Nghị luận xã hội tôi và chúng ta Lưu Quang Vũ
Đề bài: Từ nhan đề và ý nghĩa vở kịch: “Tôi và chúng ta” của tác giả Lưu Quang Vũ, hãy viết bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong cuộc sống ngày nay.
Dàn ý phần thân bài:
+Trình bày những hiểu biết khái quát về nhan đề và ý nghĩa vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ.
Vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở xí nghiệp Thắng Lợi. Một bên là tư tưởng bảo thủ khư khư giữ lấy nguyên tắc, quy chế cứng nhắc, lạc hậu với một bên là tinh thần giám nghĩ giám làm, khát khao đổi mới vì lợi ích của tập thể. Qua nhan đề, cùng với xung đột của hai phía, tác giả khẳng định không có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung. Cái ta được hình thành từ nhiều cái tôi cụ thể. Cái tôi vì tập thể, vì cái chung, cái tôi phải được hoà trong cái ta nhưng cần có tiếng nói riêng và đúng đắn theo những quan điểm tiến bộ của thời đại.
+ Trình bày những hiểu biết về cái TÔI và cái TA.
Tôi là số ít, là một cá nhân với những suy nghĩ và cuộc sống riêng. Ta vừa là số ít vừa là số nhiều nhưng được hiểu ở đây là chỉ số nhiều, chỉ tập thể của nhiều cái tôi cùng tham gia. Giữa Tôi và Ta phải có mối quan hệ nhất định: trong tôi có ta, trong ta có tôi. Có tập thể khi có nhiều cá nhân cùng tham gia, trong tập thể có tiếng nói cá nhân. Một tập thể mạnh khi có nhiều cá nhân xuất sắc, một tổ chức ổn định thì đời sống cá nhân cũng ổn định, vững vàng…
+ Những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong cuộc sống hiện nay:
Trong nhiều tổ chức, nhiều tập thể vẫn có những cá nhân hết lòng cống hiến sức khoẻ, năng lực, tâm huyết để dựng xây cơ quan, đơn vị mình công tác. Họ có thể là những lãnh đạo của cơ quan, họ cũng có thể là các nhân viên, bảo vệ, là các bạn cán bộ lớp, các thành viên trong lớp… Đơn vị đó vì vậy mà không ngừng lớn mạnh góp thêm vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, phong trào của nhà trường… (Dẫn chứng minh hoạ, có thể trong các văn bản đã học).
Nhưng trước những biến động và đổi thay không ngừng của nền kinh tế thị trường, nhu cầu cuộc sống cá nhân ngày một khác đã trở thành khá phổ biến những quan niệm cho rằng trước hết phải vì cuộc sống của chính mình, vì lợi ích của riệng mình. Vì vậy trước tập thể nhiều cá nhân đã không đóng góp hết mình và dựa dẫm ỉ lại vào số đông theo suy nghĩ “Nước nổi thì bèo nổi”. Họ tìm cách để thu vào túi mình những nguồn lợi lớn nhất để ổn định cuộc sống gia đình và hưởng thụ, họ thờ ơ trước những thay đổi của đơn vị mình, thờ ơ trước những khó khăn của mọi người xung quanh. Họ không giám đấu tranh trước những cái sai, cái xấu, bàng quan và vô ưu vì sợ liên luỵ đến mình, ảnh hưởng đến danh tiếng, chức sắc, thu nhập… Có thể nói mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong cuộc sống ngày nay có phần xấu đi, dường như mọi người chỉ còn làm việc theo trách nhiệm và làm vừa đủ, vừa đúng thậm chí chưa hoàn thành công việc của mình…(Dẫn chứng ở tập thể lớp, ở địa phương hoặc ở một cơ quan đơn vị mà em biết).
+ Trước hiện trạng đó mỗi cá nhân chúng ta cần phải làm gì?
Xác định lại quan điểm đúng đắn về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong tổ chức, đơn vị mình công tác và sinh hoạt. Tập thể phải bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân, bênh vực cá nhân, động viên, khích lệ họ vượt lên mọi hoàn cảnh để có nhiều đóng góp vì lợi ích chung…
+ Liên hệ mở rộng đến những quan điểm của người xưa:
“Một cây làm chẳng lên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể còn được hiểu rộng ra là sự hợp tác và hữu nghị không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi quốc tế. Trong cơ chế hoà nhập ngày nay cá nhân nói riêng, đơn vị, cơ quan, tỉnh thành, quốc gia cần kịp thời nắm bắt cơ hội hoà nhập nhưng trong sự hoà nhập đó không có sự hoà tan, trong cái riêng có những cái chung và ngược lại. Tất cả vì tinh thần đoàn kết, hoà bình cùng phát triển và tiến bộ…