Phân tích tiếng cười trong truyện Tam đại con gà hay nhất
Đề bài: Phân tích tiếng cười trong truyện Tam đại con gà
Bài văn mẫu
Truyện cười là một trong những thể loại dân gian đặc sắc thường kể về những việc xấu, trái với tự nhiên trong cuộc sống, có tác dụng gây cười hoặc phê phán một cách nhẹ nhàng. Truyện cười Tam đại con gà là một câu chuyện như vậy, truyện đem đến tiếng cười hài hước, dí dỏm, phê phán những thầy đồ đã dốt còn hay giấu dốt.
Trong một câu chuyện cười, tiếng cười chỉ bật lên khi có hai điều kiện, trước hết đó phải là hiện tượng đáng cười, cái đáng cười phải chứa đựng trong nó những mâu thuẫn trái tự nhiên, nó thường đối lập với những thứ tốt đẹp. Thứ hai, người nghe phải phát hiện ra cái vô lí, cái đáng cười, chỉ khi đó câu chuyện mới có ý nghĩa.
Truyện tam đại con gà đã tạo nên tiếng cười bằng nghệ thuật gây cười đặc sắc. Trước hết tiếng cười được tạo nên mâu thuẫn tiềm tàng: anh thầy đồ đã dốt nhưng huênh hoang, hay khoe mẽ, đi đâu cũng cho rằng mình văn hay chữ tốt. Một người người tưởng anh ta tài giỏi thật, nên đã mời anh ta về nhà dạy con. Mâu thuẫn này chính là điều kiện, cơ sở để bật ra tiếng cười ở phần tiếp theo.
Vì dốt nên khi đi dạy, tất anh ta sẽ gặp nhiều tình huống phải xử lí. Tình huống đầu tiên chính là gặp chữ “kê” trong “Tam thiên tự”. Bởi dốt nát nên anh ta không biết đọc chữ ấy thế nào. Anh ta là kẻ dốt nát về kiến thức sách vở, nhưng lại vô cùng liều lĩnh đáp: “Dủ dỉ là con dù dì”, sự dốt nát đã được bộc lộ. Anh ta không chỉ dốt về kiến thức sách vở mà còn dốt về kiến thức đời sống, vì trên đời này làm gì có cón dủ dỉ, dù dì. Nhưng anh ta cũng tỏ ra vô cùng thận trọng, bảo học sinh học nhỏ, trong lòng thấp thỏm, bất an vì sợ mọi người sẽ phát hiện ra sự dốt nát của mình. Đỉnh điểm của sự dốt nát chính là hành động cúng thổ địa, xin đài âm dương ba lần, cả ba lần đều nhận được một đồng xấp và một đồng ngửa, tức là nhận được sự đồng tình của thổ địa. Có chỗ dựa về mặt tâm linh anh ta tỏ ra tự tin hơn, yêu cầu học trò đọc to, huênh hoang rằng mình tài giỏi.
Nhưng chính lúc anh ta đang ung dung, huênh hoang nhất lại bị bố của đứa trẻ, người nông dân vạch trần sự dốt nát. Sự hài hước được tăng cường hơn trong ý nghĩa : “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”. Đây là chi tiết quan trọng làm cho tiếng cười thêm phần thú vị, sảng khoái. Câu nói này cho chúng ta thấy, bản thân anh thầy đồ cũng biết mình dốt nhưng cố tìm cách chống chế nên tiếng cười vì thế mà bật lên giòn giã hơn. Dù bị vạch trần nhưng anh ta vẫn chống đối lại một cách yếu ớt: “Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ kê, mà kê nghĩa là gà. Tôi muốn dạy cho cháu đến tam đại con gà: Dủ dỉ là con dù dì/ Dù dì là chị con công/ Con công là ông con gà”. Câu nói của anh ta đã cho thấy bản chất đã dốt nhưng lại hay khoe mẽ, sĩ diện.
Với kết cấu ngắn gọn, chặt chẽ, ngay từ đầu mâu thuẫn gây cười đã được bộc lộ. Nhưng các tác giả dân gian đã khéo léo tăng kịch tính cho tình huống đó bằng cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, hợp lí. Kết hợp ngôn ngữ kể chuyện tài tình, ngôn ngữ nhân vật đặc sắc. Nghệ thuật phóng đại, cường điệu cho thấy rõ hơn cái dốt, và thói sĩ diễn hão của ông thầy đồ.
Tác phẩm lên tiếng phê phán thói giấu dốt và sĩ diện hão. Thực ra bản thân cái dốt không đáng cười mà đáng cười sự che giấu cái dốt, khoe mẽ, sĩ diện. Qua tác phẩm các tác giả dân gian cũng ngầm gửi gắm, khuyên răn mỗi chúng ta hãy mạnh dạn học hỏi để tiến bộ hơn nữa, tránh thói giấu dốt, sĩ diện hão.