Review sách Con Đường Hồi Giáo
Con Đường Hồi Giáo
Tác giả: Nguyễn Phương Mai
Giới thiệu sách:
Giữa cơn sôi trào nóng bỏng của Mùa xuân Ả Rập, Nguyễn Phương Mai lên đường đến Trung Đông, từ Ả Rập Saudi theo con đường Hồi giáo tỏa lên phía tây, để nhìn tận mắt, chạm tận tay một Trung Đông thật, từ trải nghiệm của chính mình.
Hóa ra, sau tấm áo chùng đen u ám của cô bạn Hồi giáo mới quen là bộ ngực căng tròn với dòng chữ “No Man No Cry!” trên làn áo thun mỏng. Hóa ra, Trung Đông không phải là bức tranh một màu xám xịt của “Hồi giáo cực đoan”, “khủng bố”, “bất bình đẳng giới”, mà là tấm thảm Tunisia nhiều màu sắc với trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, những công trình kiến trúc đẹp đến nghẹt thở, với cuộc sống thấm đẫm tôn giáo, cùng vẻ hiện đại và hào nhoáng tột cùng, nhưng đầy băn khoăn về danh tính dân tộc, rồi những bi kịch, sự khốn cùng, và những giá trị không dễ phán xét đúng sai.
Những câu chuyện ngờm ngợp hơi thở cuộc sống, những nhìn nhận sắc bén của một nhà nghiên cứu, nhà báo được chuyển tải trong lối viết trẻ trung, cuốn hút sẽ khiến bạn khó lòng kìm nổi thôi thúc được bước cùng cô trên Con đường Hồi giáo.
Về tác giả:
Nguyễn Phương Mai sinh năm 1976 tại Hà Nội, hiện tại cô đang là Tiến sĩ ngành Giao tiếp văn hóa và hiện đang giảng dạy tại trường đại học Amsterdam – Hà Lan.
Review sách:
Từng trang sách của cuốn “ Con đường Hồi Giáo” mở ra như thước phim chân thật về chuyến hành trình đi xuyên lịch sử Hồi giáo của tác giả Phương Mai. Chuyến đi kéo dài 9 tháng của tác giả đi qua là những vùng đất mang đậm dấu ấn tôn giáo cùng niềm tin vào thánh thần mãnh liệt : Saudi, Dubai, Oman, Yemen, Li Băng, Syria, Jordan,Palestine, Ai Cập, Libya,Tunisia, Ma Rốc, Tây Ban Nha, Taliban.
Có thể nói với tác giả cuộc đời là những chuyến đi, để trải nghiệm cuộc sống, chứ không phải là việc chạy theo những thành công mà xã hội đã gán mác. Tác giả sẵn sàng từ bỏ công việc giảng viên tại một trường đại học ở Hà Lan, trút bỏ mọi gánh nặng trong cuộc sống và bước đi trên chuyến hành trình khám phá Trung Đông – với mục tiêu tối thượng là “nhảy vào”, “lật tung” cái xã hội Trung Đông ấy theo cách riêng của mình và sống như một người Hồi Giáo đúng nghĩa.
Không một chút hoài nghi,sợ sệt, cũng chẳng cần lấy một người bạn đồng hành, chỉ đơn giản là “xách ba lô lên và đi” và với niềm tin rằng “Ở Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có dạ vụ hoan ca.”. Trưởng thành không phải là việc ta gồng gánh cuộc sống ra sao mà là cách ta nhìn nhận cuộc sống này như thế nào. Sự thông thái của người trưởng thành chính là sống với sự ngây thơ, hồn nhiên và với tinh thần của đứa trẻ bên trong mình. Đã bao lâu rồi ta chưa tìm về với đứa trẻ ấy?
Lần đầu Trung Đông ấy hiện lên trong mắt tôi với vẻ đẹp mộc mạc, bình yên, gần gũi đến lạ thường. Ở Oman, con người sống với nhau rất bình dị và chan hòa, tuyệt nhiên không có những cuộc bạo loạn, xung đột hay những cái chết tang thương. Đặc biệt hơn nữa, phụ nữ ở đây được đón nhận một nền giáo dục giống như đàn ông, được quyền đi học, đi làm và không phải làm những công việc thường ngày như “chăm con”, “đi chợ”. Một Oman lạ lùng bên trong một Trung Đông cổ hữu. Bên cạnh Oman ấy vẫn còn một Dubai lộng lẫy , xa xỉ bậc nhất thế giới được ví như bà hoàng của chốn hoang mạc. Hay một Trung Đông với những công trình kiến trúc uy nghi, cổ kính, đẹp đến nghẹt thở. Một Trung Đông nhiều màu sắc và ngờm ngợp sức sống.
