Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài

0

Bài làm

Tô Hoài là một nhà văn cách mạng tiêu biểu trong nền văn học hiện đại của nước ta. Trong các tác phẩm của ông hình ảnh người nông dân nghèo trong xã hội cũ được hiện lên vô cùng chân thật. Sự bất hạnh, bị bóc lột, bị chà đạp tước đoạt quyền làm người khiến cho những người nông dân này phải rơi vào đường cùng không lối thoát. Chính Tô Hoài đã cho họ sự hy vọng, hướng đi về một tương lai mới.

Vợ chồng A Phủ là thành quả lao động của một chuyến đi vi hành lên vùng Tây Bắc của tổ quốc. Tại đây tác giả Tô Hoài đã nhìn thấy nhiều mảnh đời bất hạnh, những số phận bị chà đạp một cách nghiệt ngã. Cuộc sống một con người nhưng thực chất không khác nào kiếp sống của loài vật bị coi như tôi tớ, nô lệ cho chế độ cầm quyền. Trong cuộc sống khó khăn như vậy nhưng sức sống của người nông dân vẫn vùng lên mạnh mẽ. Họ khát khao có một cuộc sống tự do, được làm chủ chính cuộc đời mình. Nhân vật A Phủ là một điển hình tiêu biểu.

A Phủ là một người có tính tình ngay thẳng, tốt tính, có sức khỏe của một chàng trai đang độ xuân xanh có thể “bẻ gãy sừng trâu” nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Bố mẹ anh không may qua đời sớm bỏ anh lại một mình trải qua nhiều khó khăn, cơ cực, nhưng anh vẫn đi làm thuê làm mướn tự mình mưu sinh. A Phủ sống như cành cây, ngọn cỏ giữa rừng xanh,. Chính sự khó khăn, tuổi thơ bần hàn, nghèo khổ đã rèn luyện cho A Phủ có những đức tính vô cùng quý báu. Anh gan ra, gai góc, là một người có khí phách không một thế lực nào có thể trói được anh.

Trong dịp Tết ngày vui của người dân khi đất trời nở hoa, báo hiện một năm mới về A Phủ đã cùng đi chơi với nhiều trai làng. Anh chơi khèn, con quay, quả bao để tìm cho mình một người con gái ưng ý. A Phủ to khỏe như con trâu lại là một người đàn ông giỏi nhiều việc nên đám con gái trong bản rất ưng cái bụng
Nhưng khổ nỗi gia cảnh A Phủ quá nghèo nàn, cha mẹ không có, không có tiền bạc ruộng nương, nhà cửa, trâu bò gì cả. Nếu anh lấy vợ thì làm sao mà nuôi nổi người ta, nên nhiều cô gái trong bản em ngại không dám tiến tới với A Phủ. Vì vậy, A Phủ vẫn phải sống kiếp cô độc, lẻ bóng một mình.

Trong mùa xuân năm ấy, A Phủ đi chơi và có gây ra xích mích với A Sử con của một người có tiền và chức vị trong bản làng. Trong cuộc chiến đấu một đấu một. A Phủ hoàn toàn chiếm ưu thế bởi anh có sức khỏe, lại vô cùng nhanh nhẹn. A Sử bị A Phủ đánh cho rất nặng, khiến toàn thân đau nhừ. Người hắn thâm tím nhiều vết thương. Nhưng đây lại là hậu họa, là nguyên nhân tạo nên mối thù cho những kẻ có quyền thế tiền bạc với những người nông dân nghèo tay trắng. Nhà thống lý Pá Tra là một gia đình có chức tước có địa vị tiếng nói trong bản vô cùng ghê gớm. Chính vì vậy hắn đã tìm đủ mọi cách gọi quân gọi người tìm mọi thủ đoạn để bắt được A Phủ về trị tội. Bọn chúng coi A Phủ như là con vật chúng trói anh lại đánh đập dã man từ sáng tới tối.
Gia đình nhà thống lý Pá Tra chính là hiện thân của giai cấp cầm quyền trong chế độ phong kiến. Một chế độ chuyên bóc lột người nông dân thấp cổ bé họng tới tận xương tủy. Bọn chúng đánh đập A Phủ dã man coi anh như con vật, nhìn A Phủ lúc đó thật đáng thương “A Phủ chỉ im lặng như tượng phật” sự im lặng thể hiện sự căm hận, sự khinh bỉ của anh với tầng lớp bóc lột. Nó làm một hành động ngấm ngầm của sự chống đối trong con người A Phủ.

