Nét đặc sắc của sử thi “Đẻ đất đẻ nước ”
Xem thêm: Tóm tắt sử thi “Đẻ đất đẻ nước ” văn 10
Tuỳ theo cách quan niệm mối liên hệ giữa con người với thần linh, người ta chia ra hai loại sử thi, là loại sử thi dân gian và loại sử thi bác học. Sự phân biệt này rất quan trọng để đánh giá cho đúng ý nghĩa lịch sử của “Đẻ đất đẻ nước”.
Thể loại sử thi đã tồn tại ở các văn học Thái, Ê đê, Bahnar… thì dĩ nhiên nó cũng tồn tại trong văn học Việt – Mường. “Đẻ đất đẻ nước ” có đủ bốn yếu tố bắt buộc của một sử thi:
– Thứ nhất, đó là một tác phẩm tự sự. Nó kể lại sự ra đời của trời, đất, nước, ường, dân tộc Mường.
– Thứ hai, đó là một tác phẩm mang tính lịch sử bởi vì đây là một thí nghiệm giảithích bằng lịch sử không những sự hình thành của tộc người Mường, mà cả những thành tựu của văn hoá: làm nhà, kiếm lửa, trồng lúa, sự phân chia trong nội bộ tộc người Mường, quá trình lao động sản xuất.
– Thứ ba, đó là một tác phẩm mang tính nhân văn sâu đậm, bởi vì nó phổ biến khắp mọi nơi người Mường sinh sống. Nó trở thành một yếu tố thân thiết của đời sống, đến mức độ nó trở thành những khúc hát đưa linh hồn người Mường trở về với cội nguồn, với tổ tiên.
– Thứ tư, đó là một tác phẩm kì vĩ, vì từ đầu đến cuối nó nói lên mối quan hệ qua lại giữa thế giới trần gian với thế giới thần linh.
Tuỳ theo cách quan niệm mối liên hệ giữa con người với thần linh, người ta chia ra hai loại sử thi, là loại sử thi dân gian và loại sử thi bác học. Sự phân biệt này rất quan trọng đểđánh giá cho đúng ý nghĩa lịch sử của “Đẻ đất đẻ nước”.
“Đẻđất đẻ nước ” thuộc loại sử thi dân gian điển hình của Đông Nam Á. Nói như vậy, có nghĩa là, dù cho đời sau có thêm bớt, sửa đổi gì, thì những sửa đổi, thêm bớt ấy chỉ có thể đụng chạm đến câu, đến chữ, chứ không đụng chạm đến tinh thần của câu chuyện. Nói khác đi, đây là tác phẩm hình thành vào giai đoạn liên minh bộ lạc chưa chuyển sang nhà nước trung ương tập quyền. Bởi vì khi đã chuyển sang nhà nước trung ương tập quyền, thì các thần linh đã được tổ chức lại thành một hệ thống tôn giáo. Vào lúc đó, mối quan hệ ngây thơ giữa thần với người đã mất. Nhà thơ sẽ dùng thế giới thần linh để tô điểm cho việc làm của người trần. Khi cái lòng tin ngây thơ vào thế giới thần linh đã mất, và nó mất khi nhà nước trung ương tập quyển thành lập, thì không ai có thể sáng tác sử thi dân gian được. Người ta chỉ có thể sáng tác được sử thi bác học (épopée savante) như Virgilius đã sáng tác Ênêít.
Nếu trong văn học bằng tiếng Việt từ thế kỉ X không có sử thi thì không có gì lạ. Văn học Việt bắt đầu với sự ra đời nhà nước trung ương tập quyền. Và nếu thế thì hiện tượng không có sử thi dân gian ở Việt Nam từ thế kỉ thứ X là một hiện tượng phổ biến.
