Review sách Dám Hạnh Phúc

0

Dám Hạnh Phúc
Tác giả: Koga Fumitake, Kishimi Ichiro

Review sách:
Nối tiếp thành công của “Dám bị ghét”, Kishimi Ichiro và Koga Fumitake một lần nữa sử dụng cuộc tranh luận giữa nhà triết gia và chàng thanh niên để khắc họa một chủ điểm mới gửi đến độc giả.
“Dám hạnh phúc” – đây là phần tiếp theo của cuốn sách “Dám bị ghét”. Chàng thanh niên sau khi được nhà triết gia “khai sáng” nhờ tư tưởng Adler vào 3 năm trước, anh ta quay lại gặp ông và than phiền rằng những quan điểm này không hề thực tế và gần như chẳng thể áp dụng. Hệ quả tất yếu là hai người lại có một đêm không ngủ để tiếp tục ngồi tranh luận với nhau về tư tưởng Adler.

Cuộc tranh luận này bắt nguồn từ câu chuyện trong lớp học, từ thất bại của chàng thanh niên trong việc áp dụng phương châm “không được khen ngợi cũng không được mắng mỏ” trong giáo dục. Anh ta cho rằng “tư tưởng của Adler chỉ là lý thuyết suông”, “chẳng giúp ích được gì trong xã hội hiện đại”.

Đứng trước hiểu lầm gay gắt của người thanh niên với Adler, triết gia và anh chàng đã có một cuộc đối thoại cuối cùng để chấm dứt mọi khúc mắc. Triết gia đã giải đáp vấn đề và mở rộng nó sang nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Trên hết, ngoài việc gỡ rối những hiểu lầm của người thanh niên với Adler, triết gia còn đưa anh và độc giả đến gần hơn với đáp án cho câu hỏi muôn thuở của triết học: “Làm thế nào để con người được sống hạnh phúc?”

Bên cạnh những tư tưởng đã được đề cập trong Dám bị ghét, cuốn Dám hạnh phúc này cũng nêu ra những quan điểm mới về tư tưởng Adler, có thể đọc một lần là hiểu luôn nhưng cũng có những quan điểm mà bạn cần thời gian để từ từ suy ngẫm.
Dưới đây cảm nhận ngắn gọn của mỗi chương:
1. “Người khác xấu xa” và “Ta tội nghiệp”
Triết gia đưa ra một lăng trụ tam giác và từ vị trí của chàng thanh niên thì sẽ chỉ nhìn thấy được hai mặt, có ghi “người khác xấu xa” và “ta tội nghiệp”. Còn một mặt nữa, đó chính là “giờ phải làm gì?”. Khi trò chuyện tâm sự với gia đình, bạn bè thì nếu trực quan hóa sẽ thấy rằng thường mọi người chỉ nói đến hoặc phê phán “người khác xấu xa” hoặc than vãn về “ta tội nghiệp”. Nhưng trong tâm lý học Adler, mọi cuộc trao đổi đều phải xoay quanh mặt thứ 3 “giờ phải làm gì”. Chuẩn không cần chỉnh. Đây chính là quan điểm mình đồng tình nhất trong cuốn sách.

2. Phủ định “thưởng phạt”
Cuốn “Dám bị ghét” đã đề cập đến quan điểm không được khen cũng không được mắng. Sang phần 2 này triết gia đã giải thích cặn kẽ hơn bằng cách phân tích 5 giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ con, từ việc “mong muốn được tán thưởng” đến “chứng tỏ sự vô dụng”. Cái “5 giai đoạn” này khá là mới mẻ nên mình rất thích thú khi đọc chương này.

3. Từ nguyên lý cạnh tranh đến nguyên lý hợp tác
Tiếp nối chương 2, nhà triết học cho rằng nếu con người sống dưới “chế độ khen-mắng” thì toàn bộ con người, xã hội xung quanh sẽ trở thành “địch”. Theo Adler thì con người, tổ chức cần phải bỏ tư tưởng thưởng phạt, cũng như cạnh tranh thay vào đó là hợp tác. Chương này hơi tốn “nơ ron não” để có thể hiểu cặn kẽ, bởi nó còn liên quan đến một số từ khóa của triết lý Adler như “Cảm thức cộng đồng” hay “Phân chia nhiệm vụ”. Có lẽ mình cần phải đọc kỹ lại đoạn này cũng như sách “dám bị ghét” để có thể hiểu hơn những gì nhà triết học muốn nói.

4. Cho đi và nhận lại
Chương này có nhắc lại một quan điểm theo mình thì nó khá là hay mà ở cuốn “Dám bị ghét” đã đề cập tới: “mọi phiền muộn đều bắt đầu từ quan hệ giữa người với người”. Thêm vào đó, nhà triết học cũng nói thêm rằng “mọi niềm vui cũng bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người”. Ngoài ra, nhà triết học còn so sánh “tín dụng” và “tin tưởng” trong quan hệ con người, và kết luận rằng, “muốn được tin tưởng nên tin tưởng trước”. Nói cụt ngủn thế này ở đây chắc cũng khó hiểu nhưng đại khái là nó liên quan đến cho đi và nhận lại. Tin tưởng, tôn trọng là trao đi, và nếu không cho đi (give) thì hiển nhiên sẽ không nhận lại đc (take). Bản thân mình rất tâm đắc với cụm từ “Give and Take”, thế nên mình thấy những quan điểm được nêu ra ở chương này dễ hiểu và khá thực tiễn.

5. Hãy chọn cuộc đời yêu thương
Chương cuối nói về chủ đề tình yêu. Theo tư tưởng Adler, chúng ta không thể “rơi vào” tình yêu, và kể cả nếu như có rơi vào thì nó không phải là nhiệm vụ cuộc đời. Tình yêu là một cảm xúc có thể vun đắp bởi sức mạnh của ý chí từ con số 0. “Rơi vào tình yêu” thực chất giống như việc con người “bị lôi cuốn vào ham muốn vật chất”. Và thay vì “để được yêu”, tư tưởng Adler nhấn mạnh việc “chủ động yêu người khác”. Mình thấy đây là chương thú vị nhất vì nó nói về chủ đề tình yêu, cơ mà vì quan điểm này nghe “lạ tai” quá nên chưa kịp “hấp thu” được, nên chỉ dừng ở lại mức tham khảo thôi.

Theo lenainthebookishland.com

Leave a comment