Phân tích một bài ca dao mà em yêu thích
Mẹ ru con bên nôi, trai gái tự tình bên cối gạo, những người chống đò hát với đêm trăng, họ đã truyền từ đời này qua đời khác các câu thơ tuyệt vời của họ. Những câu thơ tuyệt vời mà nhà thơ Chế Lan Viên nói đến ấy chính là vần điệu dân gian đó. Ca dao có một sức lôi cuốn rất mạnh mẽ đối với con người Việt Nam bởi nó rất gần và hoà hợp với suy nghĩ, tâm hồn của nhân dân ta. Từ những lời vui, buồn, hồn nhiên đến những câu ca dao kể chuyện rất đơn giản, tự nhiên như:
Đu tiên mới dựng năm nay
Cô nào hay hát kỳ này hát lên
Tháng ba nô nức hội đền
Nhớ ngày giỗ tổ bốn nghìn năm nay
Dạo xem phong cảnh trời mây,
Lô, Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về.
Khắp nơi con cháu ba kỳ,
Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài
Sở cầu như ý ai ai
Xin rằng nhớ lấy mùng mười tháng ba.
Hoà vào không khí nô nức của ngày giỗ tổ Hùng Vương, ta cùng tìm hiểu nếp sinh hoạt trong ngày lễ hội của ông cha ta từ những thế kỉ trước.
Nguyên nhân chủ yếu giúp cho dân tộc Việt nam được rực rỡ, vững bền như ngày nay là do dân tộc Việt Nam có một truyền thống đoàn kết, yêu giống thương nòi. Chúng ta tự hào là dòng dõi con Rồng cháu Tiên và càng gắn bó với nhau hơn khi trước kia ta cùng ở
trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Thế cho nên truyền thống dân tộc là một cái gì trừu tượng nhưng rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam. Dù thành đạt hay trắc trở trong cuộc sống, ta đều hướng về tổ tiên, cha ông với tấm lòng thành kính:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Về đất tổ Hùng Vương, ta gặp ngày vui của dân tộc rất rộn ràng, lành mạnh:
Đu tiên mới dựng năm nay
Cô nào hay hát, kỳ này hát lên.
Tháng ba nô nức hội đền
Nhớ ngày giỗ tổ bốn nghìn năm nay.
Ngày hội đền Hùng mỗi năm tổ chức một lần vào ngày mười tháng ba. Và mỗi lần như thế nhân dân ta lại tổ chức một cuộc vui thật sôi nổi. Khởi đầu bài ca tạo không khí lễ hội bằng hình ảnh đu tiên và lời khích lệ: cô nào hay hát., hát lên. Mừng thêm một tuổi cho đất nước, cho dòng giống Lạc Hồng, mừng một năm vui vẻ, an khang thịnh vượng, ngày hội lớn của dân tộc là một ngày nô nức những người đi về nguồn. Cõi lòng thành kính hướng về tổ tiên, cha ông, người già vui trong cảnh khói hương. Các cụ trầm ngâm, trong lòng ầm ĩ nỗi vui sướng vì bằng lòng với cuộc sống hiện tại và hy vọng đến tương lai con cháu sẽ còn tốt đẹp hơn. Thanh niên nam nữ vui chơi hết lòng, nhiệt tình đúng như bản tính muôn đời của tuổi trẻ. Từng cặp nam nữ nhún lên nhún xuống theo điệu hát nhịp nhàng, chiếc đu tiên lúc nâng bổng lên trời, lúc là mặt đất. Tâm hồn trai gái trẻ trung thanh thản, vui sướng trước bao nhiêu cặp mắt của mọi người âu yếm dõi theo. Ngày giỗ tổ Hùng Vương vui vẻ mà đầm ấm quá. Mọi người tham gia vui chơi nhiệt tình và tự nguyện, không ai ép buộc ai. Ai hay hát, thích hát thì cứ hát lên, đu tiên mới dựng mời chào tất cả mọi người. Đó chính là một nét đẹp đáng quý của dân tộc Việt Nam. Lời ca dao nhẹ nhàng giản dị, nửa như chào mời người ta đến với hội đền với hội đền vui vẻ qua hình ảnh đu tiên, tiếng hát. Nửa lại như nghiêm khắc nhắc ai là người dân Việt Nam thì phải giữ trọn đạo lý dân tộc, phải nhớ ngày giỗ tổ bốn nghìn năm nay. Ông cha từ xưa đã nhớ ngày mười tháng ba thì ngày nay ta phải nhớ, phải tổ chức lễ hội dân tộc để phát huy truyền thống, nêu gương cho con cháu đời sau. Nếu không thì sẽ mang tội với dân tộc, với tổ tiên.
Ngày giỗ tổ không chỉ là ngày nhớ đến ông bà, tổ tiên mà còn là dịp để mọi người dân mọi nơi về sum họp, ngắm cảnh trời mây, non nước:
Dạo xem phong cảnh trời mây,
Lô, Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về,
Khắp nơi con cháu ba kỳ,
Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương, không phải chỉ những người con xứ Bắc tìm về tổ tiên mà là tất cả con cháu ở khắp mọi miền đất nước đều về đông đủ. Khi đi qua những đám hội nồng nhiệt tiếng cười nói, tác giả dân gian muốn tìm phút bình yên hứng thú cùng trời mây nên đã dạo tha thẩn. Chính lúc này tác giả dân gian ấy đã gặp cảnh hợp quần hùng vĩ và trang nghiêm của sông Lô, sông Đà, núi Tam Đảo. Dường như sông núi cũng tụ hội về. về dự giỗ tổ Vua Hùng, có đầy đủ con cháu của ba miền Trung, Nam, Bắc. Ngày thiêng liêng của cả dân tộc cho nên nó cũng là nơi mọi người khắp nơi về sum hợp. Bởi vì: con người có tổ có tông cho nên phải tìm về tổ tông; lá rụng về cội, thì lẽ nào con cháu ba miền không thể quay đầu về đất tổ Hùng Vương? Bởi thế nên:
Sở cầu như ý ai ai
Xin rằng nhớ lấy mùng mười tháng ha.
Chúng ta tự hào là con cháu của một dân tộc suốt bốn ngàn năm văn hiến. Ngoài lòng kiên quyết đấu tranh giữ nước, giữ nhà, ngoài tình yêu quê hương đất nước thiết tha, nhân dân ta còn có một truyền thống văn hoá tốt đẹp: Đó là ơn cha nghĩa mẹ, kính thầy, yêu trẻ, kính già. Cám ơn các tác giả dân gian đã cho ta biết thêm về ngày hội đền Hùng, về một ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Bỗng nhiên ta cảm thấy thêm yêu, thêm quý, thêm tự hào về đất nước Việt Nam xinh đẹp. Bài ca dao đã kết thúc như cái âm điệu nhẹ nhàng, vui vẻ mà đầm ấm tình người vẫn đọng mãi. Tự nhiên em lại có một ước muốn nhỏ. Rằng một ngày mười tháng ba nào đó, ước gì em được dự buổi lễ tổ Hùng Vương. Với tấm lòng thành kính ông bà có sẵn trong dòng máu Việt Nam, em hiểu rằng ước mơ đó không khó thực hiện.
Theo câu ca dao bình dị mà nao nức, về đất tổ là về trẩy hội, là hành hương về cội nguồn, tìm những niềm vui tinh thần rất đầm ấm, rất văn hoá, để nghe hát, chơi đu, xem phong cảnh và nhớ hoài ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.