Phân tích đoạn thơ “Trao duyên” để làm rõ nỗi đoạn trường về tình duyên lỡ bỏ
Phân tích đoạn thơ “Trao duyên” để làm rõ nỗi đoạn trường về tình duyên lỡ bỏ
Đoạn trích “Trao duyên” có thể có hai cách sắp xếp: theo bố cục bên ngoài hoặc kết cấu bên trong. Nếu bố cục bên ngoài theo tuyến tính thời gian có thể dựa vào trình tự: Kiều nhờ Vân thay mình trả nghĩa, cuộc bàn giao kỉ vật và lời dặn dò, tâm trạng của Kiều sau lúc trao duyên. Còn nếu dựa vào kết cấu bên trong lại hoàn toàn khác: “cái tôi” đạo lí theo quan niệm truyền thống khi Thúy Kiều nhờ em trả nghĩa (12 câu đầu) và sau đó là “cái tôi” cá nhân đòi hạnh phúc cho riêng mình từ lúc trao kỉ. vật và tất cả đoạn sau (22 câu tiếp nối). Ớ đây, chúng ta hãy tìm hiểu đoạn trích theo cách thứ hai, nói về “cái tôi” đạo lí: “Cậy em, em có chịu lời…”.
Một cặp câu lục bát tưởng êm xuôi mà giằng xé. Nó phản ánh một tâm trạng ngổn ngang, vì ngổn ngang mà cách nói khác thường. “Cậy em” là nói về sự gửi gắm của người nói, còn “chịu lời” lại nói đến người nghe. Rồi sau đó, trình tự đã đảo ngược: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Tâm trạng Kiều rối bời vì cảnh ngộ cùng đường (thời cơ duy nhất trước lúc phải đi xa), cũng còn vì nói ra cái điều khó nói (Hở môi ra cũng thẹn thùng – Để lòng thì phụ tấm lòng với ai). Hai câu thơ gần với khẩu ngữ không còn chú ý đến sự cân nhắc, đắn đo, đường ranh giới giữa văn chương với cuộc sông mờ nhòe, chỉ còn đây một tấm lòng run rẩy. Thế mà hàm súc, thiết tha! Để “thưa” gửi cái điều vô cùng hệ trọng, cần đến ba động tác (cậy em, chịu lời, ngồi lên cho chị lạy), có gì đó như quá lời, nhưng hình như với Thúy Kiều, nó vẫn còn như chưa đủ. “Cậy em” là nhờ vả, một sự nhờ vả được đóng đinh với lòng tin gửi gắm trong quan hệ chị em ruột thịt (chị ngã em nâng) thâm tình, cốt nhục. Nhưng đó là ý chị, còn phải tùy em: “em có chịu lời”. “Chịu” ở đây là chấp nhận thiệt thòi. Vì tơ duyên mà Vân thay Kiều tiếp nối là một “mốì tơ thừa” do chị sắp đặt, gán ghép. Điều ân nghĩa của Vân không phải sau này (ví như kiếp sau) Kiều sẽ không quên mà ngay lúc này đây: Kiều vái em một lạy. Riêng một điều đó thôi cũng đủ chứng tỏ lời nhờ cậy còn lớn hơn người nhờ cậy rất nhiều. Nó cao hơn sinh mạng của kẻ phát ngôn. Kiều là thế. Trong trường hợp phải cân nhắc giữa mình và người, nàng hoàn toàn là một nhân cách vị tha thứ chưa bao giờ vị kỉ. Kể cả trong lĩnh vực tình yêu, một tình yêu mà chỉ cần nhắc tới nó thôi là vị say đắm, ngọt ngon đã thảo thơm trên đầu lưỡi:
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Thật ra thì trao nhau kỉ vật chỉ có một lần, thề ước cũng chỉ có một đêm, nhưng hai từ “khi” đặt vào đây: tất cả đã được nâng cấp. Những lần gặp gỡ không nhiều với chàng Kim của nàng bỗng biến thành ngày hội, ngày hội của tình yêu mà đời người con gái chí có một lần. Phải hi sinh cái điều quý giá ấy, phải nhường nó lại cho em, đau đớn nhường nào, nhưng Kiều phải làm bằng được. Bởi cái tình tuy lớn, cái nghĩa còn lớn hơn. Hi sinh mà hiểu được cái giá của sự hi sinh, tính nhân bản trong con người đạo lí của nàng Kiều không còn đơn giản nữa.