Dù có biến mình trở nên hiện đại và hào nhoáng đến đâu Trung Đông ấy vẫn mong trong mình những suy nghĩ, những định kiến và lối suy nghĩ không còn phù hợp với hiện tại. Khi mà thế giới đã và đang chấm dứt việc bất bình đẳng giới thì ở Trung Đông việc ấy diễn ra còn kinh khủng hơn chúng ta nghĩ. Phụ nữ Trung Đông phải tuân theo hàng ngàn luật lệ được đề ra một cách vô lý, như việc“Phụ nữ phải đi sau đàn ông 5 bước, phụ nữ ra ngoài phải có đàn ông đi cùng, không được phép lái xe khi đi một mình.” Hay những quan niệm sai lệch về hai chữ “trinh tiết”.” Trước khi ngày cưới được ấn định, một số cô gái lại tìm đến những bác sĩ bí mật để vá lại màn trinh,để đêm tân hôn sẽ chảy máu, hay nếu là một đam cưới truyền thống thì miếng vải trinh tiết ấy được mang ra cho hai họ chiêm ngưỡng. Thế là một cô gái ngoan hiền đã có nơi có chốn.” Nói cách khác nếu như theo quan niệm của người Việt Nam trước đây thì chư”trinh” đáng giá ngàn vàng còn ở Trung Đông chữ “trinh” ấy đánh đổi bằng cả mạng sống của một con người.
Nếu bạn từng cảm thấy bất công khi các cô gái ở Trung Đông phải khoác lên người những bộ trùm đen kín người che hết vẻ đẹp thanh xuân của người phụ nữ thì bạn NHẦM to rồi!!! Phụ nữ coi đó là cách hữu hiệu để bảo vệ bản thân còn đàn ông thì cho rằng đó là dấu hiệu để thể hiện sự tôn trọng. Tuy nhiên bạn sẽ không biết rằng đằng sau lớp vải xấu xí đó là một cô gái mạnh mẽ, năng động với dòng chữ “No man! No cry!” in trên ngực áo.
Những người phụ nữ nơi đây vẫn phải tự bảo vệ mình, vì nếu không làm thế họ sẽ chính là người đầu tiên bị trừng phạt. Sống trong xã hội mà phẩm giá quan trọng hơn tất thảy, họ có thể giết người thân để bảo vệ danh tiếng cho gia đình. Sự khốn cùng, những bi kịch chồng chất khiến cho những giá trị đạo đức không còn là việc dễ dàng phán xét đúng sai.
Lối suy nghĩ thiển cận ấy đang ngày càng bào mòn,giết chết đi những giá trị tinh thần mà Hồi Giáo mang lại. Một nền văn hóa bị biến chất, bị vấy bẩn, bởi những con người thừa hưởng nó. Cái nền văn hóa ngày một lụi tàn ấy lại được khắc họa rõ nét nhất bởi một Saudi đóng cửa,cách biệt với thế giới, được dựng lên do những đạo luật nặng nề mà các thầy tu đề ra như một triết lí sống. Hay một Dubai vàng son nhưng lại thiếu bề dày lịch sử và đang bối rối với chính danh tính của mình .
Theo đó tác giả đưa ta đến với Jesulam, nơi đây được ví như *trái tim của chúa* nhưng lại đang nắm gọn trong tay những điểm hành hương quan trọng bậc nhất của ba nền tôn giáo độc thần lớn nhất trên thế giới ( Hồi giáo,Do Thái, Thiên Chúa Giáo) chỉ vọn vẹn trong 0.9 km vuông. Hầu như mọi câu chuyện về tôn giáo nổi tiếng nhất điều diễn ra ở đây trong khoảng sân chưa đầy 1km vuông này.” Đằng sau những đường phố lát đá lộng lẫy của thành Jesuslam là cuộc sống tín ngưỡng cực điểm,sự căng thẳng tột cùng của xung khắc tôn giáo như một quả bóng đầy hơi có thể bục bất cứ lúc nào.”
Những trận chiến vẫn sẽ diễn ra, chế độ này bị lật đổ thì chế độ khác được thiết lập, những giá trị mới lại được thành lập, vòng xoay ấy diễn ra và được đánh đổi bởi sự sống của những người dân vô tội tại đây. Hồi giáo ấy dù có biến thể đến đâu thì mảnh đất Trung Đông này vẫn phải gánh chịu những tổn thất, sự hi sinh nặng nề nhất. Khi những cuộc bạo loạn cứ diễn ra triền miên chẳng biết bao giờ sẽ dừng lại, và tạo ra một chính phủ nổi loạn, người dân cũng vì thế mà vứt bỏ xứ mà đi. ” Mấy ngàn năm của một nền văn minh sáng chói ấy cũng không thể thoát khỏi dòng sinh tử bất biến này.”
Cuối cùng, nếu muốn tìm hiểu về các nước Trung Đông thì đây là một cuốn sách mà bạn không thể bỏ qua. Cuốn sách với cái nhìn sắc nét qua những câu chuyện đời thường ở Trung Đông được truyền tải qua lối viết trẻ trung, cuốn hút thôi thúc bạn được bước cùng chị trên Con Đường Hồi Giáo.
Theo: Bảo Ngân