Review sách Khu Vườn Mùa Hạ

0

Khu Vườn Mùa Hạ
Tác giả: Kazumi Yumoto

Review sách:
“… càng nhiều tuổi, người ta lại có càng nhiều ký ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ len lỏi vào tim người khác nữa. Thỉnh thoảng, có những nơi ta mới đến lần đầu nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác rất thân quen….”

Câu chuyện được kể bằng lời của Kiyama- một cậu nhóc lớp Sáu cao kều, gầy nhom. Kiyama có hai cậu bạn là Yamashita béo tròn, nhà bán cá và Wakabe, cái thằng thường khoe khoang về bố nó nhưng ai cũng biết là nó làm gì có bố, bố nó bỏ đi từ lâu lắm rồi…

Mùa hè năm đó, ba cậu nhóc đang ở vào độ tuổi tò mò bỗng dưng có một đối tượng quan tâm mới, đó là…. cái chết. Quyết tâm phải nhìn thấy bằng được một xác chết, ba cậu nhóc quyết định rình mò căn nhà của ông lão sống một mình, người dường như có chết đi cũng chẳng ai quan tâm, chẳng ai biết.

Ấn tượng đầu tiên của mình khi đọc cuốn này đó là văn học Nhật sao mà lúc nào cũng tâm trạng thế. Từ Rừng Na Uy cho đến cuốn này, cảm giác những nhân vật trong trang sách lúc nào cũng bị chôn vùi trong những cảm xúc, những băn khoăn về cuộc đời, những nỗi lạc lõng cô đơn giữa lòng thế giới ấy. Ngay đến một cậu nhóc lớp 6 mà cũng có những suy nghĩ sâu sắc về điểm dừng chân cuối cùng của đời người. Cái chết là gì? Khi nằm trong quan tài, người ta có cảm giác thế nào nhỉ? Thậm chí Wakabe, cậu nhóc to mồm nhất nhưng dường như cũng có nhiều tâm sự nhất còn có một khoảnh khắc dại dột: đứng trên lan can chờ tàu chạy qua, tự hỏi sẽ thế nào nếu buông mình rơi xuống…

Dù vậy, thật may là Kiyama, Wakabe và Yamashita không cô độc, ba cậu nhóc luôn có nhau. Một tình bạn đẹp. Có lẽ vì thế mà cuốn sách còn có tên gọi khác là The Friends. Sau này nhóm bạn còn “kết nạp” thêm một ông lão cô đơn, cấm cảu, từ đầu đến cuối không hề được nhắc tên. Ông lão mà ban đầu ba cậu nhóc cứ ngỡ là sắp chết nên mới rình rập, nhưng cuối cùng lại trở thành một người bạn thân thiết. Mùa hè năm đó trôi qua với những ký ức thật đẹp: khi bốn ông cháu cùng nhau ăn dưa hấu, trồng hoa cúc cánh bướm, đùa nghịch dưới vòi nước….Bọn trẻ giúp ông cụ việc nhà, đổi lại, chúng được ông cụ dạy cho chữ Hán, dạy cách gọt lê. Chúng cũng hiểu được rằng già đi, với những nếp nhăn trên gương mặt và tấm lưng còng cũng mang nhiều ý nghĩa….

Cuộc đời thật kỳ lạ. Chúng ta không bao giờ có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng khi đó cho dù có được cho một cơ hội biết trước tương lai thì mình tin rằng Kiyama cũng sẽ không thay đổi bất cứ khoảnh khắc nào của hiện tại. Cả Wakabe, Yamashita và ông cụ cũng vậy. Mùa hè năm đó đã không thể kéo dài vĩnh viễn. Khi mùa thu sang và cúc cánh bướm nở bung tràn khắp khu vườn đẹp như một giấc mơ thì ông cụ vĩnh viễn đi xa và lũ trẻ cũng mỗi đứa một ngả. Nhưng mỗi người đều đã nhận được một món quà. Với Yamashita, đó là động lực thôi thúc cậu theo đuổi đam mê nối nghiệp cha thừa kế cửa hàng cá. Với Wakabe, cậu đã học được cách chấp nhận hiện thực, tuy không có bố nhưng cậu vẫn còn có mẹ, có bạn bè, cả những người tuy không cùng dòng máu nhưng sẵn lòng cùng cậu trở thành một gia đình.

