Nghị luận về phương châm “học đi đôi với hành”
– Bàn về phương pháp học tập, xưa nay có rất nhiều ý kiến. Mỗi ý kiến đúc kết một kinh nghiệm quý báu góp phần rút ngắn khoảng cách trong hành trình chiếm lĩnh tri thức của nhân loại. Học đi đôi với hành là một trong những phương châm đó.
a) Giải thích
– Giải thích từ ngữ:
+ Học: Học tập, lĩnh hội kiến thức từ bài giảng trong nhà trường, từ nhiều kênh thông tin.
+ Hành: Thực hành, vận dụng kiến thức vào giải thích, đánh giá các vấn đề, hiện tượng trong đời sống, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào lao động sản xuất để phục vụ cuộc sống con người.
– Ý nghĩa cả câu: Nhấn mạnh sự cần thiết giữa việc học lí thuyết với việc vận dụng lí thuyết, kinh nghiệm vào thực tiễn.
b) Bàn luận
(1) Vì sao học phải đi đôi với hành
– Học là hoạt động tiếp thu những tri thức cơ bản của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô giáo; học ở bạn bè; tự học qua sách vở và thực tế đời sống.
– Mục đích của việc học là để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình, có khả năng ứng xử trong giao tiếp xã hội, khả năng giải quyết công việc trong những tình huống phức tạp… góp phần hữu ích vào việc xây dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung.
– Học là để làm cho mọi công việc được thực hiện với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học vào thực tế công việc hằng ngày. Học để hành, có nghĩa là phải học để làm cho tốt. Nếu chúng ta học những lí thuyết dù cao siêu đến đâu mà không vận dụng được vào thực tế thì đó chỉ là lí thuyết suông, tốn thời gian, tiền bạc mà vô ích, giống như truyện ngụ ngôn ngày xưa kể về người đàn ông mất bao công phu tìm thầy học nghề giết rồng để rồi suốt đời chẳng tìm thấy một con rồng nào cả.
– Học mà không hành thì vô ích vì hành vừa là mục đích, vừa là phương pháp học tập. Học để làm việc có hiệu quả, để nâng cao đời sống bản thân và có ích cho xã hội. Học mà gắn liền với thực hành thì kiến thức sẽ được củng cố, khắc sâu.
(2) Làm thế nào để học đi đôi với hành thật sự hiệu quả?
– Học đi đôi với hành là một phương châm giáo dục đúng đắn và khoa học. Việc kết hợp giữa lí thuyết và thực hành có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, ở những lĩnh vực khác nhau. Thông qua thực hành, người học nắm chắc lí thuyết hơn vì lí thuyết ấy được biến thành việc làm và được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
– Học đi đôi với hành có ý nghĩa thực sự quan trọng. Để đạt được hiệu quả cao, người học nên biết cân bằng giữa lí thuyết và thực tiễn sao cho hài hòa, hợp lí. Học với hành giúp chúng ta vừa chuyên sâu kiến thức lại vừa thông thạo, hoàn thiện kĩ năng làm việc.
– Để học đi đôi với hành thật sự hiệu quả cần vận dụng những kiến thức đã học khi ra ngoài xã hội. Những gì được học phải đem áp dụng vào cuộc sống, chứ không phải học để biết rồi bỏ đó. Hãy biến những tri thức, những bài học cuộc đời đầy ý nghĩa mà ta thâu nhận được từ sách vở thành hiện thực. Như vậy thì những kiến thức đó mới trở nên thật sự có ý nghĩa.
– Việc học không bó hẹp trong phạm vi nhà trường. Nhiều khi lí thuyết được rút ra sau sự trải nghiệm thực tiễn.
(3) Mở rộng, phản đề
– Phương châm về mối quan hệ giữa học với hành trên là kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế lịch sử phát triển của toàn nhân loại. Phải đánh giá đúng mức mối quan hệ hữu cơ khăng khít giữa học và hành, không thể coi nhẹ vai trò vô cùng quan trọng của việc học.
+ Muốn đạt được hiệu quả cao trong công việc, con người phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc, đến nơi đến chốn theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập, học tập không ngừng. Nắm vững lí thuyết, chúng ta mới có thể làm được những công việc phức tạp và tránh được những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết dẫn đường cho thực hành; thực hành bổ sung, hoàn thiện cho lí thuyết…
+ Hành mà không học thì không thể trôi chảy. Không có lí thuyết soi sáng, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong công việc. Nếu ta chỉ làm việc theo thói quen và kinh nghiệm thì tiến trình làm việc sẽ chậm và hiệu quả không cao. Cách làm việc cũ kĩ, lạc hậu ấy chỉ thích hợp với những hình thức lao động giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ.
– Thực tế, nhiều học sinh đã sai lầm trong cách học, dẫn đến hiệu quả không cao vì chỉ khư khư ôm lấy lí thuyết mà không chịu thực hành. Một phần do các bạn ấy chưa nắm được tầm quan trọng của phương châm học đi đôi với hành, một phần xuất phát từ tâm lí e ngại, lười hoạt động.
– Phải biết kết hợp một cách hài hòa giữa lí thuyết và thực tiễn. Việc tuyệt đối hóa bất cứ một phương diện nào cũng sẽ phản tác dụng. Nếu quá đề cao lí thuyết, bạn sẽ rơi vào cách học máy móc, nặng nề, sách vở. Nếu thiếu những nền tảng lí thuyết cơ bản, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc.
c) Bài học nhận thức và hành động
– Học đi đôi với hành là phương châm giáo dục, phương pháp học tập đúng đắn. Người biết thực hiện phương châm đó một cách kiên trì sẽ gặt hái được thành công. Người chỉ biết “lí thuyết suông” sẽ học tập và làm việc không có hiệu quả, vì thế không thuyết phục được người khác
– Thực hiện “học phải đi đôi với hành”: Học nghiêm túc, biết vận dụng sáng tạo để hiệu quả học tập và công việc được nâng cao.
Có người đã từng nói: Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Tuy có phần cực đoan nhưng câu nói đó đã khẳng định đúng về giá trị của thực tiễn trong đời sống con người.