Phân tích đoạn thơ “Những đường Việt Bắc của ta … đèo De, núi Hồng” trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

0

Đề bài: Phân tích đoạn thơ “Những đường Việt Bắc của ta … đèo De, núi Hồng” trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Đề bài:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu
Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

GỢI Ý CÁC LUẬN ĐIỂM CHÍNH
– Luận điểm 1: 8 câu đầu chính là khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam

– Luận điểm 2: 4 câu còn lại chính là khí thế, niềm vui chiến thắng tại các chiến trường khác nhau.

DÀN Ý PHÂN TÍCH ĐOẠN THƠ NHỮNG ĐƯỜNG VIỆT BẮC CỦA TA… TỚI VUI LÊN…
a) Mở bài:

– Khái quát một vài nét tác giả tác phẩm và dẫn dắt ra đoạn thơ

– Nội dung chính của đoạn thơ trên: Khí thế của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

b) Thân bài

* Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam

– 2 câu đầu: Mở ra một cảnh tượng sôi động của Việt Bắc trong những đêm hành quân vào chiến dịch:

+ “Những đường Việt Bắc”: không gian vô cùng rộng lớn.

+ Điệp từ “đêm đêm”: thời gian liên tục tiếp nối.

+ So sánh “như là đất nung” + từ láy “rầm rập”: Khí thế hào hùng làm rung đất chuyển trời.

+ Sự lớn mạnh của quân đội ta về lực lượng, khí thế.

– 6 câu tiếp: Sự phối hợp các lực lượng chiến đấu:

+ Đoàn quân:

Từ láy “điệp điệp trùng trùng”: những đoàn quân tiếp nhau bước đi như những đợt sóng trào kéo dài vô tận.
Hình ảnh “ánh sao đầu súng” là một tứ thơ đẹp gợi nhiều liên tưởng:
Nghệ thuật nhân hóa: ánh sao theo chân đoàn quân, treo lơ lửng trên đầu súng, soi sáng khắp các ngả đường hành quân – thiên nhiên đã thành người bạn đồng hành cùng chiến sĩ.
Ần dụ: ánh sao – lí tưởng cách mạng luôn soi sáng dẫn đường, đến tương lai tươi sáng – niềm tin tưởng lạc quan đầy khí thế.
+ Đoàn dân công:

Những bó đuốc đỏ rực soi đường, làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn quân dân công tiếp lương, tải đạn với đủ cả: già, trẻ, gái, trai… họ đến từ những miền quê với đủ mọi phương tiện chuyên chở: xe đạp thồ, gùi, cáng… quyết tâm kiên cường vượt qua khó khăn nguy hiểm để bảo đàm vũ khí, thuốc men, lương thực… cho tiến tuyến.
Cách nói cường điệu “bước… bay”: vừa diễn tả lực lượng đông đảo vừa diễn tả một sức mạnh hùng hậu phục vụ chiến trường. Cuộc chiến đấu của ta là đấu tranh nhân dân, đã phát huy sức mạnh toàn dân.
Hình ảnh thơ thật đẹp “muôn tàn lửa bay”, “đỏ đuốc”: xua tan những lạnh lẽo, tăm tối nơi rừng núi.
Từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” + từ “nát đá” : góp phần tạo nên âm điệu hùng tráng mạnh mẽ.
+ Đoàn ô tô quân sự:

Xe kéo pháo, chở súng đạn, thuốc men, lương thực, chở quân rùng rùng ra trận:
Hình ảnh “đèn pha bật sáng”, “ánh sáng rực rỡ xuyên thủng đêm dày tăm tối”.
Hình ảnh ẩn dụ “nghìn đêm” – quá khứ nô lệ; “sương dày” : những khó khăn vất vả, thiếu thốn trong hiện tại.
So sánh “Như ngày mai lên”, “niềm tin tưởng, lạc quan : hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu trưng cho tương lai tươi sáng của đất nước.
Nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ, gấp gáp. Âm hưởng hào hùng, sôi nổi náo nức; hình ảnh thơ hoành tráng, mỹ lệ.
Đoạn thơ tràn ngập ánh sáng: ánh sao, ánh đuốc, ánh đèn pha…, ánh sáng của niềm tin tưởng, niềm vui tràn ngập. Tất cả tạo thành khúc hùng ca chiến thắng. Việt Bắc không còn là của mình hay là của riêng ta mà là của ta – của chúng ta, của tất cả mọi người Việt Nam kháng chiến.
* Niềm vui khi tin chiến thắng cũa mọi miền đất nước tiếp nối báo về:

Điệp từ ”vui” như tiếng reo mừng chiến thắng, cảm xúc náo nức, vui sướng, tự hào khi tin vui chiến thắng dồn dập đổ về từ khắp mọi miền đất nước.
Liệt kê những địa danh kết hợp từ “trăm miền” mở ra không gian rộng lớn của chiến thắng từ miền núi đến đồng bằng, từ bắc tới nam.
Nhịp điệu thơ dồn dập, tươi vui, náo nức cho thấy tốc độ thần kỳ, nhanh chóng của những chiến thắng.
Những từ: “vui về”, “vui lên”, ‘vui từ” đã đặt Việt Bắc làm tâm điểm của mọi niềm vui.
Giọng thơ say mê, náo nức tràn ngập niềm vui sướng trong lòng hàng triệu con người từ bắc chí nam.
c) Kết bài:

– Chỉ với 12 câu thơ mà tác giả đã thể hiện thành công cảm hứng ngợi ca của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

– Không chỉ là cảm hứng, qua Việt Bắc ta còn phải thốt lên lời khen ngợi với vẻ đẹp bức tranh tứ bình vô cùng xuất sắc nữa.

