Lời tỏ tình ý nhị qua bài ca dao: Đêm qua tát nước sau đình…
Các cụ xưa cũng rất đa tình. Minh chứng cho điều đó chính là văn học dân gian. Biết bao câu hát ghẹo, hát trao duyên, bao câu chuyện tình yêu đẹp như mơ, những chàng trai si tình Trương Chi, Từ Thức. Và cả chàng trai lỡ bỏ quên áo trên cành hoa sen khi tát nước đầu đình cũng là “họ hàng” rất gần với Trương Chi, Từ Thức. Đọc bài ca dao Đêm qua tát nước sau đình hẳn ta phải thừa nhận sự si tình đến không còn thuốc chữa ấy:
“Đêm qua tát nước sau đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em có nhặt được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
……………………………….. buồng cau”
Bài ca như một nụ hoa cứ nở dần, nở dần để lộ ra cái nhuỵ thơm tho, kín đáo bên trong, phảng phất mùi hương mê say mà không sao nắm bắt được. Mỗi ý mỗi từ đều thấp thoáng cái bóng ẩn hiện của nó, phải đọc kĩ mới thấm thìa. Như một bức kí hoạ bài thơ ngắn nhưng có đủ chi tiết, đường nét, màu sắc. Nét đẹp của hình tượng thơ ở đây là vẻ chân thật, mộc mạc nhưng lại hết sức tinh tế sâu xa. Lại như một câu chuyện – có sự việc, nhân vật, có nguyên nhân, diễn biến, ca dao đem đến cho ta những cảm nhận thú vị về cách tỏ tình ý nhị, kín đáo đến không chê được.
Hai câu mở đầu gợi lên khung cảnh có tính chất truyền thống của tình yêu trong ca dao, có mái đình cổ kính, hồ nước trong veo, hoa sen thơm ngát và có thể cả trăng nữa, nhưng cái chủ yếu là khung cảnh của công việc lao động vất vả, hứng thú. Cái áo chàng trai bỏ quên có thể là vô tình nhưng rất có thể là cố ý. Cũng có khi sự “bịa đặt” khéo léo để tạo nên cái cửa sổ đầu tiên để chàng trai hé mở lòng mình với cô gái. Phụ nữ vốn ưa sự thanh mảnh duyên dáng nên cái áo bỏ quên, chàng trai cũng phải nói mắc trên cành hoa sen cho đẹp. Lí này chúng ta thường gặp trong ca dao. Một chàng trai đã “tán” rất đáng yêu:
Cô kia cắt cỏ bên sông,
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Chẳng ai tin cái câu anh hứa, nhưng không ai bắt bẻ anh, bởi vì đó là cách nói đẹp cốt để chứa đựng cái “thần” của câu thơ: tấm lòng yêu quý, nâng niu đối với cô gái mình yêu.
Trở lại bài thơ, câu tiếp buông lửng lơ như hỏi, nhưng thật ra là sự khẳng định, ràng buộc khéo léo cô gái với mình.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Phải nhận là chàng trai rất tế nhị. Áo anh không rách mà chỉ “sứt chỉ đường tà” rất kín đáo thôi. Nhưng cái “sứt chỉ” này cũng đáng nghi ngờ lắm. Có thể nói là cái cớ để giúp anh nói ra quan điểm quan trọng nhất mà không có nó bài thơ sẽ sụp đỗ. Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Thật là một cách giới thiệu khéo léo gia cảnh mẹ già cô đơn của mình, để làm mềm lòng cồ gái vốn hay thương người. Tuy nhiên, chàng trai không nhờ thẳng “em” mà lại nhờ một “cô ấy” nào đó rất bâng quơ, bóng gió khâu hộ để có dịp đóng vai một ông anh vô tư, hào hiệp “trả công” rất hậu khi “cô ấy” lấy chồng. Nhưng càng đọc chúng ta càng phân vân. Đến hai câu kết thì không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng phải đến mấy chữ cuối cùng thì mới thật là “đắt”.
Cái buồng cau đèo thêm ấy thật là “chết” người. Ngày xưa miếng trầu quả cau thường là sứ giả của tình yêu, giúp bao đôi lứa nên duyên.
… Khi mới gặp nhau, họ buông ra những lời tế nhị để thăm dò:
Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm.
Trong lễ dạm hỏi cưới xin, càng không thể thiếu được quả cau miếng trầu. Cho nên khi chàng trai đèo buồng cau, thì chúng ta vỡ lẽ ra rằng: chàng trai này láu cá thật! Những thứ anh hứa giúp toàn là đồ sính lễ dạm hỏi cưới xin và “cô ấy” đây chẳng phải ai khác ngoài “em”! Tưởng anh buông cô gái ra, hoá anh vơ vào cho mình thật khéo. Chúng ta cảm thấy cái buồng cau ấy còn đèo thêm một nụ cười hóm hỉnh, đáng yêu của chàng trai nữa.
Chung quy lại, chuyện cái áo sứt chỉ đường tà bỏ quên trên cành hoa sen chỉ là sự thêm thắt, đưa đầy để dẫn dắt đến chuyện buồng cau. Toàn bộ bài thơ là những việc bịa ra gối lên nhau nhưng vẫn làm chúng ta rung cảm vì cái bịa đó dựa trên cái thật là hiện thực tâm trạng phong phú sinh động, là tình yêu đằm thắm của chàng trai đối với cô gái.