Phân tích 4 câu thơ đầu bài Vội vàng (Dàn ý + 3 mẫu)
Contents
Qua 3 bài phân tích 4 câu thơ đầu Vội vàng giúp các em học sinh lớp 11 có thêm nhiều tài liệu tham khảo, tích lũy vốn từ để hoàn thiện bài văn phân tích của mình đạt điểm cao. Bên cạnh đó các em tham khảo thêm phân tích 13 câu thơ đầu Vội vàng, cảm nhận bài thơ Vội vàng và một số bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 11.
Dàn ý phân tích 4 câu thơ đầu Vội vàng
1. Những câu thơ 5 chữ – nhịp điệu nhanh gấp …
Xúc cảm vội vàng dường như đã được thể hiện ở khổ đầu tiên của bài thơ : khổ thơ năm chữ duy nhất trong bài thơ mà phần lớn là những câu thơ tám chữ. Thể loại thơ tám chữ gợi cho ta nghĩ đến cách nói vốn có của ca trù và cách sử dụng của Xuân Diệu cùng thể hiện một nét mới của thơ mới. Còn cách đặt những câu thơ ngắn trong trường hợp này làm nên giọng điệu gấp gáp giống như một hơi thở hối hả của một con người đang tràn đầy cảm xúc.
2. Chủ thể trữ tình – “tôi” xuất hiện …
Mặt khác, Xuân Diệu đã đặt ở đầu tiên những câu lẻ hai chữ “ tôi muốn ”, và chủ đề trữ tình lập tức xuất hiện. Nhà thơ thể hiện cái tôi công khai, ngang nhiên không lẩn tránh hay giấu giếm, cái tôi đầy thách thức, đi ngược lại với thơ ca trung đại, nơi rất ít dám thể hiện cái Tôi. Cách nhà thơ công nhiên khiêu khích thẩm mĩ thơ của thời đại trước, chính là để thể hiện cái tôi trong một khao khát lớn lao, cái tôi muốn đoạt quyền tạo hoá để làm những việc mà chỉ tạo hoá mới làm được như “ tắt nắng đi “ và “buộc gió lại “.
3. Ước muốn ngông cuồng táo bạo …
Một ước muốn kì lạ của thi sĩ. ấy là ước muốn quay ngược qui luật tự nhiên – một ước muốn không thể:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió” thật là những ham muốn kì dị, chỉ có ở thi sĩ. Nhưng làm sao cưỡng được qui luật, làm sao có thể vĩnh viễn hoá được những thứ vốn ngắn ngủi mong manh ấy? Cái ham muốn lạ lùng kia đã hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô bờ với cái thế giới thắm sắc đượm hương này.
Nhưng trong cách diễn đạt của nhà thơ thì “tắt nắng” và “buộc gió” không phải là ý muốn cuối cùng, vì những câu chẵn của khổ thơ đều bắt đầu bằng một chữ “cho”.
Cho màu đừng nhạt mất,
……
Cho hương đừng bay đi.
Khát vọng ngông cuồng kia cũng xuất phát từ mong muốn giữ lại cái đẹp đẽ cho sự sống. Những câu thơ gợi cảm giác lo âu rằng cái đẹp sẽ giảm hương sắc đi, màu nắng sẽ bớt rực rỡ nếu nắng cứ toả, và làn hương kia sẽ bớt nồng nàn nếu gió cứ bay. Nhưng mong muốn càng trở nên thiết tha hơn khi nhà thơ dùng đến hai lần chữ “đừng” – chứa đựng một nguyện vọng thiết tha. Từng chữ một của bốn câu thơ đều nói lên nỗi ham sống đến vô biên, tột cùng đến trở nên cuồng si, tham lam, muốn giữ lại cho mình và cho đời vẻ đẹp, sự sống ở trong tạo vật.
