Nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia
Đề bài: Nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia
Bài làm
Vũ Trọng Phụng một trong những cây bút trào phúng bậc thầy của Văn học Việt Nam. Trong các sáng tác của ông nổi bật nổi bật nhất là Số đỏ – tác phẩm có thể đem lại vinh dự cho bất cứ nền văn học nào. Đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia” tuy chỉ là trích đoạn ngắn ngủi nhưng cũng đã làm nổi bật tài năng trào phúng bậc thầy của Vũ Trọng Phụng.
Trào phúng là khái niệm để nói việc sử dụng những lời lẽ bóng bẩy, hào nhoáng để chế nhạo những sự vật, hiện tượng, con người đáng cười trong cuộc sống. Tiếng cười được tạo ra khi ta phát hiện ra cái đáng cười, phát hiện mâu thuẫn trào phúng. Trào phúng không chỉ mới xuất hiện trong văn học hiện đại mà trước đó đã có những nhà thơ với các sáng tác đậm tính trào phúng, tự trào như Tú Xương. Vũ Trọng Phụng đã kế thừa và phát huy nghệ thuật trào phúng lên một đỉnh cao mới. Trong đoạn trích này, nghệ thuật trào phúng được thể hiện ở những mâu thuẫn, sự kệch cỡm của những đứa con, đứa cháu trước cái chết của người thân trong gia đình. Cùng với giọng điệu lạnh lùng đã cho thấy ngòi bút châm biếm sắc sảo, vạch trần bộ mặt “chó đểu” của xã hội đương thời.
Tính trào phúng được thể hiện trước hết ở nhan đề của đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia”. Nhắc tới đám tang là nhắc đến kẻ ở người đi, là sự biệt li mãi mãi, thường đem đến sự xót thương, đau đớn đến tột cùng. Nhưng ở đám tang này lại khác hẳn, người ta hạnh phúc, sung sướng khi được thỏa mãn ước nguyện. Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã thể hiện mâu thuẫn, nghịch lý, đây đồng thời cũng là mẫu thuẫn được triển khai trong toàn bài, để làm nổi bật chủ đề tác phẩm, và thái độ phê phán sâu sắc của tác giả với xã hội.
Để làm tính chất trào phúng được bộc lộ rõ nét hơn, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng soi chiếu vào từng chân dung, để thấy được bản chất xấu xa của mỗi người. Hòa với niềm vui chung, khi cụ cố tổ chết đi, bản di chúc vốn lâu nay chỉ được nằm trên giấy thì đến đây đã được đi vào thực hành, mỗi nguời sẽ được chia những gia sản kếch xù. Ai ai cũng như mở cờ trong bụng. Nhưng bên cạnh niềm vui chung đó, mỗi người lại có những niềm vui riêng cho bản thân. Cụ cố Hồng hạnh phúc, sung sướng khi tưởng tượng đến cảnh mình được mặc bộ đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, và để người ta khen: “úi kìa, con giai nhớn đã già thế kìa à”. Tuy mới ngoài năm mươi tuổi nhưng lúc nào ông Hồng cũng muốn được người ta gọi là cụ. Ông bà Văn Minh thì sung sướng, đây chính là cơ may hiếm có để vợ chồng ông bà tung bộ sưu tập mới, lăng xê những mẫu quần áo âu hóa mới nhất đến với mọi người. Riêng ông Văn Minh được Vũ Trọng Phụng lia máy quay đến cận cảnh, ghi lại khoảnh khắc vò đầu bứt tóc, vô cùng đăm chiêu vì không biết xử lí với Xuân Tóc Đỏ ra sao. Còn người đàn ông chuyên đào mỏ, mang cái sừng to trên đầu lại sung sướng, thỏa mãn khi biết cái sừng trên đầu lại đem đến cho mình những món hời lớn đến như vậy, chính ông ta cũng không ngờ giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế. Cô Tuyết với bộ mặt buồn rầu, rất đúng mốt của nhà có đám, mặc bộ quần áo ngây thơ, hững hờ, nữa kín nửa hở khiến các bạn của cụ cố Hồng không thể rời mắt. Bộ mặt buồn rầu đó không phải dành cho người đã chết mà là đang trông ngóng người tình – Xuân Tóc Đỏ mãi vẫn chưa xuất hiện. Đối với cậu Tú Tân, niềm vui của cậu là được mang chiếc máy ảnh đã có từ lâu đem vào sử dụng, cậu đã ao ước đến ngày này rất lâu rồi. Không chỉ người trong nhà vui mà những kẻ bên ngoài cũng hết sức sung sướng. Min Đơn Min Toa đang thất nghiệp, bỗng nhận được lời thuê trông đám tang thì vui sướng khôn xiết; đây cũng là cơ hội để bạn bè cụ cố Hồng khoe khoang những huân chương dính đầy trên ngực.