TOP 5 BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH ĐOẠN THƠ TỪ NHỮNG ĐƯỜNG VIỆT BẮC CỦA TA
Bài số 1

MỘT BỨC TRANH SỐNG ĐỘNG, HÀO HÙNG VÀ ĐẦY KHÍ THẾ CỦA QUÂN DÂN TA
Việt Bắc là bài thơ được Tố Hữu sáng tác sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội, chấn động thế giới. Có thể coi Việt Bắc là một bản tổng kết về một giai đoạn lịch sử bằng thơ, tái hiện lại hiện thực đau thương và oanh liệt của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược bảo vệ chủ quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Đoạn trích dưới đây là bức tranh sống động, hào hùng về khí thế tiến công như vũ bão của quân dân ta:

Những đường Việt Bắc của ta

………

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…

Nhà thơ đã tập trung thể hiện không khí hào hùng trong giai đoạn thứ ba của cuộc kháng chiến khi sức ta đã mạnh, người ta đã đông. Theo dòng hồi tưởng, nhà thơ dẫn dắt người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu với không gian là núi rừng rộng lớn, với những hoạt động tấp nập, những hình ảnh, những âm thanh sôi nổi, dồn dập làm náo nức lòng người. Ánh sáng cách mạng đã xua tan vẻ âm u, hiu hắt của núi rừng, đồng thời khơi dậy sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên và con người Việt Bắc. Đoạn thơ mang dáng vẻ một sử thi hiện đại, tràn đầy âm hưởng anh hùng ca. Giọng điệu dìu dặt, du dương ở những đoạn thơ trước đến đây đã chuyển thành giọng điệu dồn dập, rắn rỏi và phấn khích.

Tố Hữu miêu tả rất chân thực và sinh động khung cảnh chiến khu Việt Bắc trong mùa chiến dịch qua hình ảnh những con đường đêm đêm rầm rập bước chân của bộ đội, dân công, bập bùng ánh sáng của lửa đuốc và ánh đèn pha của những đoàn xe ra trận.

Trong thời gian đó, ban ngày máy bay địch bắn phá dữ dội nhưng ban đêm thì chúng đành bất lực. Màn đêm bao la đã mang lại ưu thế cho quân dân ta. Không phải ngẫu nhiên mà thơ ca kháng chiến có nhiều bài tả cảnh ban đêm:

Những đêm dài hành quân nung nấu,

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Đêm nay, rừng hoang sương muối,

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới,

Đầu súng trăng treo

(Đồng Chí – Chính Hữu).

Trong đời sống bình thường, ban đêm là lúc vạn vật chìm trong giấc ngủ, là thời điểm nghỉ ngơi yên tĩnh của con người. Nhưng trong chiến tranh, đêm thường là điểm khởi đầu của những trận đánh, những chiến dịch lớn nối tiếp nhau: Những đường Việt Bắc của ta, Đêm đêm rầm rập như là đất rung. Hai từ của ta thể hiện rõ ý thức làm chủ của người dân đối với đất nước, đồng thời thể hiện niềm tự hào về tính chất bất khả xâm phạm của vùng căn cứ địa kháng chiến.

Trên các nẻo đường ra hỏa tuyến, bộ đội, dân công với súng đạn, gánh gồng, với khí thế bừng bừng xung trận. Các từ tượng thanh và tượng hình như rầm rập, điệp điệp, trùng trùng được sử dụng rất phù hợp diễn tả chính xác không khí tự tin, hồ hởi và sức mạnh như triều dâng thác lũ của quân dân ta. Hình ảnh so sánh: Đêm đêm rầm rập như là đất rung đặc tả quy mô lớn của các trận đánh chuẩn bị diễn ra. Tác giả đã thể hiện được sự thống nhất, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên trong một thời điểm lịch sử đặc biệt.

Bên cạnh những nét vẽ trải ra theo chiều rộng, trong bức tranh kháng chiến bằng thơ này còn có những nét vẽ theo chiều cao. Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan là một nét vẽ như thế. Ánh sao trước hết là một hình ảnh thực; bên cạnh đó nó còn là hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng. Có thể hiểu ánh sao như ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi đường dẫn lối cho người chiên sĩ chiến đấu. Ba sự vật: ánh sao, mũi súng, mũ nan hợp thành một hình tượng khỏe khoắn, vững chãi về mặt tạo hình, phản ánh tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến cũng như tinh thần lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của quân dân ta.