4. Quan niệm mới mẻ
Trong quan niệm của người xưa, đời là chốn bụi trần, là bể khổ. Đấy là lý do vì sao lánh đời nhiều khi đã trở thành một cách sống mà cả tôn giáo lẫn văn chương đều chủ trương vẫn gọi con người trên hành trình đi tìm sự an lạc tâm hồn. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên, đạo Phật tô đậm vẻ đẹp của cõi Niết bàn, coi Tây phương cực lạc, văn học cổ TQ cũng như văn học trung đại VN đều đề cao tâm lý hoài cổ, phục cổ, khuyến khích xu hướng tìm về với những giá trị trong quá khứ vàng son một đi không trở lại như đi tìm một thiên đường đã mất. Xuân Diệu và thế hệ những người như ông đã phát hiện ra những điều khác biệt.
Phân tích 4 câu thơ đầu Vội vàng – Mẫu 1
Viên Mai từng nói “Làm người thì không nên có cái cái tôi. Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Đúng vậy, nếu như không tìm cho mình một lối đi khác biệt hay một phong cách riêng thì tác phẩm của họ sẽ không thể vượt qua được sự băng hoại của thời gian. Nền thơ Mới lãng mạn 1930-1945 là dàn xướng ca của cái tôi. Ở đó, Xuân Diệu nổi bật với danh hiệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Người đọc có thể thấy ngay điều này trong vỏn vẹn 4 câu thơ ngắn đầu bài thơ “Vội vàng”:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Xuân Diệu (1916-1985) có bút danh Trảo Nha. là nhà thơ có sự hòa quyện giữa đức tình cần cù, hăng say lao động của quê cha Hà Tình nghèo khó và tâm hồn nồng nàn tha thiết của gió biển Quy Nhơn quê mẹ. Cuộc đời Xuân Diệu sống, lao động và cống hiến hết mình. Xuân Diệu là người yêu đời, ham sống, có nhận thức sâu sắc về giá trị tuổi trẻ và thời gian. Do đó, Xuân Diệu dường như bị rơi vào khủng hoảng khi nhận thức rõ cái tôi cô đơn của trí thức tiểu tư sản trong thời đại đất nước bị thực dân đô hộ. Chỉ với 4 câu thơ ngắn trong bài “Vội vàng”, người đọc sẽ thấy hết những điều đó.
Đoạn thơ đầu trong một bài thơ tự do, Xuân Diệu chọn thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn, xúc tích và bao quát cảm hứng toàn bài. Đoạn thơ có thể coi là ước vọng của cả đời Xuân Diệu, cho dù nó có phần hoang đường, kì lạ.
“Tôi muốn tắt nắng đi”
“Tôi muốn buộc gió lại”
Hau chữ “tôi muốn” như một tuyên ngôn của cái tôi tự tin và đầy tự tôn trước cuộc đời này. Với cách đưa đại từ “tôi” lên đầu tiên kết hợp với từ “muốn”, Xuân Diệu gần như đã lật nhào mọi quy phạm khắc nghiệt của nền thơ ca trung đại trước đó.
Thơ ca trung đại chỉ bàn tới việc nước, việc đại sự liên quan tới tồn vong dân tộc. Có chăng chút phong cách cá nhân cũng chỉ dám nép mình sau chữ “ta” chung. Song, các nhà thơ mới và ngay cả Xuân Diệu, tính phi ngã ấy đã bị phá vỡ hoàn toàn.
Cái tôi ấy bàn tới việc gì lớn lao? Đó là khao khát được “tắt nắng” và “buộc gió”. Thi sĩ như đang vươn mình đoạt quyền năng của tạo hóa, thay đổi mọi quy luật vũ trụ. Đôn-ki-hô-tê xưa còn tưởng mình đánh bại cả quái vật gió nhưng rốt cục đó chỉ là cái “cối xay”. Xuân Diệu cũng vậy, người lại có cái khao khát quá mức hoang đường. Nắng và gió thuộc về trời cao, nó không bị hạn chế hay ngăn cấm băng bất kì một thứ quyền lực nào. Vậy mà thi sĩ muốn “tắt”, “buộc”. Hai động từ mạnh càng như tăng thêm vẻ hăm hở, tự tin của tác giả.
