Phân tích lời tuyên bố khẳng định chủ quyền độc lập trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

0

Các ý chính:

Việc giành độc lập: Làm sáng tỏ quan hệ Pháp – Việt, ràng buộc Đồng minh vào việc công nhận Việt Nam độc lập – Việc giữ độc lập; sự quan tâm của cả dân tộc.

Phân tích lời tuyên bố khẳng định chủ quyền độc lập trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

Bài làm

– Trên cơ sở pháp lí vững chắc và cơ sở thực tế hiển nhiên, phần cuối cùng của bản Tuyên ngôn là những lời tuyên bố trang trọng của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới trước quốc dân đồng bào và trước nhân dân toàn thế giới. Sau gần 100 năm bị đô hộ, đây là lần đầu tiên tiếng nói tự hào vang lên khẳng định mạnh mẽ việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Muốn vậy phải làm sáng rõ mối quan hệ giữa Việt Nam với Pháp bởi vì có thể nhiều người trên thế giới cho rằng Việt Nam là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng Đồng minh thì người Pháp có quyền trở lại thuộc địa của họ. Do đó, trước hết bản Tuyên ngôn bác bỏ chủ quyền của Pháp đối với Việt Nam và tuyên bố Việt Nam hoàn toàn độc lập Với Pháp, thoát khỏi quan hệ thực dân với Pháp; xóa bỏ mọi hiệp ước mà Pháp đã kí về Việt Nam; xóa bỏ mọi đặc lợi, đặc quyền của người Pháp trên đất nước Việt Nam; kiên quyết chống lại âm mưu đen tối của thực dân Pháp nhằm tước bỏ chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, bản Tuyên ngôn còn ràng buộc các nước Đồng minh vào việc công nhận Việt Nam độc lập. Lí do thứ nhất là, các nước Đồng minh đã thừa nhận “nguyên tắc dân tộc bình đẳng” thì họ không thể không công nhận chủ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Lá do thứ hai là, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu chống thực dân Pháp và đứng về phía Đồng minh chống phát xít Nhật cho nên “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

– Nhưng độc lập chủ quyền chỉ được giữ vững khi toàn dân tộc chung sức chung lòng, quyết tâm bảo vệ đất nước của mình, do đó bản Tuyên ngôn trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Như vậy là, bằng lí lẽ và sự thật, bằng ý chí và quyết tâm, bản Tuyên ngôn đã khẳng định quyền được hưởng độc lập, khẳng định thực tế độc lập và khẳng định lời thề giữ vững độc lập của dân tộc Việt Nam. Đấy cũng chính là góp phần vào việc bảo vệ “nguyên tắc dân tộc bình đẳng” của nhân loại tiến bộ.

Leave a comment