Review sách Làm Như Chơi

0

Làm Như Chơi
Tác giả: Thầy Minh Niệm

Review sách:
Chắc hẳn có rất nhiều bạn trong chúng ta biết đến tác phẩm Hiểu về Trái tim của thầy Minh Niệm. Một tác phẩm rất hay, mang lại nhiều cái nhìn mới mẻ về cuộc sống cho mọi người. Nhưng bên cạnh đó, thầy cũng còn một tác phẩm nữa cũng hay không kém. Đó là tác phẩm Làm như chơi.

Quyển sách “Làm Như Chơi” với lối viết cô đọng, súc tích, từng chủ đề nhỏ riêng lẻ nhưng liền mạch nhau theo trình tự và chủ ý sâu sắc của tác giả. Từng câu chữ, hay một số câu chuyện nhỏ được trình bày một cách chính xác về độ dài, không thừa cũng không thiếu. Những điều này nhằm mục đích để có thể gói gọn đủ kiến thức gởi đến độc giả trong phạm vi nhỏ hẹp của một quyển sách, nhưng cũng đủ bình dị và giảng giải cụ thể để người đọc dễ dàng nắm bắt được, kể ra nhiều ví dụ thường gặp trong đời sống mỗi ngày để những lời dạy gần gũi, thực tế, dễ dàng thực tập mà không phải chỉ mang tính lý thuyết xa vời.

Quyển sách này hướng đến mọi đối tượng, nhưng sẽ thích hợp hơn đối với những người muốn tu dưỡng nội tâm, có một chút tin vào sự màu nhiệm của vũ trụ, của sức mạnh tinh thần, mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách đi tìm nguồn căn của vấn đề để giải quyết nó.

Nội dung cốt lõi của quyển sách hướng dẫn người đọc nhận ra được các vấn đề xung quanh mình, từ đó “quay về bên trong”. Yên lặng để nhìn lại tâm tưởng của mình, nhận biết được những gì đang xảy ra với tâm của chính mình (tâm chống đối, tâm mong cầu, tâm sân hờn, ích kỷ, sợ hãi, yếu đuối, v.v…). Học cách lùi lại, đứng qua một bên dòng cảm giác để quan sát tâm, thực tập với hơi thở.

Sau khi đã đọc và trải qua nhiều lần nghiền ngẫm, mình đã rút ra một số điểm nhấn của tác phẩm này. Sau đây mình xin chia sẻ với các bạn:

1.Có cách nào không phải chịu khổ đau rồi mới có hạnh phúc không? Có cách nào để ta luôn hài lòng với những gì mình đang có mà không để những ham muốn hay sự nhàm chán lấn át không? Có! Sống trong tỉnh thức! Luôn biết rõ ta đang làm gì và những gì ta làm sẽ mang lại kết quả như thế nào. Sống trong tỉnh thức còn cho ta sức mạnh để dám làm “những gì nên làm” và dứt khoát không làm những gì “không nên làm”.

2 . Im lặng là yếu tố rất cần thiết cho việc “quay vào bên trong” để thiết lập lại sự cân bằng, phát triển năng lượng tỉnh thức và đạt đến trí tuệ lớn. Chọn một khoảng thời gian nhỏ trong ngày để thực tập thì quá tốt, còn không thì tranh thủ bất cứ khi nào, ở đâu, mà không buộc phải lên tiếng.

3. Ngồi yên không chỉ làm thân yên, mà còn làm tâm yên. Tâm yên là tâm không vọng động, không suy nghĩ và không mong muốn gì cả. Chỉ có mặt và cảm nhận thôi. Chỉ có kết nối và sự hòa điệu với sự sống đang diễn ra.