Tuy tả cảnh đêm Việt Bắc nhưng bức tranh không thiếu các chi tiết nói về ánh sáng. Bên cạnh ánh sáng xanh của sao trời là ánh sáng đỏ của lửa đuốc, của muôn tàn lửa bay, của đèn pha bật sáng… Hai câu thơ “Dân công đỏ đuốc từng đoàn,/ Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay” vẽ ra một cảnh tượng rực rỡ và hừng hực khí thế bằng những nét bút gân guốc, mạnh mẽ. Cách nói thậm xưng bước chân nát đá diễn tả rất ấn tượng sức mạnh đạp bằng mọi gian khó của những đoàn người trên đường ra hỏa tuyến. Những bước chân dồn dập ấy đã làm cho núi rừng bừng thức. Màn đêm thăm thẳm sương dày bị xua tan bởi ánh đèn pha, gợi liên tưởng đến chiến thắng đã gần kề trước mặt. Hình ảnh so sánh trong câu: Đèn pha bật sáng như ngày mai lên thoạt nghe có vẻ cường điệu nhưng phải so sánh nhu thế thì nhà thơ mới nói hết được niềm phấn chấn đang tràn ngập lòng người trước sự lớn mạnh vượt bậc của quân đội ta khi cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…

Tin thắng trận từ khắp các chiến trường trong cả nước dồn dập đổ về chiến khu Việt Bắc. Những cụm từ vui về, vui từ, vui lên vừa tạo được không khí phấn chấn, rộn ràng vừa biểu đạt ý: chiến khu Việt Bắc chính là đầu não của cuộc kháng chiến và niềm vui thắng lợi từ khắp nơi dồn tụ về đó, để rồi từ đó lại tỏa đi trăm ngả.

Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của hàng loạt địa danh. Thơ ca kháng chiến có nhiều bài nhắc đến tên của những địa phương gắn liền với các sự kiện lịch sử. Chẳng hạn như bài Tây Tiến của Quang Dũng, bài Bên kia sống Đuống của Hoàng Cầm… Nhưng cách đưa địa danh vào thơ của Tố Hữu có khác. Nếu Quang Dũng chú ý tới những tên đất gợi ấn tượng về sự xa xôi, hoang dã, heo hút và bí ẩn; Hoàng Cầm chú ý tới những cái tên gợi lên những sắc màu truyền thống của quê hương thì Tố Hữu lại quan tâm tới những địa danh lừng lẫy chiến công mà tên gọi của chúng làm náo nức lòng người. Có thể nói ít khi thấy những địa danh bình thường mà lại chan chứa chất sử, chất thơ và vang vọng trong lòng người đến như thế.

Đoạn thơ trên giàu chất sử thi, thể hiện rất rõ khả năng tạo dựng những bức tranh hoành tráng về lịch sử cách mạng của Tố Hữu bằng ngôn ngữ thơ ca. Đọc đoạn thơ, chúng ta tưởng như đang được sống lại trong không khí sục sôi của một thời lửa đạn không thể nào quên – cái thời của những sự kiện lớn lao và những niềm vui, niềm tin tưởng, cũng rất đỗi tự hào.

>>> Tham khảo thêm đề văn liên hệ và so sánh hai tác phẩm Việt Bắc và Từ Ấy

Bài số 2

PHÂN TÍCH ĐOẠN THƠ NHỮNG ĐƯỜNG VIỆT BẮC CỦA TA NHƯ PHÂN TÍCH MỘT KHÚC CA HÙNG TRÁNG
Bài thơ Việt Bắc được nhà thơ Tố Hữu viết vào tháng 10 – 1954, tức sau chiến thắng Điện Biên Phủ (5 – 1954), miền Bắc được giải phóng. Các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước chuyển từ Việt Bắc (thủ đô của cuộc kháng chiến) về Hà Nội. Sự lưu luyến kẻ ở người về là nguồn cảm xúc lớn cho Tố Hữu viết nên bài thơ này. Bài thơ Việt Bắc được trích trong tập thơ Việt Bắc (1947 – 1954) của Tố Hữu. Bài thơ đã bộc lộ nỗi nhớ của người cán bộ cách mạng (cũng chính là nhà thơ) đối với chiến khu Việt Bắc khi rời chiến khu về thủ đô Hà Nội. Bài thơ là lời ca ngợi phong cảnh và con người Việt Bắc: cảnh vật Việt Bắc đẹp, hùng vĩ… con người Việt Bắc đáng yêu, cảnh vật và con người nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công là làm nên những kỉ niệm thật vô cùng sâu sắc mà nhà thơ không thể nào quên được. Đặc biệt, trong bài thơ, Tố Hữu đã viết nên một khúc ca hùng tráng về con người kháng chiến và cuộc kháng chiến. Điều đó thể hiện rõ trong đoạn thơ sau:

“Những đường Việt Bắc của ta

Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng”

Bài thơ có tiêu đề là Việt Bắc. Việt Bắc được xem là quê hương của cách mạng, ở đây có Pắc Bó, nơi Bác Hồ đặt chân đầu tiên khi Người trở về nước (tháng 2/1941), ở đây, diễn ra hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, thành lập mặt trận Việt Minh. Việt Bắc lại có mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào – nơi họp Quốc dân đại hội ngày (16/8/1945) bầu ra ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc và cũng là nơi xuất phát của đội quân cách mạng tiến về giải phóng Thái Nguyên.

Trong kháng chiến chống Pháp, Việt Bắc là một chiến khu vững chãi, nơi đóng các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Việt Bắc cũng là nơi chứng kiến biết bao nhiêu chiến công oanh liệt, thể hiện khí thế hào hùng của quân và dân ta trong chín năm kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta là một cuộc kháng chiến toàn dân. Các tầng lớp nhân dân bất phân già trẻ, gái trai, lớn bé đều tham gia kháng chiến. Trong đó, nổi bật nhất là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ. Người lính thời chống Pháp đã trải qua biết bao nhiêu hi sinh gian khổ nhưng rất hùng tráng và đầy lạc quan.

