Phân tích hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

0

Đề bài: Qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, em hãy phân tích hình tượng người nông dân nghĩa sĩ mộc mạc, chất phác nhưng nghĩa khí, dũng cảm lần đầu tiên xuất hiện trong một tác phẩm văn học

Bài văn mẫu

Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu, ta không chỉ nhớ về tác phẩm Lục Vân Tiên mà ông còn có rất nhiều bài văn tế có giá trị nghệ thuật, một trong những tác phẩm đó là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tác phẩm đã khắc họa thành công chân dung người nông dân nghĩa sĩ mộc mạc, chất phạc nhưng vô cùng nghĩa khí, dũng cảm đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm văn học.

Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh thực dân Pháp nổ súng xâm lược ta, nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Nghĩa quân Cần Giuộc đã giành thắng lợi bước đầu. Sau đó giặc không ngừng phản công dữ dội, trước sự phản công đó 20 nghĩa sĩ bị giết chết. Bấy giời, tuần phủ Gia Định lúc bấy giờ là Đỗ Quang đã yêu cầu Nguyễn Đình Chiểu viết một bài văn tế để đọc trong lễ truy điệu của các nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Hình ảnh người nông dân trong văn học trung đại Việt Nam không phải lần đầu tiên xuất hiện, mà ta đã bắt gặp trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:

Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới

Trong tác phẩm này Nguyễn Trãi đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân đối với đất nước song ông lại chưa làm rõ được vẻ đẹp anh dũng kiên cường của họ. Chỉ đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vẻ đẹp chân chất giản dị mà hết sức kiên cường, dũng cảm của họ mới được thể hiện một cách đầy đủ nhất.

Trước khi thực dân Pháp xâm lược họ là những người nông dân chất chất, mộc mạc: “Nhớ linh xưa/ Cui cút làm ăn, toàn lo nghèo khó/ Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường cung; chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ”. Họ – những người nông dân vốn chỉ sinh sống trong không gian hết sức nhỏ bé, đó là ngôi làng họ từng sinh ra và lớn lên. Sau lũy tre làng ấy họ cần cù, chăm chỉ làm ăn, cuộc sống tuy nghèo khó nhưng rất đỗi yên bình, họ chưa biết đến kiếm cung. Tay họ vốn chỉ quen việc cày, việc bừa, còn việc tập khiên, tập súng mắt họ chưa từng ngó lấy một lần. Họ rất xa lạ với công việc nhà binh, chỉ quen với việc đồng áng. Họ là những con người hết sức giản dị, mộc mạc.

Điều khiến họ trở thành những người nông dân nghĩa sĩ ấy chính là khi quân giặc xâm lược, niềm mong mỏi về sự cứu giúp của triều đình chìm trong vô vọng “trông tin quan như trời hạn trông mưa”. Lòng họ cuộn trào nỗi căm thù giặc sâu sắc: “Bữa thấy bòng bong che trắng lộp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra căn cổ”. Trước tình cảnh ấy, làm sao người nông dân có thể chịu đứng yên, nhìn chúng giày xéo đất tổ. Cho nên ho đã đi đến quyết định vùng lên chống lại những kẻ xâm lược bất nhân. Như vậy với lòng căm thù giặc, ý thức trách nhiệm với đất nước đã khiến cho họ từ những người nông dân hiền lành thành những người có nghĩa khí, không màng đến sự sống chết của bản thân, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Đây chính là vẻ đẹp truyền thống trong tâm hồn người Việt, khi giặc xâm lăng mới có cơ hội được bộc lộ rõ nét.

Điều kiện đi đánh giặc của họ hết sức nghèo nàn, thiếu thốn: “Mười tám ban võ nghê, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố”“Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ”. Thì ra bước vào trận quyết đấu họ lại chỉ được trang bị hết sức thô sơ như vậy. Họ không phải những người lính chuyên nghiệp, được rèn luyện binh đao, chẳng qua họ chỉ là những người dân cày, vì nước mà tình nguyện lên đường. Quần áo vũ khí họ cũng không được trang bị, có thứ gì họ mặc thứ ấy: manh áo vải trong tay và chỉ có thêm chiếc gậy tre dao phay hoặc rơm con cúi. Họ phải làm thế nào để có thể chống đỡ được những vũ khí lợi hại của kẻ thù.

Mặc dù được trang bị hết sức thô sơ, nhưng không vì thế mà làm chùn bước những người nông dân nghĩa sĩ. Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện vô cùng sinh động không khí hào hùng của trận đánh. Họ mang theo “hỏa mai bằng rơm con cúi” vậy mà cũng đốt được ngôi nhà dạy đạo; gươm đao của họ chỉ là lưỡi dao phay nhưng đã giết chết hai tên quan của giặc. Hành động của họ vô cùng mau lẹ, dứ khoát “đạp rào lướt tới” “xô cửa xông vào”không sợ những kẻ có vũ khí mạnh, liều mình vào chỗ hiểm nguy như chẳng có chuyện gì xảy ra. “Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ”. Họ là những con người vô cùng kiên gan, dũng cảm, họ bất chấp hiểm nguy, hòng tiêu diệt bằng được những kẻ ngoại xâm. Lời văn vô cùng mãnh liệt, rắn rỏi, thủ pháp đối được vận dụng tài tình đã tái hiện lại một cách đầy đủ không khí của trận chiến, nó xứng đáng là “một thiên anh hùng ca tuyệt diệu. Ngòi bút thật hoàn toàn xứng đáng với hành động cao cả của nghĩa sĩ nông dân” (Lê Trí Viễn). Dù trong trận chiến ấy, những người nghĩa sĩ nông dân có thất bại nhưng hình ảnh anh dũng, quả cảm của họ vẫn con sống mãi trong lòng những người ở lại. Đồng thời cái chết của họ cũng là lời khẳng định cao nhất, ý nghĩa nhất cho sự quả cảm, họ sẵn sàng hi sinh vì độc lập của nước nhà.

Xây dựng chân dung người nghĩa sĩ nông dân tác giả đã sử dụng ngôn tử giản dị, dễ hiểu, nhưng lời ăn tiếng nói của người dân. Thủ pháp đối lập được vận dụng triệt để vừa cho thấy những khó khăn đồng thời thấy được vẻ đẹp nhân cách của họ. Giọng điệu khi hào hùng, khi cảm thương, xót xa.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công hình ảnh những người nông dân nghĩa sĩ. Họ hiện lên vừa giản dị, mộc mạc, vừa anh dũng kiên cường. “Lần đầu tiên trong lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng dân tộc đã đề cập trực tiếp đến người nông dân chân lấm tay bùn và đưa họ từ chỗ vô danh tiểu tốt lên thẳng vinh quang của vũ đài lịch sử, trở thành nhân vật trung tâm của cuộc chiến chống ngoại xâm cứu nước của lịch sử”.

Leave a comment