4. Khi đi tất nhiên là thân ta sẽ động, nhưng nếu bước đi thật chậm, chậm nhất có thể, thì ta vẫn có thể chọn nó làm đối tượng để tịnh tâm. Thả lỏng hai cánh tay, hoặc đan các ngón tay rồi thả nhẹ trước bụng. Từ từ giở bàn chân lên cách mặt đất chừng khoảng một tấc rồi dừng lại chừng 1-3 giây, sau đó đưa bàn chân đến trước và dừng lại 1-3 giây, và đặt bàn bàn chân xuống cũng dừng lại 1-3 giây rồi mới bước tiếp. Tức là ta chú ý vào ba giai đoạn: giở lên, đưa tới và đặt xuống.

5. Ta nên đặt ra quy luật: Về tới nhà là phải tắt ngay điện thoại, hoặc sẽ tắt điện thoại từ mấy giờ tối đến mấy giờ sáng, hoặc chỉ kiểm tra điện thoại sau mỗi 1-2 tiếng hay khi rảnh rỗi, hoặc ngày cuối tuần sẽ không đụng đến điện thoại…Nên báo cáo sự thực tập này cho bạn bè, khách hàng, đồng nghiệp biết để họ thông cảm và cũng nên cho gia đình biết để nhờ họ giám sát và nhắc nhở dùm.

6. Tĩnh tâm quả thật không té ra đồng xu cắt bạc, nhưng không có nghĩa là không góp phần làm ra kinh tế. Nhờ tĩnh tâm mà dừng lại được những cơn cảm xúc, đẩy lùi được những áp lực xung quanh, lấy lại cân bằng và có những cái thấy sáng suốt.

7. Hưởng thụ là tìm tới sự thỏa mãn, dung dưỡng cho bản năng, tô đậm thêm chất “ bình thường” đến “tầm thường” của con người. Hưởng thụ là trao quyền thống trị cho cảm xúc, chấp nhận để tâm trí mê mờ mà không nhìn thấy đúng, sai, thật, giả, điều nên làm và không nên làm.

8. Trực giác đến từ sự tu luyện bào mòn bản ngã, từ sự tĩnh lặng của nội tâm, từ sự kết nối sâu sắc với năng lượng đất trời nên nhìn thấy được bản chất của đối tượng hay vấn đề. Để có được trực giác thì phải chăm chỉ luyện tập “nhận diện đơn thuần” – nhìn mọi thứ như là chính nó đang là mà không bỏ thêm vào cái đã biết rồi hay thái độ ưa/ghét.

9. Lắng nghe đúng nghĩa là phải để lòng lắng xuống rồi mới nghe. Để hỗ trợ cho việc lắng nghe sâu, ta nên tránh nhồi nhét vào bộ nhớ những thông tin vô bổ từ điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử,…Ngồi thiền đều đặn thường xuyên mỗi ngày cũng giúp ta “đốt cháy” bớt những thứ rác rến ấy.

10. Tiến sĩ Ken Keyes, Jr cũng đã phát hiện ra sự chuyển biến đáng kinh ngạc trong hành vi xã hội của đàn khỉ Nhật Bản trên đảo Kosima. Khi các nhà khoa học ném khoai lang vào bờ cát, chỗ đàn khỉ đang sinh sống, thì một con trong số đó nhặt củ khoai lên và ra suối rửa sạch trước khi ăn. Điều đáng nói hơn là một thời gian sau, các con khỉ thuộc giống này trên những hòn đảo khác ở quần đảo Nhật Bản cũng bắt đầu rửa sạch củ, quả trước khi ăn mặc dù không có con khỉ nào nào ở đảo Koshima đi sang các hòn đảo khác. Đó là sự truyền cảm hứng tư duy, kết nối với nhận thức vũ trụ. Theo nguyên lý này tất cả những gì ta tạo ra từ những ý tưởng cho đến những hành động đều không mất, chúng có thể được dẫn truyền đến người thân, gia đình, cộng đồng, giống nòi.

Nếu thấy hay thì các bạn mua sách gốc ủng hộ tác giả nhé. Xin chân thành cảm ơn.

Theo: fb.com/profile.php?id=100058808989423

Xem thêm:
Review sách Hiểu Về Trái Tim
Review sách Những Gì Đã Qua Đừng Nghĩ Lại Quá Nhiều

Leave a comment