Hình ảnh hào hùng của đoàn quân ấy được thể hiện trong hai câu đầu của đoạn thơ:

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Hai từ láy “điệp điệp” và “trùng trùng” đi liền nhau ở câu thơ có sức gợi tả đó, nó vừa gợi lên hình ảnh của một đoàn quân đông đúc, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của một đoàn quân. Đoàn quân ra mặt trận hùng tráng, mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Câu thơ thứ hai được ngắt theo nhịp 4/4: “Ánh sao đầu súng / bạn cùng mũ nan” càng làm tăng thêm vẻ đẹp của người lính – một vẻ đẹp vừa mang tính lãng mạn vừa mang tính hiện thực sâu sắc. Hình ảnh “Ánh sao đầu súng” có thể là hình ảnh ánh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân như “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu; “ánh sao đầu súng” ấy cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính bước đi, như nhà thơ Vũ Cao trong bài Núi đôi đã viết:

Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Góp phần vào sự hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta có cả một tập thể quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến. Họ là những “dân công đỏ đuốc từng đoàn” tải lương thực, súng đạn để phục vụ cho chiến trường. Hình ảnh của họ cũng thật đẹp, thật hào hùng và đầy lạc quan không kém những người lính:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Dấu chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Bằng một cách nói cường điệu “dấu chân nát đá”, nhà thơ đã làm nổi bật sức mạnh yêu nước, yêu lí tưởng cách mạng, ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù của người nông dân lao động. Người nông dân lao động (lực lượng nòng cốt của cách mạng) là lực lượng góp phần rất lớn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn sau này – Họ là những người nông dân đôn hậu, chất phác, lớn lên từ bờ tre, gốc lúa nhưng họ đi vào cuộc kháng chiến với tất cả những tình cảm và hành động cao đẹp, họ bất chấp những hi sinh, gian khổ, chấp mưa bom bão đạn của quân thù, đạp bằng mọi trở lực để đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước và lí tưởng cách mạng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nói trong bài Đất Nước:

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.

Hai hình ảnh “dấu chân nát đá” và “muôn tàn lửa bay” đã thể hiện cái khí thế hào hùng đó của nhân dân.

Dù có trải qua bao nhiêu gian khổ, có nghìn đêm đi trong “thăm thẳm sương dày” nhưng niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai thắng lợi vẫn sáng ngời. Như “ngọn đèn pha bật sáng” giữa cái “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” ấy, mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó chính là ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi đường cho dân tộc ta bước qua đêm trường nô lệ để đến một ngày mai tươi sáng, một thời đại thắng lợi huy hoàng của cách mạng – một thời đại độc lập, tự do:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Chính những sức mạnh ấy, niềm tin ấy đã đem lại những niềm vui chiến thắng. Những tin vui chiến thắng dồn dập, liên tục trên nhiều mặt trận được gửi về làm nức lòng quân và dân ta:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng

Điệp từ “vui” được lặp đi lặp lại nhiều lần gợi lên những đợt sóng tình cảm trào dâng, đợt sóng này kế tiếp đợt sóng kia cứ dâng lên, dâng lên mãi, tràn ngập tâm hồn nhà thơ, trong lòng quân dân cả nước.

Với lối thơ lục bát ngọt ngào như ca dao, với chất thơ trữ tình cách mạng, thật sôi nổi, hào hùng, thiết tha, nhà thơ Tố Hữu trong đoạn thơ này đã thể hiện nổi bật khí thế hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc; đồng thời đoạn thơ còn thể hiện niềm lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, làm nên những chiến thắng vẻ vang, mang niềm vui về cho dân tộc. Đoạn thơ như một đoạn sử thi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Không chỉ là khí thế hùng mãnh đó mà qua Việt Bắc, Tố Hữu còn muốn cho bạn thấy được một bản tình ca đầy lãng mạn trong chiến tranh nữa! Hãy thử tham khảo thêm bài văn: Bình giảng 3 khổ đầu bài Việt Bắc – như nói về bài ca tình nghĩa thủy chung.

Bài số 3

KHÚC HÙNG CA VỀ NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC
Nhà văn Tố Hữu, lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, đã từng chia sẻ: Tôi phải lòng đất nước và nhân dân mình và cũng đã nói nhiều về đất nước và nhân dân mình như người đàn bà mình yêu. Có thể nói, thơ Tố Hữu là bản tình ca về đất nước và con người Việt Nam. Trong số những bản tình ca ấy, ta không thể không nói kể tới “Việt Bắc” – đỉnh cao của Tố Hữu, là tác phẩm xuất sắc trong văn học kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc không chỉ là bản tình ca sâu sắc mặn nồng giữa kẻ ở người đi mà còn là khúc hùng ca về những người anh hùng dân tộc. Bên cạnh những vần thơ trữ tình ngọt ngào, ta còn bắt gặp những vần thơ tràn đầy khí thế chiến thắng của quân và dân ta:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui thắng trận trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Việt Bắc là một tác phẩm gồm 150 câu thơ lục bát, được viết vào tháng 10/1954 khi Trung ương Đảng và chính phủ, Bác Hồ và cán bộ từ giã “Thủ đô gió ngàn” để về với “Thủ đô nắng Ba Đình”. Bài thơ được chia làm hai phần: phần đầu tái hiện những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến, phần sau gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ngợi ca công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc. Đoạn thơ “Những đường Việt Bắc của ta… Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng” tập trung tái hiện lại không khí hào hùng của cuộc kháng chiến lúc quân và dân ta đang giành được lợi thế.