Song, Vân không nói. Chắc Vân đã vì chị mà nhận lời. Mọi sự sẽ êm xuôi không còn gì đáng kể, chỉ cần vài thủ tục như bàn giao kỉ vật, dặn dò vài câu lấy lệ là xong (vì cái mà Kiều cần đã có, mong muôn đã toại nguyện). Nhưng không. Một cơn gió trái chiều bỗng nhiên xuất hiện. Nó xuất hiện một cách bất ngờ, khi cái tôi của riêng nàng, cái tôi cá nhân khao khát tình yêu, đòi được tình yêu lên tiếng. Bắt đầu từ nghi thức bàn giao:
Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Hai chữ “của chung” thật là đau đớn! Hơn ai hết, Kiều biết bàn giao như thế là không minh bạch, nhưng tình yêu làm sao có thể sòng phẳng, rạch ròi. Tình yêu là của trái tim làm sao có thể chia đôi, đó là chưa nói khi mất nó rồi, con người ta lấy gì để sống? Cách nói không dứt khoát của Kiều phản ánh một sự giằng co giữa mất và còn, cái hữu hình thì muốn trao tay còn cái vô hình thì muốn giữ lại. Chỉ cần thay từ “của chung” ấy bằng từ “của em” thì câu thơ có thể sẽ còn nhưng con người đã mất. Nguyễn Du không làm thế, bởi nếu làm thế thì không phải với nàng Kiều, không phải với con người cá nhân mà thời đại bão táp của ông đòi giải phóng.
Ngòi bút đau đớn của Nguyễn Du cứ phổ vào ngôn ngữ Thúy Kiều với nỗi đau giằng xé mãi không thôi: “Dù em nên vợ nên chồng”. Tại sao không phải: “Rồi em nên vợ nên chồng’”? Một câu giả định và một câu khẳng định có khoảng cách rất xa như một tiếng thở dài bất lực vừa buông xuôi vừa mơ hồ, tiếc nuôi. Đó là sự thổn thức tiếp theo, một sự níu kéo dù rất vô tình, ấy là con người “thứ hai” của Thúy Kiều lên tiếng. Không chỉ có thể, cái ý “của chung” một lần nữa cất lên: “Mất người còn chút của tin / Phún đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”. Cứ thế, Kiều ôm mãi cái thứ gọi là “của chung” đó vào lòng, không lúc nào buông rơi, đoạn thơ cứ thảng thốt dần, xa vắng dần. Kiều đã nghĩ lúc minh sống mà như chết, trở thành một ọan hồn chỉ có thể hiện về trong gió trong cây sưỏi nhờ hơi ấm của lò hương và nghe lại tiếng đàn của đêm thề nguyền xưa. Trong tấm lòng đau đáu của Nguyễn Du, Thúy Kiều, Đạm Tiên, Tiểu Thanh… như những người đồng cảnh ngộ “Son phấn có thần chôn vẫn hận/ Văn chương không mệnh đốt còn vương” (Đọc Tiểu Thanh kí). Cái đau cho nhân vật mà nhà thơ sáng tạo ra hay cái đau của chính bản thân mình trong đó.
Bởi vậy, lời giã từ Kim Trọng, giã từ tình yêu với Kim Trọng khi “của chung” đã thành “của riêng”, cái mà nàng níu giữ đã không còn. Nó thôhg thiết, đớn đau như máu chảy ra đầu ngọn bút: trâm đã gãy, gương đã tan. Cảm giác mất mát thực sự cồn lên, cuồn cuộn dâng trào, đồng thời với “trăm ngàn” tan nát:
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Đến đây, con người cá nhân và con người đạo lí sau một trường đoạn tách ra đã nhập lại. Thay thế cho niềm thương xót bản thân, Kiều xót thương cho chàng Kim vì mình mà dang dở. Nàng cảm thấy có lỗi với một kẻ chung tình:
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lã làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Hai khái niệm “bạc” và “phụ” ở đây không cùng nằm trong một trường nghĩa. “Bạc” trong văn cảnh không phải là bội bạc, mà chỉ là phận mỏng (hồng nhan bạc mệnh). Hai chữ “đã đành” giông như một lời thanh minh, tuy ngậm ngùi nhưng giông như một sự giải thoát. Nhưng vì sao Thúy Kiều vẫn canh cánh một mặc cảm như một kẻ phụ tình? Thì ra, dù trao duyên, dù dặn em thay lời, nhưng vẫn còn là chưa đủ. Tình, nghĩa là chuyện ơn sâu, đền đáp đến mấy cũng chỉ là trong muôn một mà thôi. Day dứt đó của nhân vật vừa là tiếng nói của đạo lí, vừa thâm đẫm chất nhân văn nâng con người ta lên đến tầm cao cả.