Song, khác với Đôn-ki-hô-tê, nguyên do của khát vọng hoang đường ấy lại hoàn toàn có căn cứ:
“Cho màu đừng nhạt mất”
“Cho hương đừng bay đi”
Hóa ra, lí do rất đơn giản. Xuân Diệu – nhà thơ của mùa xuân, tình yêu, tuổi trẻ và thời gian. Một “ông hoàng thơ tình” đang lo lắng. Nhà thơ sợ màu nắng sẽ mất tươi, hoa nở sẽ sớm tàn, hương sắc sẽ sớm phai. Xuân Diệu càng yêu tha thiết thì càng lo sợ sẽ mất đi. Cho nên người mới ham hố sống “vội vàng”, cuống quýt. Hai chữ “đừng” như nguyện vọng thiết tha của chàng thi sĩ: muốn giữ trọn vẹn hơn vẻ đẹp của cuộc đời, hưởng thụ trọn vẹn hơn thanh sắc vị cuộc sống này khi còn có thể.
Tóm lại đoạn thơ lục ngôn súc tích, ngắn gọn, độc đáo và sáng tạo đã lột tả hết mọi tâm tình của một chàng thi sĩ ý thức sâu sắc về quy luật cuộc đời. Chính nhận thức mới mẻ và quan niệm sống “giao cảm” hết mình với đời đã làm nên một phong cách Xuân Diệu mới mẻ và táo bạo.
Bốn câu đầu bài thơ “Vội vàng” mang một chút bất ngờ, một chút phi lí, một chút đáng yêu của chân dung thi sĩ Xuân Diệu. Đoạn thơ đã hé mở một tâm hồn yêu bồng bột, sống gấp gáp và khao khát vô biên với thế giới thắm sắc đượm hương sẽ được cụ thể hóa trong toàn bộ phần sau bài thơ.
Phân tích 4 câu thơ đầu Vội vàng – Mẫu 2
Nếu cần tìm một bài thơ bộc lộ rõ nhất về phong cách của Xuân Diệu thì đó có phải là “Vội vàng”. Thi phẩm này đã nói với chúng ta cái cảm xúc vồ vập với cuộc đời của tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu bao giờ cũng vội vàng, cuống quýt, nó là những cung bậc rạo rực băn khoăn vì thế mà khi vui cũng như khi buồn đều thấy nồng nàn, tha thiết. (ý Hoài Thanh)
Người ta thường nói “Vội vàng” là bản tự bạch đầy đủ nhất về phong cách sống của Xuân Diệu. Vì thế mà tác phẩm có màu sắc luận đề, có thể diễn đạt bài văn nghị luận bằng thơ này như sau: Trần gian rất đẹp, tôi muốn giữ lấy nó. Những quy luật của thời gian của tạo hóa không để cho tuổi trẻ vĩnh hằng. Cho nên muốn sống nhanh hơn trong mỗi giây, mỗi phút của cuộc đời ta cần phải sống vội vàng hơn.
Cảm nhận thời gian và tuổi trẻ trôi đi không lấy lại được chính là một tư duy triết học từ hàng ngàn năm nay, nên vấn đề Xuân Diệu nêu ra trong bài thơ này không lạ. Nhưng cái mới của nó chính là sự diễn đạt bằng thơ ca qua những biến tấu của trái tim đầy cảm xúc vui buồn với cuộc đời, với tình yêu, với tuổi trẻ.