Trong 8 câu thơ đầu, nhà thơ đã tái hiện lại một cách chân thực hình ảnh đêm Việt Bắc trong mùa chiến dịch:

Những đường Việt Bắc của ta

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Câu thơ Những đường Việt Bắc của ta vang lên khỏe khoắn, hùng tráng, chứa chan niềm tự hào kiêu hãnh. Trăng ngả, trăng đường hướng về Việt Bắc, trăm nẻo đường từ Việt Bắc tỏa đi muôn nơi đều là “của ta”: Hai tiếng của ta giản dị mà vô cùng thiêng liêng. Chúng thể hiện rõ ý thức làm chủ của người kháng chiến đất nước mình cũng như niềm tự hào về sự bất khả xâm phạm của vùng căn cứ. Có sống trong những ngày kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ khó khăn, ta mới thấm thía niềm tự hào kiêu hãnh chống Pháp gian khổ khó khăn. Sau bao ngày tháng trong tình thế ngặt nghèo, phải phòng thủ ta đã vươn lên dành thế chủ động trong mọi mặt trận. Những con đường từng bị giặc chiếm đóng nay đã là của ta.

Hình ảnh thơ “Đêm đêm rầm rập như là đất rung” đặc tả sự lớn mạnh nhanh chóng, vượt bậc và khí thế ra trận hào hùng, ngất trời của đoàn quân và dân ta. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn thời điểm ban đêm. Trong cuộc sống, đêm là lúc yên bình, tĩnh mịch, vạn vật đã chìm vào giấc ngủ say nồng nhưng trong kháng chiến, đêm thường là điểm khởi đầu của những hoạt động, chiến dịch chuẩn bị cho ngày mai thắng lợi. Trong màn đêm bao la bao phủ, trùm khắp, đoàn quân của ta ra trận rầm rập như vũ bão khiến đất rung, trời lở. Với những từ láy rắn rỏi, hình ảnh so sánh, phóng đại, nhịp thơ đanh, chắc kết hợp với những phụ âm rung, câu thơ bật lên âm hưởng khỏe khoắn hùng tráng góp phần tái hiện sống động cuộc diễu binh hùng vĩ. Có thể nói, tinh thần chiến đấu quả cảm, khí thế ra trận hào hùng của cha ông trong suốt bốn nghìn năm dựng nước, giữ nước đã sống dậy trong ngày tháng ra trận.

Chúng ta từng tự hào trước các tráng sĩ thời Trần mang tinh thần Sát Thát, về nghĩa quân Lam Sơn với sức mạnh “Đánh một trận sạch không kình ngạc – Đánh hai trận tan tác chim muông”. Và cho đến bây giờ, chúng ta lại càng tự hào về cuộc kháng chiến thần thánh của thời đại cách mạng:

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan

Các từ tượng thanh và các từ tượng hình như rầm rập, điệp điệp, trùng trùng được sử dụng một cách tài tình, diễn tả chính xác khí thế tự tin, hồ hởi bao trùm cả dòng người đang ra trận với sức mạnh như dòng thác tuôn trào, không gì có thể cản bước nổi quân ta. Hình ảnh thơ ánh sao đầu súng đậm chất lãng mạn. Nơi đầu súng của người lính cụ Hồ ngời sáng ánh sao lí tưởng cách mạng, hòa bình của niềm tin chiến thắng. Hình ảnh ánh sao đầu súng gợi liên tưởng đến hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu. Chỉ bằng một hình ảnh thơ, Tố Hữu đã tạc khắc chân dung của đoàn quân chủ lực bình dị mà cao cả.

Cùng ra trận với những đoàn quân chủ lực còn có lực lượng dân công hỏa tuyến hùng hậu. Tuy là bức tranh buổi đêm nhưng vẫn rừng rực ánh sáng – ánh sáng của đuốc đỏ, tàn lửa, đèn pha:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm, sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

“Dân công đỏ đuốc từng đoàn” và “muôn tàn lửa bay” là những hình ảnh huy hoàng, rực rỡ tái hiện không khí ra trận sôi nổi của lực lượng tiến công. Với khát vọng giải phóng đất nước cháy bỏng, những đoàn quân lấy đêm là ngày, từng đoàn, từng đoàn, với bó đuốc rực cháy trên tay hối hả nối nhau ra trận. Với bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay ấy, núi rừng như bừng thức. Sự im lặng, tăm tối bỗng bị xé toang bởi ánh sáng đèn pha. Hình ảnh “Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” vừa cực tả ánh sáng chói lòa của đoàn xe cơ giới, vừa nêu bật sự trưởng thành lớn mạnh của quân đội ta, đồng thời, nó cũng thể hiện niềm tin vào một ngày mai huy hoàng, sáng chói.

