Review sách Tại Sao Em Ít Nói Thế
Tại Sao Em Ít Nói Thế
Tác giả: Huy Đức
Review sách:
“Tại sao em ít nói thế”
Mọi người vẫn thường hỏi tôi như vậy. Nhưng tôi cũng chẳng biết tại sao nữa. Thật sự, tôi im lặng là vì đang mải quan sát mọi thứ diễn ra xung quanh hoặc đang có dòng suy nghĩ cứ chạy mải miết không ngừng. Đôi lúc, tôi thích nhìn mọi người nói chuyện với nhau, cười đùa với nhau hơn là tham gia vào. Hoặc đơn giản, tôi im lặng chỉ vì tính cách sinh ra đã thế! ….
“Tại sao em ít nói thế” như một bản nhạc nhẹ nhàng sẽ đưa bạn tới thế giới của người hướng nội, đánh thức những điều tưởng chừng đã ngủ quên trong tiềm thức của họ.
Đâu phải cứ im lặng là thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
Đâu phải luôn luôn tươi cười là em sẽ không cô đơn.
Đến với tác giả một người hướng nội với giọng văn đầy nghị lực và xúc cảm, đã mở lòng để viết lên thế giới nội tâm của những con người giống như anh. Đắm chìm vào từng trang sách, tác giả dẫn độc giả đi tìm kiếm bản thân, truyền dũng khí cho họ vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Lắng nghe “những lời đến từ im lặng” của người hướng nội, chia sẻ những kinh nghiệm quý giá dành riêng cho những con người nhạy cảm, ít nói để họ có thể mở lòng mình mỗi khi chơi vơi. Từ đó “Tại sao em ít nói thế” ra đời-một cuốn sách tâm lý đầy sâu lắng và triết lí : về công việc, tình yêu và cuộc sống của người hướng nội.
Tại sao em lại không thể mở lòng hoà nhập với mọi người? Tại sao em lại luôn bối rối không biết cách nói ra những lời giấu kín trong lòng ? Tại sao em lại biết rằng, vào lúc em đứng ở trong một đám đông sẽ không có một ai đến bên cạnh cùng trò chuyện với em, em sẽ khó xử đến như thế nào ? Cuốn sách sẽ trả lời bạn qua tính khách quan dưới góc nhìn tâm lý học mang ” cái tôi” của tác giả và những chọn lọc tinh tế từ những tiếng nói của nhiều tác giả khác.
Vậy thì tại sao em ít nói thế?
Chẳng phải do em lạnh lùng, vô tâm với mọi thứ, em chỉ là đang bối rối không biết làm thế nào để nói ra những lời trong lòng. Em sợ có những khoảnh khắc vui vẻ, bởi vì em cất lời mà bị phá vỡ. Em sợ có những lời mình vừa nói ra liền lập tức bị phủ nhận hoặc rơi vào khoảng trống im lặng đầy khó xử. Tại sao mọi người sống khéo như vậy, hoạt ngôn như vậy mà em lại không thể?
Cũng không phải em bỏ mặc những điều xảy ra xung quanh mà sống ích kỷ một mình, đó là bởi vì em ” nhút nhát”. Em lo lắng để tâm tới những cái nhìn, phán xét của xã hội quá mức đến nỗi sự “nhút nhát ” được tạo nên như một vỏ bọc để phản ứng lại những điều khiến em tổn thương.
Hay em chỉ là vì ” đang mải mê quan sát mọi thứ diễn ra xung quanh hoặc đang có dòng suy nghĩ cứ chạy mải miết không ngừng.” Và em yêu cảm giác hoà mình, đắm chìm vào thế giới nội tâm của mình, nơi có những câu chuyện của riêng mình em, chỉ em mới có thể thấu hiểu được.
“Tại sao em ít nói thế” không đơn thuần là cuốn sách tâm lí để phản hồi những câu hỏi :”Sao em tách biệt vậy ? Đến khi nào em mới trưởng thành để hoà nhập với mọi người ? Mọi người không thích em như vậy chút nào.”, mà còn giúp người đọc tìm thấy con người của mình qua những trang sách, vơi bớt đi cảm giác cô đơn khi bỗng 1 ngày nhận ra sự ” lập dị ” mà xã hội gán mác lên mình thực ra lại vô cùng quen thuộc qua những câu chuyện của ” Tại sao em ít nói thế?”
“Hướng nội hay hướng ngoại không quan trọng, quan trọng là hướng hiện”
Bất kể dù em là người hướng ngoại hay hướng nội, em vẫn cứ là em. Bởi mỗi người đều có những khoảng trống mà không ai có thể chạm tới, có những nỗi đau mà khi nói ra lại sợ người ta bảo mình là làm màu, không thực tế, cuối cùng chỉ có thể mình em hiểu. Chẳng thể đánh giá ai qua vẻ bề ngoài, hiểu được lòng em đâu là dễ dàng. Vậy em hãy sống bằng trái tim lương thiện của mình để đối mặt với cuộc sống, ” Tại sao em ít nói thế” sẽ luôn ở bên đồng hành cùng em.
Tĩnh lặng – sức mạnh tiềm ẩn thực sự của người hướng nội.
Dưới cái nhìn khách quan của tác giả, đã vén mở bức màn của những con người hướng nội đầy độc lập và sáng tạo trong mối quan hệ xã hội và công việc. Anh khẳng định rằng tờ báo Wharton Program for Working Professional đã miêu tả họ như những nhà lãnh đạo tuyệt vời. Từ đó tác giả dành tâm huyết viết về những khía cạnh tốt xấu của người hướng nội, để họ có thể tìm thấy một bản nhạc yêu thích, một công việc họ giỏi hay là lời khuyên trong giao tiếp. Cuốn sách “Tại sao em ít nói thế” không chỉ là tấm gương phản chiếu nội tâm độc giả, mà còn là con đường để tìm thấy nơi họ thuộc về.
Tình yêu của người hướng nội.
Xoay quanh những vấn đề ” Con trai hướng nội là người như thế nào? Chân dung một cô gái hướng nội giàu cảm xúc? Cưa đổ một người hướng nội, khó hay dễ ?…” Qua những trang văn, tác giả đưa độc giả đến với nội tâm đa cảm nhất của những con người trầm tư ít nói. Tình yêu của người hướng nội như thế nào? Nó không ồn ào, phô trương mà mang vẻ yên bình, lặng lẽ. Tình yêu trong “Tại sao em ít nói thế” giống như kim cương đá quý , giấu đi vẻ đẹp và giá trị của mình qua từng tầng sỏi đá gai góc, chỉ đến khi con người ta khám phá ra được, mới có thể ngưỡng mộ sự quý giá ấy.
Và em hãy yêu lấy bản thân vì em là một người hướng nội, em đừng cảm thấy tự ti vì sao em không thể sống khéo như mọi người, bởi em đã làm tốt rất nhiều điều khác. Điều em có thể hay chăng là sống với chính mình, dùng tất cả ưu điểm của em để đối mặt với cuộc sống.
Đọc “Tại sao em ít nói thế” để tìm kiếm bản thân, để chạm tới những điều thầm kín trong thế giới của người hướng nội- những con người lương thiện nhưng mạnh mẽ, ấm áp nhưng độc lập.
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về người hướng nội. Về tính cách, tình yêu của họ. Họ có vẻ trầm lắng vậy thôi chứ ở họ cũng có rất nhiều điều tích cực, hay và thú vị. Mà thật ra thì người hướng nội hay hướng ngoại không quan trọng đâu ạ . Quan trọng nhất vẫn là hướng thiện.
Theo: Linh Phương Bùi