Bốn câu thơ mở đầu nhà thơ xưng “tôi” và tuyên bố muốn tước đoạt cái quyền của Tạo hóa để những gì thuộc về sự sống tươi đẹp phải là vĩnh cửu.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Từ ngữ “tôi muốn” được nhắc lại và đặt đầu mỗi câu thơ diễn tả tâm nguyện, nỗi khát khao được sống, được hòa mình với thiên nhiên, được thâu tóm hết những điều tốt đẹp nhất đang diễn ra ở ngoài kia. Dường như Xuân Diệu muốn đoạt đi quyền của tạo hóa. Vốn dĩ nắng, gió là những hiện tượng rất tự nhiên của tạo hóa; nhưng tác giả lại có ý định muốn “tắt nắng” và “buộc gió”. Đó là những việc rất khó khăn, mà thực ra là không thể nhưng Xuân Diệu vẫn muốn đến cháy bỏng. Động từ “tắt” và “buộc” càng khẳng định hơn nữa khát khao mãnh liệt ấy. Đây có thể xem là cái “tôi” độc đáo và đặc biệt của Xuân Diệu tạo cho người đọc một cảm giác rất riêng, rất mới. Ông muốn ôm hết xuân sắc của đời để sống, để yêu mãnh liệt hơn nữa.
Nhà thơ lãng mạn người Pháp Bô-đơ-le đã từng nói “ Ôi đau đớn! ôi đau đớn! thời gian ăn cuộc sống”. Đối với ông, sự vận động của thời gian là một niềm đau đớn. Thế nhưng, trước sự vận động của thời gian Xuân Diệu chỉ thể hiện nỗi cuống quýt, vội vàng trước thời gian không đứng đợi.
Chỉ với bốn câu thơ đầu, Xuân Diệu đã thể hiện một ước muốn kì lạ đến ngông cuồng: tôi muốn tắt nắng/ tôi muốn buộc gió. Đó là những ước muốn kì lạ bởi tắt nắng, buộc gió là công việc của tạo hóa. Đối với Chế Lan Viên “ tất cả cuộc đời chỉ là vô nghĩa”, là khổ đau. Không thích mùa xuân, người thanh niên này muốn ngăn bước chân của nó bằng những gì sót lại của mùa thu trước. Những lá vàng rơi, muôn cánh hoa tàn…với cả “ý thu góp lại” tạo lên hàng rào tâm tưởng để “chắn nẻo xuân sang”.Thế nhưng ở bài “vội vàng” Xuân Diệu dường như có thái độ khác hẳn.Thi sĩ muốn tước đoạt quyền của tạo hóa. Là bởi tắt nắng “cho màu đừng nhạt”, buộc gió”cho hương đừng bay đi”. Hóa ra trong niềm ước hết sức ngộ nghĩnh, ngông cuồng ấy nhà thơ muốn bất tử hóa cái đẹp, giữ cho cái đẹp mãi mãi lên hương tỏa sắc giữa cuộc đời này. Niềm ước muốn mang một vẻ đẹp nhân văn của một tâm hồn nghệ sĩ.
Bởi vậy đến với thơ Xuân Diệu mỗi người như được sống trong một thế giới khác, của thiên nhiên, của tình yêu, Xuân Diệu khuyên chúng ta hãy sống với trần gian với những gì Tạo Hóa ban tặng. Chúng ta không chỉ ngắm chúng mà phải sống với chúng. Hãy sống vội vàng chứ không nên chuẩn bị sống vội vàng.
Phân tích 4 câu thơ đầu Vội vàng – Mẫu 3
Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một lẽ sống: sống để yêu và tôn thờ Tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc “hăm hở” làm thơ tình! Nhắc đến Xuân Diệu, sẽ thật là thiếu sót nếu không kể tên “Vội vàng”, “Đây mùa thu tới”, và “Thơ duyên” trong tuyển tập “Thơ thơ” – đứa con đầu lòng mà “ông hoàng thơ tình” đã ban tặng cho nhân gian.