Còn ông cụ, người đã sống một cuộc đời khổ sở, tạm bợ, ngày qua ngày với cơm hộp tẻ ngắt, hàng núi rác bên ngoài căn nhà ẩm thấp, xập xệ, dấu hiệu duy nhất của sự sống là tiếng TV; người đã có thể trút hơi thở cuối cùng trong cô độc và dằn vặt, nếu như không có sự xuất hiện của ba cậu nhóc. Mùa hè cuối cùng ấy, hẳn đã có lúc ông cụ cảm thấy thật hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy “bung nở vào những ngày cuối đời của ông thành một thứ pháo hoa đêm hè, ngắn ngủi nhưng rực rỡ ” (trích một review). Căn nhà sạch sẽ nhìn ra khoảng sân tràn ngập hoa cúc cánh bướm, trên bàn là những chùm nho chín mọng.

Quá khứ là thứ không thể rũ bỏ nhưng có thể cất gọn vào một ngăn, khi con người ta muốn tìm chỗ cho những khoảnh khắc hiện tại đang biến thành những ký ức mới, trong trẻo và tươi sáng hơn. Còn với Kiyama, mình nhớ mãi đoạn kết, khi cậu nhóc nói rằng từ nay cậu chẳng còn lí do gì để sợ hãi thế giới bên kia. Xét cho cùng, chúng ta ai rồi cũng chết đi, vậy nên hãy sống sao cho không còn gì để nuối tiếc. Như những bông hoa cúc cánh bướm với khát vọng sinh tồn mạnh mẽ, bị dập vùi trong bão nhưng vẫn chẳng chịu tàn mà lại bung nở còn đẹp hơn khi trước….

” Nếu đổi hướng phun nước đi một chút, từ hành lang có thể thấy cầu vồng nhỏ hiện lên. Đủ bảy màu sắc của ánh mặt trời. Đó không phải thứ người ta có thể thường xuyên bắt gặp, nhưng lại hiện ra chỉ nhờ vào những tia nước. Ánh sáng luôn hiện hữu quanh ta nhưng màu sắc của nó lại ẩn đi. Trong thế giới này, có lẽ có vô vàn thứ đang ẩn nấp, vô vàn thứ ta không nhìn thấy được. Có những thứ giống như cầu vồng, thời tiết thay đổi một chút là sẽ xuất hiện; nhưng cũng có những thứ phải trải qua một quãng đường rất dài ta mới có thể thấy nó”

“Ánh sáng luôn hiện hữu quanh ta, nhưng màu sắc của nó lại ẩn đi. Trong thế giới này có lẽ có vô vàn thứ đang ẩn nấp, vô vàn thứ ta không nhìn thấy được. Có những thứ giống như cầu vồng, thời tiết thay đổi chút là sẽ xuất hiện; nhưng cũng có những thứ, phải trải qua một quãng đường rất dài ta mới có thể thấy nó.”

Có người đã nói rằng Khu vườn mùa hạ là thế giới riêng của người già và trẻ con, “người lớn, có xuất hiện cũng chỉ là những cái bóng mờ lẩn khuất và chờ được cứu rỗi”. Nhận xét này khiến mình thực sự tâm đắc. Dù có thể chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng hầu như nhân vật nào trong cuốn sách cũng để lại cho độc giả những ấn tượng sâu sắc, như người mẹ nghiện rượu, u buồn của Kiyama, vợ cũ của ông cụ bà Koko, hay bà cụ bé nhỏ bán hạt giống hoa trong thời đại người ta sống trong những căn hộ chung cư tầng tầng lớp lớp hay những căn nhà chen chúc, chật chội, người ở còn chưa nổi, nói gì đến hoa…..

Tất cả khiến cho thế giới trong trang sách của Kazumi Yumoto có một sức mê hoặc đến kỳ lạ.

Leave a comment