Review sách Chậm Mà Chill – Triết Lý Loài lười

0

Chậm Mà Chill – Triết Lý Loài lười
Tác giả: Jennifer McCartney

Giới thiệu sách:
Sở hữu các chi dài, mỗi chi có hai hay ba ngón, lông thì hơi bờm xờm và mắt thì rất to, lười là một trong những loài động vật đáng yêu (và biếng lười) nhất hành tinh. Lười trầm mặc, thong thả, thư thái và tập trung; là linh vật xuất sắc đại diện cho phong trào từ-từ-khoai-sẽ-nhừ.
Vậy nên hãy thả lỏng, gác lại những cuộc đua tranh căng thẳng, hãy cho phép mình chậm lại một chút và chill thêm nhiều chút với những lời khuyên từ bậc-thầy-sống-chậm này.”

Về tác giả:
Jennifer McCartney là nữ tác giả best-seller của New York Time, biên tập viên cao cấp của Skyhorse Publishing. Hiện cô đang sống ở Brooklyn, New York.

Review sách:
Quyển sách này thật sự thú vị và dễ thương, bởi bằng những đặc tính của loài Lười, loài đã sinh trưởng mấy chục nghìn năm trên trái đất. Lười trầm mặc,thong thả, thư thái và tập trung; là linh vật xuất sắc đại diện cho phong trào từ từ khoai sẽ nhừ.Lối sống của chúng hoàn toàn có cơ sở cho loài người “học tập”. Mà ngẫm ra thì, “Chậm mà chill” với mình cũng giống như là có chậm lại thì mới kịp chill.

Một cái dễ thương nữa là xung quanh các triết lý còn có các bài trắc nghiệm tâm lý khá vui.Như là “Tính cách loài lười của bạn là gì? “Bữa ăn lười lý tưởng của bạn là gì?” “Bạn là kiểu người tình lười nào?”. Vừa để nhận biết tính cách, vừa để tìm ra một phần tính cách của bản thân. Rất vui.

Với một chiếc bìa màu hồng, ở giữa là một chú lười đang ngủ khá đáng yêu thì cuốn sách này đối với mình thật sự phù hợp trong khoảng thời gian nghỉ dịch.

Không giống như nhiều cuốn sách truyền cảm hứng khác, “Chậm mà chill” đem lại cho mình một cảm giác mới lạ cả về nội dung lẫn hình thức của sách. Đan xen giữa các chủ đề là những trang màu hồng với hình ảnh mình họa chú lười siêu yêu kèm theo câu trích dẫn ngắn nhưng chất. Đặc biệt là những bài trắc nhiệm đi kèm khiến mình rất hứng thú vì những phán đoán chuẩn xác của kết quả đưa ra.

Trong sách nói về các chủ đề như: tuân theo phương pháp slow để có cuộc sống đậm chất “lười” hơn, chiết lý loài lười, hay hướng dẫn thực hành ăn uống, ngủ nghỉ, chăm sóc bản thân, sở thích, tình yêu, công việc có thể áp dụng ngay trong mùa dịch.

Vì vậy hãy cùng Chậm mà chill thả lỏng, gác lại những cuộc đua tranh căng thẳng. Cho phép mình chậm lại một chút và chill thêm nhiều chút với những lời khuyên từ loài lười – một bậc thầy sống chậm.

“Chậm mà Chill – Triết lý loài lười” và 5 điều mình áp dụng vào cuộc sống…

1. Chấp nhận rằng mình là người không hoàn hảo: Mình sẽ giỏi ở một khoản gì đó và không xuất sắc lắm ở khoản khác.
Có thể điều này sẽ không đúng với những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng nó đúng với mình. Và từ khi chấp nhận rằng mình không hoàn hảo, thì mình nhìn nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn. Mình dành thời gian để hiểu mình hơn, tìm ra ưu điểm, điểm mạnh của mình (bất kể nó có là gì), tự hào về nó, và rồi tạo điều kiện cho nó có cơ hội để phát triển.

2. Tránh xa (hoặc hạn chế tối đa) các cuộc tranh cãi
Khi đi học, đi làm, hay thậm chí là khi ở nhà, việc vướng phải những cuộc tranh cãi là điều không tránh khỏi. Và mình đã áp dụng cách giải quyết mà cuốn sách trên đã chỉ ra, đó là, niệm câu thần chú: “Có thể đây là thứ mình không cần tham dự. Mình không có nghĩa vụ phải nói ra suy nghĩ của bản thân mọi lúc và phải xông pha trên mọi mặt trận.”
Nhờ điều này, mình tránh được khỏi kha khá những lùm xùm và rắc rối không đáng có.

3. Quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình
Phần hai trong cuốn “Chậm mà Chill – Triết lý loài lười”, là “Hướng dẫn thực hành: Có sức khỏe là có tất cả”. Đây là phần mình tâm đắc nhất trong cuốn sách này. Và mình nghĩ ai cũng nên và cần phải áp dụng. Sức khỏe và sự khỏe mạnh có thể giúp bạn thư giãn và trở về trạng thái cân bằng. Thử nghĩ mà xem, lúc bạn ốm, bạn mệt, thì đến thở thôi cũng thấy khó khăn ấy chứ nói gì đến làm việc hay đi chơi. Vậy nên, hãy quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn nhé.

4. Tập trung vào bản thân mình và vào việc của mình trước.
Trước khi đọc cuốn sách này, mình là người hay ôm đồm rất nhiều thứ để làm cùng một lúc, thậm chí là ôm cả việc của người khác khi ai đó nhờ mình giúp đỡ. Kết quả thì đúng như bạn dự đoán đấy, mình chẳng làm được gì ra hồn cả, cái gì cũng nhờ nhờ, ở mức tàm tạm, không có gì được đánh giá cao.
Và mình đã áp dụng bí kíp của loài lười: “Mặc kệ xung quanh, tập trung vào việc của mình và vào bản thân mình trước.” Trong một khoảng thời gian, mình chỉ làm một việc duy nhất, dồn hết sự tập trung vào nó. Để điện thoại ở chế độ im lặng, tắt mạng hay bất kỳ thứ gì khiến mình sao nhãng, từ chối giúp đỡ người khác khi mình đang giải quyết chưa xong việc của mình. Dần dần, từng thứ một được tháo gỡ, công việc của mình được xử lý ổn thỏa và hiệu quả cũng cao hơn trông thấy.

5. Trong các mối quan hệ: Chậm rãi, dành thời gian trò chuyện để hiểu nhau nhiều hơn.
Không biết bạn có nghĩ như mình không, nhưng cá nhân mình thì thấy “cái gì đến nhanh cũng sẽ đi nhanh”. Vậy nên trong bất kỳ mối quan hệ nào, thay vì nồng nhiệt và trở nên thân thiết ngay từ lúc mới đầu, mình lại cẩn trọng hơn, tiếp cận mối quan hệ một cách chậm rãi hơn, dành thêm thời gian để trò chuyện và để hiểu hơn về đối phương. Đến một thời điểm nhất định, khi đã đủ lâu để mình hiểu được tính cách và phong cách của người kia, lúc ấy trở nên thân thiết hơn cũng chưa muộn. Và có thể đây cũng chính là lý do mình thường duy trì được các mối quan hệ bền vững và lâu dài hơn những người khác.

Leave a comment