Không dừng lại ở đó, tính chất trào phúng còn được thể hiện đậm nét trong cảnh đám rước tang đông vui, ồn ào như một đám hội, một buổi diễu hành. Đám tang họ cố làm cho thật to, thật hoành tráng để xứng đáng với chữ “hiếu” mà họ muốn bày tỏ với người đã khuất. Đám tang đi đến đâu làm huyên náo đến đó, ai cũng phải trầm trồ về một đám tang tầm cỡ. Kèn tây, kèn ta, kèn tàu, rồi cả lốc bốc xoảng hòa vào nhau tạo nên sự pha tạp, hỗn độn. Giữa lúc đám đang đi thì xuất hiện thêm chiếc xe “trên có sư chùa Bà Banh, xe nào cũng che hai lọng” đi cùng với đó là “hai vòng hoa đồ sộ, một của báo Gõ mõ, một của Xuân”. Khi lia góc máy đến cận cảnh người ta còn hết sức hoảng hốt về những câu chuyện trong đám tang ấy, với gương mặt buồn bã chuẩn mực của đám tang, họ chim chuột nhau, nói xấu người này, kể chuyện người kia, “đám cứ đi” kéo dài theo đó là sư suy đồi, bại hoại về nhân cách và đạo đức. Cả đám tang đó là hội tụ của những nhân cách bị tha hóa, của thói đạo đức giả đang lên ngôi trong xã hội lúc bấy giờ.
Cảnh hạ huyệt cũng là là một trong những cảnh trào phúng đặc sắc không kém. Cậu Tú Tân ra bắt bẻ từng người, đứng kiểu này, đứng dáng nọ sao cho đau khổ nhất để cậu chụp được những bức ảnh hoàn hảo. Nhưng có lẽ đỉnh cao của ngòi bút trào phúng chính là khi Vũ Trọng Phụng tinh mắt nhận ra cuộc mua bán, trao đổi quá đỗi nhanh chóng của ông Phán mọc sừng và Xuân Tóc Đỏ. Tờ tiền gấp làm tư, trong lúc khóc oặt cả người đi, ông Phán Mọc Sừng đã nhanh nhẹn đặt vào tay Xuân, như một lẽ tự nhiên Xuân cất ngay đi để người ta khỏi trông thấy. Quả là sự phối hợp hết sức hài hòa, nhịp nhàng của những diễn viên lão làng.
Để hoàn thiện bức tranh trào phúng ta cũng không thể không nhắc đến ngôn ngữ trào phúng bậc thầy được tác giả sử dụng trong tác phẩm. Ngôn từ được sự dụng tinh tế, có chọn lọc, đúng bản chất sự vật. Đầu tiên là về tên nhân vật: Tuyết ngây thơ, Phán mọc sừng, ông bà Văn Minh, Xuân Tóc Đỏ,… Sử dụng linh hoạt các hình ảnh so sánh hài hước: Cảnh sát không được biên phạt buồn như nhà buôn vỡ nợ; Từ chối việc chạy chữa như những vị danh y biết tự trọng… đã vạch trần bộ mặt đểu giả, bất nhân của xã hội bấy giờ. Giọng văn đậm chất châm biếm: Thật là một đám ma to tát ; Cái chết kia làm cho nhiều người sung sướng lắm… Sự kết hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật cùng với tình huống trào phúng đặc sắc, Vũ Trọng Phụng đã vẽ nên một bức tranh vô cùng chân thực về xã hội âu hóa rởm đời, khi mà càng âu hóa con người càng bị mài mòn về nhân tính, càng trở nên giả dối, đểu cáng hơn.
Bằng bút pháp trào phúng đặc sắc, đầy sâu cay, Vũ Trọng Phụng đã thành công khi vạch trần bộ mặt bất nhân của xã hội đương thời. Tiếng cười hài hước, hóm hỉnh lại vô cùng sắc sảo cho thấy sự khinh bỉ đến tột cùng của ông với xã hội âu hóa lố lăng, kệch cỡm của tầng lớp thị dân đương thời.