Phân tích bi kịch của Tiểu Thanh và sự đồng cảm của tác giả trước bi kịch đó. Chỉ ra điểm tương đồng giữa bài Đọc Tiểu Thanh kí với đoạn thơ sau trong Truyện Kiều: Rằng: Hồng nhan, … thế nào
Đề bài:
Phân tích bi kịch của Tiểu Thanh và sự đồng cảm của tác giả trước bi kịch đó. Chỉ ra điểm tương đồng giữa bài Đọc Tiểu Thanh kí với đoạn thơ sau trong Truyện Kiều:
Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
Nỗi niềm tưởng đến mà đau.
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
Hướng dẫn
1. Bốn câu thơ đầu là khóc người, thương người, là lệ dành cho Tiểu Thanh:
– Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh trong một hoàn cảnh có phần giống Kiều đến với Đạm Tiên. Nấm mồ Đạm Tiên “sè sè nắm đất bên đường” gợi lên ở Kiều bao môĩ thương tâm. Cái gò hoang nơi chôn Tiểu Thanh gợi lên ở Nguyễn Du bao điều thổn thức: “Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang”. Tiếng thơ như tiếng than buột miệng thành lời. Mới nghe qua tưởng là lời than chung cho lẽ đời dâu bể, nhưng ngẫm kĩ thì hóa ra là lời than trước cái đẹp bị dập vùi. Hình tượng thơ đặt trong sự đối lập: cảnh đẹp/ gò hoang gợi nghịch cảnh éo le. Từ tẫn trong nguyên bản chữ Hán “Hoa uyển tẫn thành khư” gợi sự đổi thay khóc liệt: vườn hoa Tây Hồ đẹp là thế mà nay đã thay đổi hết, không lưu lại một chút dấu vết nào. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều tri ngộ với số phận Đạm Tiên là qua lời kể của Vương Quan, còn ở Đọc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi oan khiên của Tiểu Thanh qua mảnh giấy tàn của nàng để lại: “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư’. Chữ độc và chữ nhất trong câu thơ chữ Hán cũng là để nói một lòng đau tìm gặp một hồn đau.
– Đời Tiểu Thanh là điển hình của hai nỗi oan lớn: hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố. Người đẹp như nàng mà bất hạnh, chết trẻ. Có tài thơ văn như nàng mà bị dập vùi. Di cảo của Tiểu Thanh chính là di hận:
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nguyễn Du nhắc tới hai cái oan trong đời Tiểu Thanh bằng những ẩn dụ tượng trưng quen thuộc: son phấn tượng trưng cho sắc đẹp, văn chương tượng trưng cho tài năng. Nếu hiểu son phấn, văn chương là chủ thể tự hận, tự thương thì đưa tới cách cảm nhận: son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết, văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở. Nếu hiểu son phấn, văn chương là đối tượng thương cảm của người đời thì dẫn đến cách cảm nhận: son phấn như có thần, sau khi chết người ta còn thương tiếc, văn chương có số mệnh gì mà người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt. Câu thơ Nguyễn Du đã hòa đồng tâm trạng chủ thể và khách thể dẫn đến sự hợp lí của cả hai cách hiểu nói trên. Vả lại sợi chỉ dỏ xâu chuỗi cả hai cách hiểu đó chính là cảm hứng khẳng định sự vĩnh hằng của cái đẹp và tài năng. Cái đẹp có thể tàn về thân xác nhưng cái hồn, cái thần của nó thì chôn vẫn hận. Cái mệnh của Tiểu Thanh thật ngắn ngủi mà cái mệnh văn chương của nàng thì dẫu đốt còn vương.
– Đặt trong hoàn cảnh quan niệm chính thống phủ nhận tài hoa, trí tuệ của người phụ nữ mới càng thấy hết sự cao cả và chiều sâu nhân đạo của ngòi bút Nguyễn Du.
2. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều đã tri ngộ với thân phận Đạm Tiên qua những vần thơ xiết bao nỗi thương tâm:
Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
Có thể thấy rằng bốn câu thơ trên có nhiều điểm tương đồng với Đọc Tiểu Thanh kí. Hai câu đầu là niềm xót thương của nàng Kiều cho Đạm Tiên – một số phận hồng nhan bạc mệnh, cùng hòa điệu với tiếng khóc của Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh, người con gái tài sắc mà chết trẻ. Còn hai câu thơ sau lại là dự cảm của Thúy Kiều cho chính thân phận của nàng, từ thương người đã chuyển thành thương minh. Điều này có nét nghĩa tương đồng với hai câu kết trong bài Đọc Tiểu Thanh kí, từ thương người, thương đời, ý thơ chuyển sang tự thương dưới dạng một câu hỏi: Ba trăm năm sau liệu có ai khóc Tố Như chăng? Bất tri – chưa biết được. Niềm tự thương, tự đau lên tới cực độ.
3. Chính cảm hứng ngưỡng mộ cái đẹp, tài năng là dấu nối giữa số phận Tiểu Thanh với bao người tài hoa mệnh bạc, trong đó có cả Nguyễn Du.
– Từ hai câu thực nói về nỗi hận, nỗi oan của Tiểu Thanh, tác giả dùng hai câu luận để bàn rộng ra nỗi hờn, nỗi oan của tài hoa, trí tuệ trong trường kì lịch sử:
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Nguyễn Du đã từ cái hận của Tiểu Thanh mà nghĩ tới cái hận muôn đời, cái hận xưa nay cứ triền miên, không bao giờ chấm dứt. Lời thơ như muốn hướng câu hỏi tới bầu trời để giải đáp một vấn đề của cuộc sống nhân sinh nơi trần thế. Nhưng có hỏi trời thì cũng không một lời giải đáp, vì thế càng hận, càng nhức nhối vô cùng.
– Bên cạnh cái hận là cái án phong lưu. Và đây lại là một nghịch cảnh đau xót: khách phong lưu mà lại khổ, lại phải mang cái án với nỗi oan lạ lùng. Đến câu thơ thứ sau này thì khách thể và chủ thể đã nhập làm một: “Phong vận kì oan ngã tự cư”. Câu thơ dịch chữ ngã (tôi, ta) thành chữ khách đã không tô đậm được yếu tố chủ thể nhập thân vào khách thể. Nguyễn Du tự coi mình là “người cùng một hội với kể mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã”.
– Do đó, bài thơ không chỉ dừng lại ở tiếng khóc đành cho nàng Tiểu Thanh mà còn là tiếng khóc chung cho những con người tài sắc trong xã hội phong kiến xưa, trong đó có cả Nguyễn Du.