Trở lại tính chất dân gian của sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, ta thấy người Việt – Mường hình dung thần linh rất mộc mạc. Thần đều là những người lao động, sản xuất. Tà Cắm Cọt (nghĩa đen là “ông già làm việc chăm chỉ”, vị thần lửa làm ra lửa bằng cách chẻ nứa già làm bùi nhùi rồi lấy dây kéo ống nứa để tia lửa bốc ra cháy vào bùi nhùi; Nàng Tiên Tiên Mái Lua (Tiên là “dâng” – Tiếng Tày, tiên là “lễ vật ” – tiếng Khơ-me, mái là “thích ”) trao cho nàng Dặt Cái Dành các giống lúa để xuống trần mà trồng. Tóm lại, các thần cũng sống vất vả như người trần tự làm lấy mà ăn, chứ không phải sống nhờ vật cúng tế hay chỉ biết vui chơi. Các con quái vật cũng thế. Con Moong Lồ sinh ra từ máu của Thằng Tăm, con Tạch (tạch tiếng Tàylà quái). Điều hết sức tiêu biểu là ởđây không có phép thuật. Con vật này muốn biến thành con vật khác thì trước đó nó phải chết đi. Khi sử thi không chứa đựng yếu tố pháp thuật thì giữa thần linh với người, quyền lực không khác gì nhau.
Qua “Đẻ đất đẻ nước”, các huyền thoại của Việt Nam làm thành một hệ thống nguy nga, đồng thời lại rất mộc mạc, chưa bị cái nhìn từ chương đời sau làm cho thành hoa mĩ, nhưng cũng vì thế mà xa thực tế. Nếu ta đã chấp nhận một nguồn gốc chung giữa người Việt với người Mường thì ta cũng phải chấp nhận cái hệ luận: những truyền thuyết của người Mường về nguồn gốc của mình là gần cách nhìn cổ xưa hơn các truyền thuyết mà sử sách ta để lại.
Câu chuyện mẹ tiên là như sau: Hai nàng tiên chơi lạc đường, gặp hai chàng Cun Bướm Vàng và Cun Bướm Bạc, con của Mụ Dạ Dần, trò chuyện với nhau quá lâu nên khi trở về trời, thì cửa trời đã đóng. Hai nàng tiên lại xuống trần lấy hai chàng và sinh con. Câu chuyện chẳng khác gì chuyện gặp nhau của trai gái Mường trong thực tế. Huyền thoại trứng nở ra người, trong đó có người Lào, người Kinh, người Mường, mấy anh em Dịt Dàng, Tà Cái, Cun Cần… Cách nhìn như vậy là rất gần với quan niệm vật tổ Ông thần Kim Quy ở đây là con rùa vàng, con vật đã bày cho Lang Cun Cần cách làm nhà và làm cho nhà lang Cún Cần giàu có. Chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh ở đây biểu hiện thành chuyện Toóng In nhờ bọn cá ngao, rồng rắn lên đánh Cun Khương nhưng bị Cun Khương tiêu diệt. Ta có thể đưa ra nhiều so sánh khác, nhưng làm thế sẽ vượt ra ngoài phạm vi một bài giới thiệu.
Cách trình bày về tổ chức xã hội ở đây cũng rõ ràng mang tính chất Đông Nam Á. Ta không thấy có một triều đình nào cả với ông vua trên cao, rồi lạc hầu, lạc tướng, giống như một triều đình quân chủ tập trung. Người cầm đầu dân chúng là một ông Lang do Mường nước mời ra. Cuộc sống của ông Lang không có gì là xa hoa. Ông ta cũng phải nuôi gà, nuôi lọn để thết khách, phải lo chuyện làm ăn, đồng thời phải lo trừ những tai họa cho dân như thú dữ, quỷ dữ. Giữa ông Lang với dân, sự ngăn cách không to lớn lắm. Khi có tiệc rượu mừng thì cả mường vào ăn. Đời sống của nhân dân không có gì là no đủ, họ phải đi đào củ mài, họ bị Lang sai đi làm việc này việc khác rất vất vả. “Đẻ đất đẻ nước ” không thi vị hoá cuộc sống, mà kể lại nó khá giản dị, chân thật. Đây là cuộc sống còn mang tính chất bộ lạc.