Rồi gia đình nhà thống lý bắt A Phủ làm nô lệ cho họ suốt đời vì tội dám mạo phạm đánh con trai họ là A Sử. Thực chất đó chỉ là cái cớ nguyên nhân sâu xa là họ thấy A Phủ khá to khỏe, mạnh như con trâu mộng có thể làm lợi rất nhiều cho kinh tế nhà họ. Nên thống lý mới tìm cách ép A Phủ phải làm tôi tới, nô bộc cho mình. Điều này thể hiện sự tàn nhẫn, áp bức bóc lột con người tới mức đường cùng. A Phủ đánh con trai họ nhưng nhà thống lý cũng đánh A Phủ rất nhiều vậy còn chưa hả dạ hay sao, mà bắt anh làm nô lệ.

Hành động này thể hiện sự lộng quyền của bọn địa chủ cầm quyền trong xã hội phong kiến. Bọn chúng muốn làm gì thì làm không hề có pháp luật, vương pháp những người dân hiền lành thấp cổ bé họng thì chỉ như con vật, kêu trời trời không thấu, kêu đất đất không thưa.

Những con người trong xã hội cũ bị chà đạp, bị tước quyền làm người rất nhiều. Ngay trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” không chỉ có nhân vật A Phủ bị tước đoạt quyền làm người, bị vùi xuống đáy xã hội, mà nhân vật Mị cũng là một nhân vật vô cùng đáng thương. Mị là cô gái xinh đẹp nết na, nhưng bị A Sử bắt trói về làm vợ, nhiều lần Mị định ăn lá ngón tự vẫn nhưng do thương cha mẹ, sợ cha mẹ gia đình mình sẽ bị gia đình thống lý Pá Tra kiếm cớ để hỏi tội, nên cô đành ngậm đắng nuốt cay sống kiếp con rùa trong gia đình nhà thống lý.

Mang tiếng là con dâu trong gia đình nhà giàu có của ăn của để nhất nhì bản. Nhưng cuộc sống của Mỵ không khác nào nô lệ, phải làm việc vô cùng vất vả và có thể bị đánh đập, hành hạ bất cứ lúc nào nếu chồng hoặc nhà chồng cảm thấy ngứa mắt.

Hai con người hai mảnh đời số phận giống nhau, chính sự giống nhau này đã đưa đẩy họ đến với nhau làm ra một cuộc cách mạng thay đổi cuộc đời mình. Một lần A Phủ thả trâu bò làm mất một con nên anh lại bị gia đình thống lý trói vào đánh đập. Mị thì do làm trái ý chồng, bị chồng A Sử trói vào đánh đập và không cho ăn. Hai con người với thân phận nô lệ bị cầm tù về thể xác và tâm hồn, đã nhìn thấy nhau trong cảnh hoạn nạn.

Chính trong giây phút đó, họ chợt nhận ra mình cần phải mạnh mẽ, cần phải giải thoát cuộc đời của chính mình nên tác giả Tô Hoài đã vô cùng nhân văn khi để nhân vật Mỵ tự cởi trói cho mình và giải thoát A Phủ.
Hai người đã dắt tay nhau cùng trốn đi. Họ đi theo tiếng gọi của Việt Minh đi tìm ánh sáng của chân lý, đi giải phóng cho chính mình thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than.

Nhà văn Tô Hoài đã vô cùng xuất sắc khi xây dựng nhân vật A Phủ. A Phủ là sự điển hình của người nông dân trong xã hội cũ bị chà đạp, bị áp bức tới đường cùng nhưng dù như thế trong A Phủ vẫn luôn khao khát một cuộc sống mới, cuộc sống tự do làm chủ đời mình.

Leave a comment