Lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh thanh lịch

0

Đề thi học sinh giỏi Văn quốc gia của Trung Quốc có câu: “Một câu nói cửa miệng của người dân Trung Quốc”. Tôi đã may mắn được lắng nghe trên đài một bài văn xuất sắc trong kì thi ấy. Và bạn có biết học sinh đó đã viết về câu nói gì không? Đó chính là câu hỏi: “Ăn cơm chưa đấy?”. Từ một lời chào hỏi xã giao bình thường mà học sinh đó đã khái quát được cả quá trình lịch sử, phát triển của xã hội Trung Quốc, giải thích được cội nguồn, ý nghĩa và sự tồn tại của câu nói “Ăn cơm chưa đấy?” trong văn hóa giao tiếp. Nó không chỉ là lời chào hỏi lịch sự, gần gũi mà còn thể hiện khát khao no đủ, hạnh phúc muôn đời của người dân Trung Quốc. Còn tôi, trước đề bài: “Lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh thanh lịch” tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hai tiếng “Cảm ơn!”.

“Cảm ơn” là từ đáp thể hiện sự biết ơn của minh với lòng tốt hay sự giúp đỡ của người khác. Chúng ta thường nói “Cảm ơn!” trong những lúc như thế nào?

Bạn đã bao giờ nghe câu chuyện cổ tích Bà cháu. Hai đứa cháu đã sung sướng vô cùng khi được bà tiên giúp đỡ cứu sống lại bà nội cho mình. Chúng chấp nhận một cuộc đời khốn khổ, thiếu thôn, chỉ cần có bà nội kề bên. Bà tiên đã giúp chúng sống lại trong tình thương vô bờ bến của bà nội. Sự giàu có trong trái tim và tâm hồn khiến chúng cảm thấy hạnh phúc. Khi đó chúng đã thốt lên lời “Cảm ơn!” với bà tiên tốt bụng…

Một chiều tan trường, trời mưa to tầm tã. Bạn chẳng biết làm thế nào vì hôm nay mình chẳng mang ô, cũng chẳng mang áo mưa. Đứng nhìn những học sinh khác được bố mẹ đưa đón, bạn chỉ muốn òa lên khóc vì tủi thân, vì sợ hãi. Rồi một cô bạn xinh xắn đã cầm ô đến cửa lớp nơi bạn đứng, chìa tay ra gọi bạn và mời bạn đi chung ô về nhà. Chiếc ô thật nhỏ, không thể tránh hết được những giọt nước nhưng tâm hồn bạn thì ấm áp vô cùng. Vì bạn biết rằng tình bạn giữa hai người đã hòa vào những giọt nước mưa. Và khi ấy, bạn nói lời “Cảm ơn!”..

Bài kiểm tra hôm nay đã đem lại cho bạn một nỗi buồn nặng trĩu. Chưa bao giờ bạn cảm thấy cuộc đời lại tồi tệ như thế này. Điểm xấu ấy đã làm khuyết đi bảng điểm đẹp xưa nay của bạn. Bạn chỉ muốn úp mặt vào gối, suy nghĩ vẩn vơ, cảm thấy nhục nhã, buồn tủi vô cùng. Và chuông điện thoại réo lên, bạn nhấc máy trong nặng nề. Bỗng nhiên, giai điệu êm ái của ca khúc “Try again” do nhóm nhạc Westlife thể hiện vang lên ở đầu dây bên kia. Kết thúc bài hát là lời nhắn nhủ của đứa bạn thân: “Hãy luôn giữ nụ cười cho dù cuộc sống có khó khăn. Hãy cố gắng hết mình và mọi điều sẽ tốt đẹp. Đừng buồn và đừng khóc vì rất nhiều cơ hội đang chờ bạn ở phía trước…”. Bạn có thể diễn tả được hết xúc cảm của mình khi đó? Bài hát ấy là món quà ý nghĩa nhất mà bạn đã nhận được từ trước đến giờ. Lời nhắn ấy đã giúp bạn giải tỏa tinh thần, cảm thấy phấn chấn hơn để đương đầu với việc học hành đầy căng thẳng. Có từ nào nên được thô’t ra lúc ấy hơn từ “cảm ơn!”…

Các bạn ạ!

Trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh bạn cần phải biết nói từ “Cảm ơn!”. “Cảm ơn!” là lời đáp của một học sinh văn minh thanh lịch. Nó thể hiện sự có học thức, có giáo dục. “Lời nói chẳng mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tiếc gì một lời cảm ơn khi bạn nhận được sự giúp đỡ, lời động viên an ủi vào lúc bạn cần nó nhất. Lời “cảm ơn” chẳng những giúp bạn thể hiện lòng biết ơn chân thành của mình mà nó còn làm vừa lòng người khác, khiến họ không cảm thấy hụt hẫng thất vọng về sự giúp đỡ của mình. “Cảm ơn” không mang nghĩa vật chất mà nó là một chiếc cầu nối tinh thần gắn kết bến bờ cảm xúc lại với nhau. “Cảm ơn” còn giúp mọi người có ấn tượng tốt đẹp về bạn — một học sinh văn minh, thanh lịch, biết điều. Có thể bạn chưa làm ngay được điều gì để đền đáp sự giúp đỡ của người khác nhưng lời nói “Cảm ơn” như một câu hứa về hành động hiển nhiên tốt đẹp sẽ được bạn thực hiện. Tục ngữ có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Lẽ nào bạn chẳng cảm nhận gì khi lắng nghe những lời ủi an, khích lệ vào lúc bạn đang rất cần nó? Bạn không phải là người vô cảm, thiếu lịch sự nhưng có thể bạn chưa biết làm cách nào để chứng tỏ điều đó. Vậy thì “cảm ơn” là bài học đầu tiên tôi khuyên bạn nên ứng dụng vào cuộc sông. Nó sẽ giúp bạn dần hình thành được một nét văn minh giao tiếp. “Cảm ơn” hoàn toàn không phải là hình thức phức tạp hóa ứng xử, là sự khách sáo mà nó là một sự cần thiết, là quy tắc giao tiếp giữa con người với con người. Bạn đang tự làm đẹp mình khi biết nói hai từ “Cảm ơn!”.

Bạn hãy cảm ơn bố mẹ vì đã sinh ra bạn, hãy cảm ơn thầy cô vì đã dạy dỗ bạn, hãy cảm ơn bạn bè vì đã luôn bên cạnh san sẻ vui buồn cùng bạn, hãy cảm ơn cuộc đời vì đã ban cho bạn một trái tim. Hãy để trái tim biết nói ấy nói lên lời “cảm ơn”. Còn tôi, tôi cũng sẽ nói: Cảm ơn vì bạn đã lắng nghe những tâm sự này!

Leave a comment