Review sách Hy Vọng

0

Hy Vọng
Tác giả: So Jae Won

Review sách:
Hàn Quốc, tháng 12 năm 2008, Na Young là một bé gái tám tuổi bị người đàn ông Jo Doo Soon bạo hành xâm hại tình dục. Đó là một vụ án có tính chất khủng khiếp. Mặc dù biết rõ bộ mặt thật của tên bạo hành đó nhưng pháp luật khổng đủ mạnh để trừng trị hắn bởi lẽ hắn quá xảo quyệt.

Một cô bé tám tuổi bị xâm hại tình dục đến mức phải cắt bỏ hậu môn và em phải mang bên mình một chiếc túi vệ sinh suốt đời. Một cô bé tám tuổi đáng lẽ được yêu thương, che chở nhưng lại bị tổn thương nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần. Em bị chẩn đoán là tâm thần phân liệt, rối loạn hành vi, ám ảnh với đàn ông kể cả bố mình.

Vậy mà, con quái vật đó, hắn lại được pháp luật khoan hồng, ăn cơm nhà nước nuôi suốt 12 năm ư? Sao hắn ta có thể trơ trẽn, trắng trợn đến thế: “Tôi uống say nên không kiểm soát được hành vi của mình”. Vì cái thứ dục vọng dơ bẩn, tầm thường của hắn mà cuộc đời của một cô bé trở nên tồi tệ, nhục nhã. Hắn hại một đứa trẻ suốt đời đi vệ sinh bằng hậu môn nhân tạo, hại cô bé suốt đời không thể sinh con, hại cuộc đời của nó luôn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng ghê tởm này. Hắn ăn cắp quyền được vui vẻ, hồn nhiên của Ji Yoon, ăn cắp những chuỗi ngày hạnh phúc mà gia đình họ đáng lẽ được nhận. Để rồi hắn thì ung dung như không có chuyện gì xảy ra, được ăn cơm miễn phí mười hai năm liền; còn gia đình họ lại phải chịu cả nỗi đau tinh thần lẫn thể xác, vừa bị tấn công bởi những ký ức đau buồn, vừa bị tấn công từ sự khinh miệt, bàn tán của dư luận. Tưởng chừng họ có thể gục ngã. Nhưng không, họ đã đứng lên và chiến thắng con quỷ đó.

Tác giả So Jae Won đã viết lên cuốn sách này với tất cả tình yêu thương, sự đồng cảm với gia đình cô bé và sự giận dữ, tố cáo hành vi của tên đó. Ông chính là một trong những tấm gương để chúng ta noi theo, đồng cảm với các nạn nhân bị xâm hại tình dục nói riêng, và các nạn nhân khác trong xã hội nói chung. Ông còn kể rằng:” Là một người trưởng thành, tôi thấy xấu hổ và cảm thấy tội lỗi trước việc chỉ biết giương mắt nhìn thứ hình phạt nhẹ nhàng cho một tội ác như thế”. Ông đã luôn đồng hành cùng gia đình Na Young. Vì thế cuốn sách kinh điển này mới được ra đời. Mỗi lần gặp mặt, nhà văn không kìm được xúc động mà rơi nước mắt: ” Tôi muốn ôm lấy con bé và nói rằng: – Chú sẽ bảo vệ cháu!”

Nhà văn mượn cái tên Ji Yoon chứ không phải tên thật của cô bé. Ông gọi người bố là bố Ji Yoon và người mẹ là mẹ Ji Yoon thay cho tên thật của họ. Bởi vì bố và mẹ sẽ luôn sát cánh bên em vượt qua mọi nỗi đau, sẽ luôn che chở và yêu thương em, không để kẻ xấu làm hại đến em nữa. Em sẽ không cô đơn đâu vì em có một gia đình luôn bên em mà.

Hình ảnh bố Ji Yoon sau vụ bạo hành là một người đàn ông say rượu liên miên, luôn mượn rượu để giải sầu. Trái tim ông như ” con tàu gặp nạn đang vùng vẫy giữa cơn giông tố”.
– Thà con bé chết đi còn hơn. Thà chết đi rồi quên hết tất cả. Làm sao nó có thể sống với đoạn ký ức tàn nhẫn đó. Thật tàn nhẫn. Quá sứ tàn nhẫn….

Bố Ji Yoon đã định rút súng bắn chết con quỷ man rợ kia, đòi lại công bằng cho đứa con bé bỏng, tội nghiệp.
Ông đau đớn, tủi nhục vì không thể ở cạnh con gái, ôm con vào lòng và sẻ chia nỗi đau với con. Ông trách mẹ Ji Yoon, trách tên biến thái rồi quay sang trách chính bản thân mình. Ông nguyền rủa tất cả. Ông đã chọn cách tự tử, tự lao đầu vào xe ô tô. Nhưng khi tỉnh dậy thì ông trở thành đứa trẻ với trí óc tám tuổi. Sau đó, ông hóa thân thành Doraemon qua những bức thư tay gửi đến Ji Yoon, đồng hành cùng Ji Yoon, kể chuyện và san sẻ cùng cô bé. Sau cùng, dù là Doraemon hay là bố Ji Yoon thì tất cả những điều ông làm đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ của một người cha.

