Phân tích thái độ nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù

0

Đề bài: Phân tích thái độ nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Bài làm

Nguyễn Tuân một trong những gương mặt tiêu biểu, độc đáo nhất của văn học lãng mạn. Trước cách mạng ông tìm về quá khứ của một thời chỉ còn vang bóng với những thú vui hết sức tao nhã: ăn kẹo mạch nha, uống trà thưởng trăng,… và một trong những thú vui đó chính là chơi chữ. Thú vui này đã được tái hiện đầy đủ trong tác phẩm Chữ người tử tù. Nhưng tác phẩm không chỉ đơn thuần là sự tái hiện nét chữ cuối cùng của người tử tù Huấn Cao mà đó còn là hành trình nhận thức, để trân trọng tấm lòng biệt nhỡn của quản ngục.

Mang trong mình hùng tâm, tráng trí chọc trời khuấy nước, Huấn Cao nổi loạn chống lại triều đình, nhưng khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt giam chờ ngày xử án. Trong quãng thời gian chờ ngày xử án ông đã gặp viên quản ngục. Lần giáp mặt đầu tiên giữa Huấn Cao với quản ngục, Huấn Cao tỏ ra vô cùng khinh bạc. Khi đứng trước viên quản ngục, ông cùng các đồng chí của mình vẫn rỗ gông “đánh uỳnh một cái” không thèm để ý đến những lời dọa nạt của bọn lính quản ngục. Cuộc đời ông tung hoành ngang dọc, chọc trời quấy nước, đến cái chết chém ông còn không sợ thì sao có thể run rẩy trước lời thị uy, ra oai, trước những ngón đòn tiểu nhân của chúng được.

Những ngày sau đó, Huấn Cao vẫn tự nhiên nhận những đồ ăn, thức uống mà quản ngục biệt đãi riêng cho mình, nhưng ông vẫn dửng dưng, không hề vồn vã: “Suốt nửa tháng, ở trong buồng tối, ông Huấn Cao vẫn thấy một người thơ lại gầy gò, đem rượu đến cho mình uống trước giờ ăn bữa cơm tù với một thái độ cực kì lễ phép” “Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, lúc chưa bị giam cầm”. Ngày viên quản ngục đến gặp Huấn Cao, quản ngục đem những lời lẽ chân thành ngợi ca ông và hỏi ông cần gì để mình chu tất hơn, đáp lại sự ân cần đó, Huấn Cao chỉ đáp lại một cách trịch thượng: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều: là nhà người đừng đặt chân vào đây”. Đó là thái độ bất cần, không hoảng sợ trước uy lực của quyền thế. Dù quản ngục có biệt đãi như vậy hay hơn thế nữa, thì nhất quyết Huấn Cao cũng không vì thế mà đánh mất phẩm chất, khí phách của bản thân.

Nhưng thái độ của ông đã thay đổi hẳn khi biết tâm nguyện cao đẹp, đáng trân trọng của viên quản ngục. Trước những lời tường thuật hết sức chân thành của thầy thơ lại, Huấn Cao đã hiểu hết cả sự biệt đãi riêng mà quản ngục dành cho mình cũng như cho những người bạn của mình, cái thái độ khúm núm khi lần trước vào diện kiến ông, sự lễ phép và những món đồ biệt đãi vẫn mang vào bình thường như trước. Thì ra không phải quản ngục muốn khai thác thêm thông tin gì từ ông, mà thực chất quản ngục khâm phục tài năng và ý chí của mình mà làm như vậy. Ông đã hiểu tất cả tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục với mình. Và đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Về bảo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ” “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm long trong thiên hạ”. Huấn Cao cảm động thực sự trước tấm lòng biết yêu cái đẹp và quý trọng người tài của quản ngục. Trong câu nói đó vừa là sự trân trọng đối với quản ngục, vừa chứa cả sự ân hận, tự trách về thái độ kinh bạc của mình đối với quản ngục trước đây.

Ngay trong đêm đó, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có diễn ra nơi ngục tù tối tăm, ẩm thấp. Trong buồng giam chật hẹp, dưới ánh sang tỏa ra từ bó đuốc rực sáng cùng tấm lụa trắng còn nguyên vẹn lần hồ, cả ba cái đầu chụm vào để chiêm ngưỡng khoảnh khắc cái đẹp được hình thành. Từng nét chữ Huấn Cao viết ra thể hiện chí tung hoành ngang dọc của một đời người. Từng chữ được viết xong, quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đi, thầy thơ lại run run bưng chậu mực. Quá trình tạo tác cái đẹp hoàn thành, Huấn Cao đỡ quản ngục dậy và căn dặn: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người… Tôi bảo thực đấy: Thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Quản ngục cảm động, hai hàng nước mắt chảy ra và chắp tay vái người tù một vái: “kẻ mê muội này xin bãi lĩnh”. Cái đẹp, cái thiên lương có sức cảm hóa phi thường, nó giúp con người nhận ra chân lí, lẽ phải, giúp người ra đi đúng hướng.

Không phải ngẫu nhiên mà có sự thay đổi trong thái độ của Huấn Cao đối với quản ngục. Ban đầu Huấn Cao tỏ ra khinh bạc, thậm chí căm ghét quản ngục, bởi quản ngục là đại diện cho cường quyền, cho thế lực thù địch với Huấn Cao. Bởi vậy khi bất ngờ nhận được biệt đãi, Huấn Cao càng phải đề cao cảnh giác hơn, bởi ông đã quá quen với những chiêu trò được sử dụng trong nhà tù. Hơn nữa một con người khí phách ngang tàng, chọc trời khuấy nước thì không thể chỉ vì một chút biệt đãi của quản ngục mà có thể đánh mất đi nhân cách, khí phách của bản thân. Thái độ đó hoàn toàn phù hợp với tính cách ngang tàng của Huấn Cao.

Nhưng sau đó, Huấn Cao đã hoàn toàn thay đổi khi biết được nguyện ước chân thành, tha thiết của quản ngục. Huấn Cao không chỉ là một con người có tài năng khí phách, mà còn là một người có tâm hồn đẹp, trân trọng những con người biết yêu cái đẹp. Sự thay đổi đó của Huấn Cao đã hoàn chỉnh vẻ đẹp hoàn thiện, toàn mĩ của nhân vật: ông không chỉ có khí phách mạnh mẽ mà còn là nhân cách đẹp.

Hành trình thay đổi trong nhận thức của Huấn Cao cũng là hành trình tìm thấy người bạn tri âm, để biết rằng trong cuộc đời đen bạc kia vẫn có những thanh âm trong trẻo biết quý trọng người tài, quý trọng cái đẹp. Qua đây Nguyễn Tuân cũng muốn gửi gắm đến bạn đọc thông điệp: cái đẹp có sức mạnh vô biên, nó có thể giúp kết nối những tâm hồn đồng điệu, nó làm cho con người trở nên người hơn, hướng con người đến cái đích của chân – thiện – mĩ.

Leave a comment