Xê Xan, Xrê Pok và thượng nguồn sông Đồng Nai tương đối lớn.
Tây Nguyên là vùng thưa dân nhất nước ta. Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số (Xêđăng, Bana, Giarai, Êđê, Coho, Mạ, Mơnông….) với truyền thống văn hóa độc đáo.
So với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế-xã hội của Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Trong vùng còn thiếu lao động lành nghề, cán bộ khoa học-kĩ thuật. Mức sống của nhân dân còn thấp, tỉ lệ người chưa biết đọc, biết viết còn cao. Cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nhiều, trước hết là mạng lưới đường giao thông, các cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ kĩ thuật. Công nghiệp trong vùng mới ở trong giai đoạn hình thành, với các trung tâm công nghiệp nhỏ và điểm công nghiệp.