Phân tích đoạn Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hướng dẫn các em làm bài văn mẫu Phân tích đoạn Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) hay nhất. Chi tiết nội dung bài viết này các em tham khảo ở bên dưới nhé.
1.Trong cả thế giới nhân vật đông đảo gồm đủ hạng người của Truyện Kiều, Từ Hải nổi bật lên vì Từ là nhân vật anh hùng duy nhất, người anh hùng mang nhiều nét phi thường. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nói Từ Hải là: giác mộng anh hùng của Nguyễn Du.
Suốt quãng đời lưu lạc mười lăm năm chìm đắm trong đau khổ, tủi nhục triền miên của Thúy Kiều, thì những ngày tháng gặp gỡ Từ Hải là quãng thời gian tươi sáng, rạng rỡ. Đó là sự gặp gỡ của “trai anh hùng, gái thuyền quyên”; của hai người “tâm phúc tương tri”. Từ Hải chẳng những là người đã đưa Kiều ra khỏi cuộc sống ô nhục ở chốn lầu xanh lần thứ hai, mà hơn thế nữa, chỉ có Từ mới giúp được nàng thực hiện ước mơ công lí, báo oán trả ân. Đoạn thơ Chí khí anh hùng chỉ tả cảnh Từ Hải từ biệt Thúy Kiều để ra đi, nhưng đã khắc họa nổi bật được vẻ đẹp và tầm vóc lớn lao của người anh hùng. Đoạn thơ hoàn toàn là sự sáng tạo của Nguyễn Du, bởi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ kể một cách đơn giản là sau một thời gian chung sống, Từ Hải từ biệt Thúy Kiều ra đi, mà không hề miêu tả cuộc từ biệt ấy.
2. Từ Hải là một anh hùng nên cái cách ra đi của nhân vật này cũng khác thường:
Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong.
Sau khi đưa Kiều ra khỏi lầu xanh, Từ Hải và Thúy Kiều sông những ngày thật hạnh phúc. Nhưng Từ đâu phải là con người dễ bằng lòng với hạnh phúc nhỏ hẹp dưới “một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”, cũng tức là cuộc sổng quẩn quanh trong một không gian nhỏ hẹp, bằng phẳng. Từ là con người của trời đất, của chí khí làm nên nghiệp lớn. Bởi vậy mà mặc dù “hương lửa đương nồng”, nhưng tiếng gọi của bôn phương đã thức dậy mạnh mẽ và đột ngột trong lòng Từ. Hai chữ “thoắt đã” thể hiện sự đột ngột và dứt khoát của tâm trạng nhân vật. Nhưng ngẫm kĩ thì sự đột ngột ấy chỉ là ở bên ngoài, mà thực ra cái chí bôn phương vẫy vùng vôn vẫn nằm sâu trong tâm khảm của bậc trượng phu, chẳng qua nó chỉ tạm lắng lại khi hương lửa của ái tình đang nồng nàn mà thôi. Giờ đây khi chí khí anh hùng đã được thức dậy trong lòng bậc trượng phu thì không có gì có thể ngăn cản níu giữ người anh hùng được nữa. Thế nên, con mắt và tầm nhìn của Từ lập tức phóng xa về một không gian cao rộng như vô tận: “Trông vời trời bể mênh mang” và đi liền ngay với cái nhìn ấy là hành động cũng rất dứt khoát, mạnh mẽ, mau lẹ: “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”. Hai câu thơ vẽ ra một bức tranh đẹp về tư thế và tầm vóc của người anh hùng Từ Hải: trên một nền cảnh không gian xa rộng có cả trời và bể, nổi bật hình ảnh người anh hùng với một thanh gươm, trên mình ngựa thẳng hướng về phía trước trong tư thế “lên đường thẳng rong”.
3. Chí khí anh hùng của Từ Hải còn bộc lộ đầy đủ hơn trong lời đôì đáp với Thúy Kiều trong phút chia li. Trước việc Từ Hải đột ngột lên đường, Kiều biết rằng không thể nào ngăn cản cái chí vẫy vùng của người anh hùng, nên chỉ thỉnh cầu được theo cùng:
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Trong lời thỉnh cầu ấy, không chỉ có ý thức về đạo “tam tòng” của người phụ nữ thời phong kiến, mà có lẽ hơn thế nữa, còn là mong muôn được cùng chia sẻ mọi điều với Từ Hải, khi chàng chỉ có một mình một ngựa ra đi, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu chắc chắn là đầy hiểm nguy. Từ Hải đã đáp lại lời thỉnh cầu của Thúy Kiều như thế nào?