Một sử thi phải tập trung chung quanh một nhân vật thì cách tự sự mới khỏi mang tính chất tản mạn và trở thành một tác phẩm thống nhất. Nhân vật trung tâm của “Đẻ đất đẻ nước ” là Lang Cun Cần. Điều kì lạ là ông ta ra đời cùng với con người đầu tiên và sống mãi cho đến cuối truyện, chiếm ba phần tư tác phẩm, như vậy là phải sống ít nhất vài vạn năm. Lang Cun Cần gồm chữ “lang” là người cầm đầu, “cun”là gốc ở tiếng Việt phía Nam Dương Tử, nghĩa là cai quản, Cần là gốc Thái nghĩa là người. Đó là hình ảnh tượng trưng cho kẻ cai quản mọi người. Nhưng ông Lang Cun Cần này cũng không có gì tiêu biểu cho đạo đức. Ông lấy em gái mình, bất chấp mọi cản trở, rồi sau bỏ em gái vào rừng sâu, khi sinh con đều trở thành ma quái; ông lừa cho Tặm Tạch uống say nhằm biết bí mật cây chu có bông thau quả thiếc để được giàu có. Ông muốn cướp vợ người ta… Nhưng đồng thời ông cũng lo lắng đến dân chúng: ông nhờ Rùa vàng biết được cách làm nhà, sai người đi học được cách làm ra lửa, kiếm được giống lúa, … Có thể xem ông ta là một anh hùng văn hoá. Nhưng từ đầu đến cuối, ông ta không mang một đặc điểm nào có tính chất phi thường, về hình dáng, sức lực cũng như về các kì công, ông không có gì khác mọi người. Ông chỉ là người biết sai bảo, biết quan tâm tới lợi ích của dân.Trường ca nào cũng không tránh khỏi chuyện tranh giành phụ nữ. Nhưng ở đây, tuy chuyện Lang Cun Cần lấy vợ chiếm tới hai chương, nhưng vẫn không phải là tranh giành, mà là hỏi vợ tử tế theo thủ tục cưới xin. Điều đặc biệt đáng chú ý là không có chiến tranh xâm lược, trong cả toàn bộ bản trường ca dài hàng vạn câu, không nhắc một chữ tới Trung Quốc. Cuộc sống là cuộc sống bình thường trong lao động, tìm cách khắc phục những khó khăn thiếu thốn về vật chất để có được sự yên lành. Cũng có xung đột, tranh giành, giết chóc. Nhưng nguyên nhân là do việc Lang Cun Cần chia đất cho các con. Cuộc tranh giành gia tài dẫn tới chiến tranh trong nội bộ bộ lạc. Cun Khương, con của Lang Cun Cần mà ông ngoại ở trên Trời bị em mình là Toóng In vu cáo là làm giặc để cướp đất của anh ta. Cun Khương phải chạy trốn lên nhờ ông ngoại làm ra lụt lội bắt các em phải giết Toóng In. Những chuyện tranh giành đất đai là hết sức bình thường ở trong truyền thuyết phương Đông. Chiến tranh, yếu tố quan trọng bậc nhất trong các trường ca ở đây giữ một vai trò hết sức thứ yếu. Nội dung của trường ca này là lịch sử người Mường sống trong lao động xây dựng, chống lại thiên nhiên, tìm mọi cách làm cho cuộc sống được yên lành.
Tóm lại, “Đẻđất đẻ nước ” với một nội dung không thể to lớn hơn được là nguồn gốc và sự phát triển của đất nước và dân tộc, đã biểu hiện đúng thực chất của một nền văn học. Đó là nền văn học Việt Nam, trong đó hạnh phúc là ở dưới đất này, trong cuộc sống lao động, có vợ con, có làng bản, không cần đến sự can thiệp của thế giới bên kia. Ởđây, cũng như trong truyền thống sau này, không có cái đà phiêu diêu của trí tưởng tượng, nhưng có cái chất đậm đà chân thực của sự sống, của lao động và tình hữu ái của anh em làng xóm. Cun Khương, con Cun Cần, người nối dõi cha mình, là nhân vật thứ hai. Ông ta trở thành vua và mường nước lo xống áo cho ông ta, rước ông ta về đồng chì tam quan kẻ chợ. Tác phẩm vĩ đại này đã bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu. Đó là nguồn gốc của trời đất và muôn vật. Nó đã kết thúc ở đỉnh điểm: Đó là lúc chia tách giữa người Mường, người Kinh với sự chuyển dời của kinh đô. Khó lòng có một tác phẩm thứ hai có một nội dung to lớn hơn, trọn vẹn hơn. Xét về mặt này không có một tác phẩm thứ hai nào trong văn học Việt Nam sánh ngang với nó về quy mô cũng như về ý nghĩa lịch sử.
Hà Dím sưu tầm