Khúc hùng ca Việt Bắc ra trận được khép lại bằng tiếng reo ca khi toàn thắng về ta:

Tin vui thắng trận trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Điệp từ “vui” được điệp đi, điệp lại nhiều lần cùng với nhịp thơ ngắn, nhanh mạnh tạo nên âm hưởng hào sảng, hùng tráng. Những cụm từ vui, vui về, vui lên tạo nên không khí phấn chấn, vui tươi, hồ hởi. Từ Việt Bắc, tốc độ của chiến thắng bùng lên, chiến thắng nối tiếp chiến thắng, niềm vui gọi niềm vui. Điểm đáng chú ý trong đoạn thơ là việc liệt kê hàng loạt các địa danh mà không làm mất đi sự hấp dẫn của đoạn thơ. Nếu ở Tây Tiến, những địa danh của Quang Dũng xuất hiện với niềm thương nỗi nhớ thì Tố Hữu lại gọi tên những địa danh lừng lẫy chiến công mà làm bừng tỉnh lòng người. Có thể nói, đây là điểm độc đáo trong thơ Tố Hữu.

Để hiểu sâu sắc hơn thì các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu phong cách nghệ thuật thơ của Tố Hữu

Bài số 4

Không chỉ phân tích đoạn thơ Những đường Việt Bắc của ta tới… này bằng cách phân tích chia làm 2 nội dung chính mà ta có thể dẫn dắt vào đề cũng như liên hệ một số câu thơ tương tự mà mình biết:

BỨC TRANH VIỆT BẮC RA TRẬN HÙNG VĨ CÙNG TIN VUI CHIẾN THẮNG KHẮP MỌI NƠI
Bài thơ “Việt Bắc” là một trong những thành công lớn của thơ Tố Hữu và thơ ca kháng chiến chống Pháp. Thông qua cuộc đối đáp có tính chất tưởng tượng của kẻ ở người đi đầy lưu luyến, vấn vương thương nhớ trong cuộc chia tay người về miền xuôi kẻ ở miền ngược sau ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng 10 – 10 – 1954, bài thơ không chỉ ngợi ca những tình cảm điển hình của con người kháng chiến mà còn tái hiện một cách chân thực và sinh động bức tranh “Việt Bắc ra trận” rất hùng vĩ qua những vần thơ hào hùng:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.

Ngay ở câu thơ đầu tiên mở đầu đoạn thơ, tác giả đã nêu lên cái nhìn khái quát chung cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đây là một cuộc chiến tranh sáng ngời chính nghĩa hợp với ý trời lòng dân. Cho nên lực lượng của ta ngày càng trưởng thành lớn mạnh không ngừng. Từ một đội quân chỉ có ba mươi tư người xuất phát từ cây đa Tân Trào hôm nào, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, hôm nay chúng ta đã có một đội quân hùng mạnh liên tiếp gặt hái được những chiến công chói lọi: Thu Đông, Sông Lô, Biên Giới… Giờ đây, chúng ta đang chuẩn bị tổng phản công bằng một chiến dịch lịch sử. Chúng ta hoàn toàn làm chủ chiến trường Việt Bắc cả về thế và lực. Cho nên đoàn quân ra trận hôm nay xuất phát từ mọi ngả đường Việt Bắc như những gọng kìm nhằm bao vây quân giặc đang co cụm ở những cứ điểm cuối cùng:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung”

“Những đường” chứ không phải “một đường” và Việt Bắc là “của ta”. Câu thơ bình dị mà chất chứa biết bao niềm tự hào về quang cảnh ra trận và khí thế của ta trên chiến trường.

Câu thơ thứ hai mở ra một bối cảnh khác, đó là ngày kháng chiến chống Pháp, máy bay địch chủ yếu hoạt động ban ngày. Do đó ta phải hành quân đêm “xưa là rừng núi là đêm” (Tố Hữu). Trên các nẻo đường Việt Bắc đêm nối đêm cứ “rầm rập” tiến quân ra trận. Từ láy “rầm rập” là một từ tượng thanh rất gợi cảm. Nó diễn tả bước chân đi đầy khí thế hăng say và sức mạnh áp đảo của một tập thể người đông đúc có đội ngũ chỉnh tề. Với từ “rầm rập” đặc sắc ấy, cuộc ra trận của quân ta bỗng trở thành một cuộc duyệt binh, diễu binh hùng tráng:

“Xuân hãy xem! Cuộc diễn binh hùng vĩ

Ba mươi mốt triệu nhân dân

Tất cả hành quân

Tất cả thành chiến sĩ”.

Vì thế mà bước chân của đoàn quân ấy đêm đêm như làm rung chuyển cả mặt đất. Hình ảnh thơ mang đậm màu sắc thần thoại.

Từ cái nhìn chung ở câu một và hai đến đây, tác giả đi vào cái nhìn cụ thể. Nếu câu trên, tác giả tả khí thế ra trận của quân ta qua ấn tượng thính giác, thì các câu sau, tác giả tả bằng thị giác: “Quân đi điệp điệp trùng trùng”. Từ láy từ “điệp điệp trùng trùng” thật giàu ý nghĩa diễn tả. Nó gợi lên trong ta những đoàn quân ra trận nối dài vô tận và rất hùng vĩ như những dãy núi kế tiếp nhau vậy. Sau này nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đã viết:

“Từ nơi em gửi tới nơi anh

Những đoàn quân trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận”

Ở đây ta lại bắt gặp một hình ảnh thơ được viết với bút pháp cường điệu mang đậm màu sắc anh hùng ca. Vì vậy sức mạnh khí thế của đoàn quân ra trận đã được nâng ngang tầm với sức mạnh của thiên nhiên sông núi.

“Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Câu thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa khái quát tượng trưng sâu xa. Trước hết nó diễn tả đoàn quân đi trong đêm, đầu súng lấp lánh ánh sao trời. Nhưng đó cũng là lấp lánh ánh sao lí tưởng:

“Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”

(Vũ Cao)

Hình ảnh tươi sáng ấy kết hợp với hình ảnh chiếc mũ nan giản dị trang bị còn thiếu thốn của anh bộ đội, tạo cho anh một vẻ đẹp bình dị mà cao cả, bình thường mà vĩ đại. Nhà thơ Chính Hữu cũng đã có câu thơ rất hay “Đầu súng trăng treo”.

Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện. Cho nên trong cuộc tổng phản công hôm nay có đủ mọi binh chủng, tầng lớp ra trận. Tiếp theo những binh đoàn bộ đội, là dân công tiếp tế lương thực, đạn dược. Cũng như những người chiến sĩ rầm rập lên đường, những nam nữ dân công cũng vào trận đầy khí thế và sức mạnh:

“Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

“Nát đá” được viết theo phép đảo ngữ, từ dùng rất bạo khoẻ vừa gợi lên được những gánh hàng rất nặng vừa nói lên bước chân đầy sức mạnh tiến công của họ. Ngày nào dân ta mơ ước “trông trời, trông đất, trông mây… trông cho chân cứng đá mềm” thì giờ đây niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực kỳ diệu ở chiến trường Điện Biên. “Muôn tàn lửa bay” lại là một hình ảnh rất đẹp. Đoàn dân công đi dưới ánh đuốc, có “muôn tàn lửa bay”. Đó là lửa của đuốc đang bay, hay có cả ánh lửa từ trái tim của những anh, chị dân công hoả tuyến? Ở hai câu thơ này, tác giả sử dụng được nhiều hình ảnh giàu màu sắc tạo hình vừa chân thực, vừa bay bổng. Đoàn dân công đi vào chiến dịch mà như thể đi trong đêm hội hoa đăng. Thật đẹp đẽ biết bao mà cũng tự hào biết bao về khí thế và niềm vui ra trận của quân ta. Đúng “cách mạng là ngày hội của quần chúng” (Mác).

Hai câu thơ cuối cùng của đoạn thơ cho ta thấy khí thế khẩn trương của cuộc kháng chiến:

“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”

Tiếp theo đoàn dân công là những đoàn xe chở vũ khí đạn được ra chiến trường. Xe nối đuôi nhau, đèn pha bật sáng trưng như ánh sáng ban ngày. Chỉ bằng một hình ảnh ấy, Tố Hữu đã diễn tả được cái đông đảo hùng mạnh của lực lượng cơ giới quân ta. Hai câu thơ có hai hình ảnh đối lập: “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” với “đèn pha bật sáng như ngày mai lên” đã làm nổi rõ được sự trưởng thành vượt bậc của quân ta và niềm tin tất thắng của những người ra trận. Mới hôm nào, chúng ta phải mai phục, nương náu nơi rừng sâu, núi thẳm hàng ngàn đêm tăm tối gian khổ “thăm thẳm sương dày” để có giờ phút bừng sáng quật khởi đầy niềm tin chói lọi này.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, “đèn pha bật sáng” để chiếu rọi hình ảnh nhân dân Việt Nam anh hùng trên vũ đài thế giới với những chiến thắng lẫy lừng:

“Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”

Hàng loạt các địa danh gắn với chiến thắng vang dội được liệt kê liên tiếp: Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, Đèo De, Núi Hồng,… Nghe trong câu thơ có cái hào sảng, có niềm tự hào của những chiến thắng “trúc chẻ tre bay” Lê Lợi diệt giặc Minh trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ngày trước:

“Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về

Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh hôi vạn dặm

Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”.

Chỉ bằng mười hai câu thơ, Tố Hữu đã khắc họa được một bức tranh cả dân tộc ra trận bằng cuộc chiến tranh nhân dân thật hùng tráng. Bức tranh không chỉ làm sống dậy một thời kì hào hùng của dân tộc ở căn cứ địa Việt Bắc đang chuẩn bị cho một chiến công “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” mà còn đem lại cho ta niềm tin yêu quê hương cách mạng anh hùng. Nó xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất của “Việt Bắc”.

Xem thêm: Phân tích bức tranh thiên nhiên tứ bình trong bài Việt Bắc

Bài số 5

CÁI TÔI THI SĨ ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA ĐOẠN THƠ NHỮNG ĐƯỜNG VIỆT BẮC CỦA TA …..
Đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu diễn tả cảm xúc đầy chất sử thi và lãng mạn của cái tôi thi sĩ về một Việt Bắc – căn cứ kháng chiến hào hùng với biết bao kỉ niệm chiến đấu và chiến thắng.