Trước hết, Từ coi việc Kiều xin đi theo là một ý nghĩa chưa thoát khỏi thói “nữ nhi thường tình”. Vả lại, cảnh ngộ của Từ Hải trước mắt, trên con đường dựng nghiệp, là tình cảnh một kẻ “bốn bể không nhà”; bởi thế Kiều có theo đi thì cũng là “theo càng thêm bận biết là về đâu?”. Trong những câu thơ này, còn thấy thoáng hiện lên cái cô đơn của người anh hùng giữa trời đất, thiên hạ. Ngay cả hai câu thơ trước đó: “Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”, bên cạnh vẻ đẹp oai hùng cũng còn thấp thoáng sự cô đơn, lẻ loi của người anh hùng. Nhưng không chỉ ngăn việc Thúy Kiều xin theo cùng, Từ Hải còn ước hẹn với nàng về một tương lai rạng rỡ, khi người anh hùng lập nên sự nghiệp lớn:
Bao giờ mười vạn tinh bình,
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Một viễn cảnh thật rạng rỡ, oai hùng, với khí thế rầm rộ của “mười vạn tinh binh”, với “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường” được Từ vẽ ra với tất cả niềm tin chắc chắn. Bởi thế những câu thơ nói về một tương lai mà lại như cảnh tượng ấy đang hiện ra sống động trước mắt với đầy đủ cả âm thanh, màu sắc, sự chuyển động. Đốì sánh với hình ảnh ra đi lúc này của Từ — một mình một ngựa, lẻ loi đơn độc trước trời đất và trong thiên hạ rộng lớn — thì mới càng thấy rõ chí khí lớn và niềm tin mạnh mẽ của bậc anh hùng. Chẳng những Từ tin chắc vào cái ngày sẽ “làm cho rõ mặt phi thường” trước thiên hạ, mà còn khẳng định chắc chắn với Kiều về thời gian của cái ngày ấy: “Chầy chăng chỉ một năm sau”. Lời lẽ của Từ Hải thật đúng khẩu khí của bậc trượng phu: dứt khoát, mạnh mẽ và đầy niềm tin vào tài trí của mình. Lời lẽ của Từ Hải chắc chắn đã thuyết phục được Thúy Kiều, đem lại niềm tin tưởng cho nàng trong những tháng ngày phải xa cách đợi chờ.
Sau khi đã tỏ rõ chí khí của mình và thuyết phục được Thúy Kiều, Từ Hải ra đi cũng thật mạnh mẽ và dứt khoát:
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Câu thơ trên với ba thanh sắc gần nhau ở câu đầu tạo một nhịp nhanh, mạnh, diễn tả hành động ra đi của Từ Hải thật mạnh mẽ và dứt khoát. Câu thơ dưới với nhiều thanh bằng trải đều cùng với những hình ảnh cánh chim bằng, gió mây, dặm khơi đã vẽ ra một bức tranh rộng lớn, hào hùng. Bút pháp ước lệ tượng trưng của văn chương cổ ở đây có khả năng biểu đạt những hình tượng lớn lao phi thường. Câu thơ cho người đọc hình dung, tưởng tượng hình ảnh cánh chim bằng bay cao vút lên bầu trời cưỡi gió mây, vượt ngàn dặm khơi. Trong văn chương cổ, hình ảnh chim bằng tượng trưng cho khí phách và khát vọng của người anh hùng muốn lập nên sự nghiệp lớn. Trong bài thơ Cliim trong lồng, tương truyền của Nguyễn Hữu cầu – một lãnh tụ phong trào nông dân khởi nghĩa ở thế kỉ XVIII, cũng có hình ảnh cánh chim với khát vọng: “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán/ Phá vòng vây bạn với kim ó”. Còn Tản Đà thì mượn cánh chim bằng để nói về khát vọng tự do: “Gió hỡi gió phong trần ta đã chán/ Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong” (Hỏi gió).
4. Trong Kim Vân Kiều truyện, Từ Hải chỉ là một kẻ làm giặc, một tướng lục lâm tầm thường. Nhưng đi vào Truyện Kiều của Nguyễn Du, Từ Hải đã thành biểu tượng của người anh hùng có khí phách và chí lớn. Từ Hải và Thúy Kiều, hai kẻ ở những tầng lớp bị xã hội phong kiến khinh rẻ nhất, lại được ngòi bút của nhà đại thi hào vẽ nên với những vẻ đẹp cao cả của tâm hồn và khí phách, bằng những lời thơ đầy thiện cảm và ngợi ca không giấu giếm. Trong văn học trung đại, có không ít những hình tượng anh hùng. Thường thì đó là những anh hùng theo lí tưởng của người quân tử trong quan niệm của Nho gia, nghĩa là những tấm gương trung thần nghĩa sĩ. Nhưng Từ Hải – biểu tượng về người anh hùng của Nguyễn Du lại là một kẻ chông lại triều đình, muôn lập một cõi riêng, để thỏa cái chí “chọc trời khuấy nước” của mình. Trong nhân vật này, thấp thoáng hình ảnh của những lãnh tụ các cuộc nổi dậy của nông dân trong thời kì suy vong của xã hội phong kiến.
Đoạn thơ thể hiện tài năng tuyệt vời của Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả nhân vật, ở đây là những người anh hùng. Chỉ với mấy nét miêu tả hành động và một đoạn đối thoại mà hình ảnh Từ Hải đã được khắc họa nổi bật với vẻ đẹp phi thường của chí lớn và khí phách anh hùng. Bút pháp ước lệ, tượng trưng, phóng đại sử dụng những diễn đạt văn chương cổ đều rất thích hợp với cách xây dựng hình tượng mang tính lí tưởng hóa về anh hùng, nhằm khắc họa sự lớn lao và phi thường ở họ.