Như một cái chạm tay khẽ nhẹ vào tâm hồn những người yêu thơ, thơ Xuân Diệu nhẹ nhàng và tinh tế như chính tác giả của nó, để lại trong tâm hồn người đọc một ấn tượng đậm nét và thật khó phôi pha về sự phóng túng, giàu có mà hết sức tinh tế trong đời sống nội tâm, tâm của hồn của cái “TÔI” trữ tình Xuân Diệu. Thơ Xuân Diệu như một khúc tình si say đắm ngọt ngào…thật đến từng hơi thở!
Những vẻ đẹp của mùa xuân đâu chỉ của riêng Xuân Diệu. Từ nghìn năm trước, các bậc tiền bối đã có những vần thơ tràn trề về tình yêu đời với mùa xuân và cuộc sống. Nhưng yêu đến mức có những ham muốn táo bạo và khác thường như Xuân Diệu, đó là điều thật mới mẻ, thật mãnh liệt. Đặc biệt là cái cách nói của nhà thơ. Trong thơ ca trung đại, nét nổi bật là tính phi ngã, cái tôi trữ tình thường ẩn náu sau những hình tượng thiên nhiên. Trong khi đó, Xuân Diệu bộc lộ ý thức về cái tôi trữ tình thật táo bạo:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Nói Xuân Diệu là một nhà thơ mới, quả không sai! Nếu như trong thơ ca của những thi sĩ lãng mạn ngày xưa, thiên đường là chốn bồng lai tiên cảnh, là nơi mây gió trăng hoa, thì trong quan niệm thơ của Xuân Diệu, cuộc sống trần gian mới thực là nơi hạnh phúc nhất, là nơi xinh đẹp và căng mọng nhựa sống nhất! Thơ lãng mạn của ông luôn có một niềm say mê ngoại giới, khác giới, một niềm khát khao giao cảm với đời, một lòng ham sống mãnh liệt đến tràn đầy.
Dường như lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông đã biến cái ham muốn “tắt nắng”, “buộc gió” trở nên quá táo bạo, đến độ lo âu trước sự thay đổi của đất trời, cảnh vật…muốn ôm tất cả, muốn giữ lại tất cả thiên nhiên với vẻ đẹp vốn có của nó. Ước muốn níu giữ thời gian, chặn vòng quay của vũ trụ,đảo ngược quy luật tự nhiên, phải chăng là ông đang muốn đoạt quyền tạo hóa. Nhưng trong cái phi lí đó, vẫn có sự đáng yêu của một tâm hồn lãng mạn yêu cuộc sống. Với ông, sống là cả một hạnh phúc lớn lao, kỳ diệu, sống là để tận hưởng và tận hiến. Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận như một thiên đường trên mặt đất, một bữa tiệc lớn của trần gian. Nhà thơ đã cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường sắc hương đó hiện ra trong “Vội vàng” vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đương lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy khêu gợi.
Có ai đó đã nói rằng: “Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong tim mây trời thanh sắc”:
Với bài thơ “Vội vàng”, Xuân Diệu đã phả vào nền thi ca Việt Nam một trào lưu “Thơ mới”. Mới lạ nhưng táo bạo, độc đáo ở giọng điệu và cách dùng từ, ngắt nhịp, nhất là cách cảm nhận cuộc sống bằng tất cả các giác quan, với một trái tim chan chứa tình yêu. “Vội vàng” đã thể hiện một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là lòng yêu con người, yêu cuộc đời. Đó là tình yêu cảnh vật, yêu mùa xuân và tuổi trẻ… Và là ham muốn mãnh liệt muốn níu giữ thời gian, muốn tận hưởng vị ngọt ngào của cảnh sắc đất trời “tươi non mơn mởn”. Phải chăng trời đất sinh ra thi sĩ Xuân Diệu trên xứ sở hữu tình này, là để ca hát về tình yêu, để nhảy múa trong những điệu nhạc tình si?! Thơ Xuân Diệu – vội vã với nhịp đập của thời gian.