Hãy sống đi. Sống đi nào. Cho dù có chuyện gì đi nữa cũng phải sống. Nếu bây giờ mình chết đi, xác suất mong manh có thể nhìn thấy Ji Yoon và mẹ Ji Yoon cũng sẽ biến mất. Dù thế nào cũng phải sống. Vì mình là bố của Ji Yoon. Vì mình là trụ cột của một gia đình.

Mẹ Ji Yoon, một người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng lại rất kiên cường và lạc quan. Bà là sợi dây kết nối giữa hai cha con, là hậu phương vững chắc. Có đôi lúc gần như muốn bỏ cuộc nhưng nhờ những lá thư từ bố Ji Yoon, bà đã vực dậy một cách mạnh mẽ. Có lẽ khoảng thời gian này khiến hai người xích lại gần nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn, cùng nhau quay lại hồi còn trẻ, cùng nhau xem những bộ phim bất hủ, cùng nhau đi chơi, và khát khao về một mái ấm trọn vẹn. Họ trải lòng mình trên lá thư tay, chưa bao giờ là thật lòng đến thế!

Bé Ji Yoon hay viết thư cho Doraemon, chia sẻ những điều thầm kín mà em chẳng thể nói cùng mẹ hoặc không đủ can đảm nói ra. Em coi Doraemon như một người bạn với tất cả lòng tin tưởng. Doraemon sẽ bảo vệ em khỏi người xấu, sẽ mua kem cho em ăn, sẽ cùng em đến trường. Nhưng sau cùng, người em cần nhất đó chính là bố . Em yêu bố và muốn ngủ trong vòng tay to lớn của bố. Bố sẽ bảo vệ em. Mẹ sẽ bảo vệ em. Em không cô đơn nữa! Người xấu sẽ không thể làm hại em đâu. Em có thể yên tâm ngủ và mơ về công chúa, búp bê, hay một mái ấm gia đình.

Trải qua tất cả, họ đã được đoàn tụ. Gia đình Ji Yoon đã dũng cảm vượt qua tất cả sự kì thị, ánh mắt, lời lẽ lăng mạ của xã hội mà đứng lên.

Hình ảnh cuối cùng của cuốn sách là hình ảnh Ji Yoon nắm tay bố và nói: “Mình về nhà thôi!”. Một hình ảnh vô cùng giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa to lớn hơn bao giờ hết. Cuối cùng, họ vẫn là một gia đình theo đúng nghĩa của nó. “CHÚNG TA CHIẾN THẮNG RỒI!”. Và giờ đây, chẳng kẻ xấu nào có thể trèo qua hàng rào hay đâm thủng lá chắn gia đình vì nó được xây nên từ tình yêu thương của họ, thật vững chắc.

“Đây không phải câu chuyện của ai khác mà là câu chuyện của chính chúng ta”, đúng vậy, đó là vấn đề không chỉ riêng gia đình nạn nhân mà còn là vấn đề của xã hội. Mọi người hãy cùng chung tay, hãy đồng sức đồng lòng chứ đừng kì thị, bàn tán để sau cùng chúng ta vẫn được yêu thương, được che chở. Ngoài kia có biết bao người là nạn nhân của xâm hại tình dục, họ đã chịu nhiều tổn thương ngay cả về thể xác lẫn tinh thần. Nếu như phải chịu đựng thêm “nắm muối” của xã hội sát vào thì họ sẽ khổ sở đến mức nào nữa. Chúng ta chẳng ai biết trước được ngày mai ai sẽ tiếp tục là nạn nhân, có thể là chính chúng ta. Vì vậy, yêu thương họ cũng chính là yêu thương chính bản thân mình.
Mộ người vì mọi người, mọi người vì một người.

Đây là việc của tôi. Việc của gia đình tôi. Việc vủa con gái tôi. Nó cũng có thể trở thành việc của bạn tôi, việc của bạn của bạn tôi nữa. Rồi cuối cùng, nó sẽ trở thành việc của chúng ta, mối quan tâm của chúng ta. Tôi luôn tin rằng bằng cách nào đó, chúng ta có thể đứng lên đấu tranh và tạo nên kỳ tích.” _ Bố Na Young

“Mong bạn sẽ luôn vực dậy sau nỗi đau và không từ bỏ niềm hy vọng.”

Theo: Hường Chan

Leave a comment