Review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ
Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ
Tác giả: Khailed Hosseini
Giới thiêu sách:
Bốn thập kỷ biến động và ly tán ở Afghanistan, một lối dẫn dắt chân thực bậc thầy, câu chuyện về những số phận bị vùi dập nhưng đầy ám ảnh. Với Ngàn mặt trời rực rỡ, Khaled Hossini đã chứng minh thành công của Người đua diều không phải điều ngẫu nhiên.
Mariam và Laila, hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trái ngược nhau, những biến cố khốc liệt khiến họ phải gặp nhau. Một là cô bé con rơi mà cha mình không thể công nhận, một là cô gái thượng lưu sống trong nhung lụa, cả hai cùng trở thành vợ một người đàn ông, cố gắng sinh con cho anh ta, cùng bị đánh đập tàn nhẫn. Một người vợ đã giết chết người chồng chung đó. Còn một người phải rời đất nước ra đi với người yêu và những đứa con. Số phận họ đã hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương, bền bỉ của người phụ nữ Afganistan trước nền chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, làm nên một trường ca tiểu thuyết vô cùng cảm động.
Tạp chí Time xếp Ngàn mặt trời rực rỡ ở vị trí thứ 3 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới năm 2007.
Review sách:
Câu chuyện chân thực về một đất nước Afghanistan ngập ngụa trong bom đạn, một đất nước nơi mọi giá trị của con người bị tha hoá, một xã hội quá tàn nhẫn với người phụ nữ…
“Ngàn mặt trời rực rỡ” kể về cuộc đời hai người phụ nữ hoàn toàn khác biệt. Trong khi Mariam là một harami, một đứa con hoang, một lỗi lầm không đáng có, không được xã hội thừa nhận quyền làm người thì Laila lại được sinh ra trong nhung lụa, được học hành đàng hoàng tử tế.
Tưởng chừng cuộc đời của họ sẽ chẳng liên quan đến nhau, Mariam sẽ sống suốt kiếp người bần hàn của một harami còn Laila sẽ tiếp tục sống trong hạnh phúc nhưng đến khi Laila 15 tuổi họ lại cùng chung số phận. Họ buộc phải cưới cùng một người đàn ông đáng tuổi cha chú mình, cùng cố gắng sinh cho ông ta những đứa con, cùng bị đánh đập tàn nhẫn. Mariam sống với ông ta 27 năm, sau 7 lần không sinh được con, cô bị ông ta coi thường, khinh bỉ, bị bắt nhai sỏi chỉ vì ông ta không vừa ý với cơm cô nấu. Laila may mắn hơn khi chỉ phải sống với người chồng chung 8 năm và sinh được 2 người con.
Tủi nhục vì cuộc sống tàn nhẫn, sợ hãi vì một Afghanistan bom đạn, Mariam và Laila đã tự tìm lối thoát cho chính mình. Mariam đã tự mình giết chết người chồng chung ấy, chịu mọi tội lỗi để Laila có thể bước tiếp, trốn thoát cùng người cô yêu.
Cuộc đời của Mariam và Laila trở nên chân thực hơn và những nỗi đau của họ, câu chuyện của họ, nỗi bất hạnh khôn cùng và sự bền bỉ của họ cũng trở nên chân thật hơn bao giờ hết và chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn.
Con người ở đất nước ấy đã tự tìm thấy lối thoát cho bản thân, đã mạnh mẽ để là chính mình.Những người phụ nữ trong cái xã hội khắc nghiệt ấy cuối cùng cũng đã tự mình đấu tranh mạnh mẽ, dành lại số phận và hạnh phúc chính đáng. Mariam chết đi nhưng sự hy sinh của cô vẫn còn mãi trong lòng Laila, Aziza và trong lòng bạn đọc khắp nơi trên thế giới. Cô là biểu tượng cho người phụ nữ khiêm nhường, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của người khác.
Laila khác Mariam, cô không chịu nhẫn nhịn kiếp sống bất hạnh ấy. Laila chọn cho mình lối thoát : bỏ trốn cùng người cô yêu từ thuở thơ bé. Cô có lẽ chính là mẫu người phụ nữ hiện đại, là biểu trưng cho một đất nước Afghanistan đang dần thoát khỏi chiến tranh sau từng ấy năm đổ máu…
Đoạn trích hay:
“Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ. Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là vậy.”
***
“Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng,
Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.”