Ở những đoạn thơ trước, Tố Hữu bày tỏ nỗi niềm về Việt Bắc cảnh và người ân tình, ân nghĩa, thuỷ chung son sắt; một Việt Bắc nghèo mà chân tình, rộng mở thì ở đoạn thơ này, nhà thơ dẫn người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng với không gian núi rừng rộng lớn, với những hoạt động tấp nập, những hình ảnh hào hùng, những âm thanh sôi nổi, dồn dập, náo nức. Cách mạng và kháng chiến đã xua tan vẻ âm u, hiu hắt của núi rừng; đồng thời khơi dậy sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên, con người Việt Bắc cùng sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân kháng chiến:

Những đường Việt Bắc của ta

Ngày đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Khổ thơ tràn đầy âm hưởng anh hùng ca, mang dáng vẻ của một sử thi hiện đại. Chỉ một vài nét phác họa khung cảnh hùng tráng của cuộc kháng chiến ở Việt Bắc, Tố Hữu đã cho người đọc thấy khí thế hào hùng, mạnh mẽ của khối đoàn kết toàn dân toàn diện, của sự hoà quyện, gắn bó giữa thiên nhiên với con người – tất cả tạo thành hình đất nước đứng lên chiến đấu vì độc lập tự do, vì hạnh phúc, tương lai của dân tộc.

Bức tranh hoành tráng trước hết được thể hiện ở không gian rộng lớn, những nẻo đường chiến khu Việt Bắc giờ đây là của ta. Đêm đêm những bước chân hành quân rầm rập, làm rung chuyển của đất trời, bước chân của những con người khổng lồ đội trời đạp đất, làm nên những kì tích anh hùng.

Nổi bật lên là hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam, ý thơ phô trương sức mạnh hùng hậu: Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan, chỉ với hai câu mà tạc được bức phù điêu điệp trùng, hùng vĩ của Việt Bắc kháng chiến. Càng đẹp đẽ và sống động hơn là hình ảnh ánh sao đầu súng lấp lánh dười trời đêm, khiến người đọc nhớ đến “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu. Những câu thơ giàu chất tạo hình, vừa hiện thực, vừa lãng mạn gợi nhiều liên tưởng về vẻ đẹp của người chiến sĩ.

Hình ảnh của Dân công đỏ đuốc từng đoàn cũng kì vĩ và tràn đầy sức mạnh. Kháng chiến của chúng ta là cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện, người người đánh giặc, nhà nhà đánh giặc, nông dân miền xuôi tấp nập lên đường đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến lớn. Hình ảnh của họ thật hào hùng, hoành tráng qua câu: Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay, sự kết hợp kì diệu giữa hình ảnh thực và những liên tưởng lãng mạn bay bổng vừa làm sống dậy nguồn sức mạnh to lớn của một dân tộc, vừa thần thoại hoá sức mạnh của con người, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bước chân của họ là bước chân của những con người đội đá vá trời, rung chuyển càn khôn, đạp bằng mọi gian nguy làm nên chiến thắng kì diệu khiến thế giới phải khâm phục.

Cảm hứng sử thi lãng mạn, hào hùng đã khiến ý thơ được mở rộng đến viễn cảnh tương lai tươi sáng:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Nhà thơ sử dụng hình ảnh Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên diễn tả cảm hứng tự hào, lạc quan tin tưởng về một tương lai tươi sáng của chiến khu trường kì gian khổ. Dù hôm nay hay cả nghìn đêm đã qua, dân tộc phải chìm trong thăm thẳm khói lửa đau thương; tăm tối, mịt mù của chiến tranh, của đói nghèo thì hãy tin rằng ngày mai, ngày mai chúng ta sẽ chiến thắng. Cuộc đời sẽ rộng mở, tươi sáng như ánh đèn pha đang chiếu vào bóng tối, sương mù, mở đường cho xe ta ra mặt trận. Chúng ta sẽ được độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Nhịp thơ cũng từ cảm hứng ấy mà trở nên mạnh mẽ, dồn dập như âm hưởng bước chân hành quân của quân và dân ta, nườm nượp, trùng điệp trên những nẻo đường ra trận. Hệ thống từ vựng mở căng độ diễn tả (nát đá, thăm thẳm, bật sáng). Hình ảnh con người kì vĩ, ý thơ phóng xa vào viễn cảnh. Tất cả tạo nên một bức tranh sử thi hoành tráng để ngợi ca sức mạnh của nhân dân anh hùng, đất nước anh hùng.

Việt Bắc là căn cứ địa hào hùng, mồ chôn giặc Pháp, nhà thơ không thể không nhắc đến những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi của trăm miền hoà với những chiến công lừng lẫy cùng Việt Bắc đã đi vào sử sách của dân tộc.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Niềm vui chiến thắng tràn ngập những câu thơ, tràn vào tâm tư người đọc, niềm vui chiến thắng bất tận của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Viết về Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng, Tố Hữu không thể viết riêng về một vùng đất mà trở thành biểu tượng cho sức mạnh kháng chiến, cho linh hồn cách mạng, cho ý chí của toàn dân tộc trong cuộc trường chinh vĩ đại. Thơ ca cách mạng đã tìm được vẻ đẹp toàn bích trong thành công của bài thơ Việt Bắc. Nhà thơ nói về lí tưởng, về cách mạng, về truyền thống tinh thần của dân tộc, đất nước với tình cảm say mê nồng nhiệt, với những rung động của một trái tim yêu nước. Tiếng lòng của nhà thơ cũng là tiếng lòng của nhân dân kháng chiến, của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Leave a comment