Review sách Uber – Chuyến Đi Bão Táp

0

Uber – Chuyến Đi Bão Táp
Tác giả: Adam Lashinsky

Giới thiệu sách:
Uber là một trong những doanh nghiệp thú vị và gây nhiều tranh cãi nhất thế giới, vì ý tưởng đi chung xe thông minh, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và cả những cáo buộc nặng nề trước quyết tâm theo đuổi thành công bằng mọi giá của CEO Travis Kalanick. Bất chấp tầm quan trọng của công ty này với nền kinh tế và cuộc cách mạng trong ngành vận tải, cũng như trận chiến giành quyền thống trị toàn cầu của Kalanick với giới quan chức chính quyền và các công ty taxi trên khắp thế giới, câu chuyện đầy đủ về Uber vẫn chưa từng được kể. Đây là câu chuyện mà những người khởi xướng các công ty khởi nghiệp, giám đốc các doanh nghiệp truyền thống, độc giả yêu thích công nghệ, những tài xế và người sử dụng dịch vụ gọi xe sẽ bị hút vào qua từng trang sách.

Trong Chuyến đi bão táp, Adam Lashinsky – cây bút kỳ cựu của Fortune sẽ vén tấm màn tăng trưởng chóng mặt của Uber từ xuất phát điểm khó khăn đến những kế hoạch mở rộng dịch vụ dựa trên nền tảng và mạng lưới sẵn có của công ty. Uber đang chiến đấu với các đối thủ và nhà cầm quyền khắp nơi trên thế giới để chiếm lĩnh thị trường; họ đã đối mặt với những cuộc biểu tình ở các thành phố lớn như Paris, Rio de Janeiro và Mumbai. Họ đã đối đầu và thất bại trong cuộc chiến đắt đỏ và hao tâm tổn trí với Didi ở thị trường Trung Quốc. Uber cũng tuyển những kỹ sư từ các viện nghiên cứu hàng đầu để phát triển chiếc xe tự hành có khả năng thay thế những tài xế mà họ đã nỗ lực để tuyển dụng.

Uber là tiêu đề chính trên các mặt báo mỗi ngày nhưng còn rất nhiều điều về quá khứ và tương lai của công ty này mà chúng ta chưa biết. Lashinky sẽ kể cho chúng ta câu chuyện Uber qua cuốn sách giàu thông tin, được nghiên cứu kỹ lưỡng về công nghệ làm gián đoạn thị trường và vị CEO có tầm nhìn xa nhưng cũng đầy táo tợn.

Review sách:
Uber – Một công ty “vận tải” lớn nhất nhì thế giới mà không nắm trong tay một chiếc xe nào
Uber – Một công ty thay đổi tư duy kinh doanh
Uber – Câu chuyện về một huyền thoại trong bình minh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Uber “là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải dựa trên ứng dụng”, là một công ty còn rất trẻ, chỉ mới có 7 năm. Nhưng, chỉ trong 7 năm đó, đến năm 2017, Uber đã có mặt trên 50 quốc gia, và được định giá khoảng 70 tỷ USD. Thành công của Uber trở thành “hình mẫu cho nhiều ứng dụng và mô hình khởi nghiệp khác”

Uber không chỉ thành công mà có cả những thất bại: Thất bại ở thị trường đông dân nhất Thế giới Trung Quốc, và hiện nay, Uber đã rút chân khỏi thị trường Đông Nam Á. “Vực sâu và đỉnh cao chỉ cách nhau trong gang tấc”

Một cuốn sách kể về Uber, về người đồng sáng lập Uber – Kalanick. Kalanick – “là người sáng tạo hay kẻ cơ hội, một người làm việc nhóm hay một kẻ bắt nạt, cứng đầu hay thực dụng, một viên kim cương thô hay một tên côn đồ vô lương tri?”

Cuốn sách tựa như tựa đề, nói về Uber và CEO Travis Kalanick, vượt quan những bão táp trên hành trình thay đổi và thống trị thế giới.

Cuốn sách là sự kết hợp giữa tác giả Adam Lashinsky và Travis Kalanick, để viết lại câu chuyện về Travis và hành trình tạo nên Uber, từ một công ty công nghệ khởi nghiệp vô danh từ năm 2009, lớn mạnh vươn ra toàn thế giới, là một unicorn, một startup gây dựng giá trị lên tới 70 tỷ USD trong 6 năm. Uber không chỉ là một hiện tượng, công ty này còn thay đổi cuộc chơi vận tải hành khách trên toàn thế giới – gây ra sự khó khăn và phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp và hiệp hội taxi, sự căng thẳng liên quan đến các luật pháp tại nhiều thành phố và quốc gia, mở ra “nền kinh tế chia sẻ” và phát triển vũ bão trong các năm gần đây.

Travis là người đồng sáng lập ra các công ty khởi nghiệp như Scour hay Redswoosh, nơi đưa ông trở thành triệu phú, trước khi bước chân vào Uber. Ở quãng nghỉ sau khi bán các công ty của mình, ông tham gia các các startup khác với vai trò là cố vấn. Một trong số đó chính là Uber. Uber là ý tưởng của Garrett Camp nhưng người xây dựng và lãnh đạo để trở thành công ty toàn cầu chính là Travis. (Garret Camp không tham gia vào hoạt động của Uber, với vai trò là Chủ tịch và sau đó đã bán cổ phần cho Texas Pacific Group trong một vòng gọi vốn của Uber với giá 100 triệu USD, theo một cách nào đó, dưới sức ép của Travis).

Uber đã thay đổi hoàn toàn cách vận hành của nền công nghiệp vận tải taxi lạc hậu và lỗi thời, tạo nên sự hào hứng đối với tất cả khách hàng – những người có thể gọi chuyến xe cho mình từ bất cứ đâu, biết được giá cước, thanh toán qua thẻ tín dụng và theo dõi hành trình của tài xế ngay trên chiếc smartphone của mình mà không còn phải đối mặt với các tài xế taxi làm tiền và tổng đài taxi luôn khó chịu; là sự hào hứng đối với các đối tác – các lái xe có thể tận dụng thời gian linh động và phương tiện của mình để làm việc cho Uber. Đi kèm với hào quang luôn luôn là những tranh cãi xung quanh Uber và CEO Travis Kalanick.

Đó là những lời phàn nàn không ngớt từ khách hàng khi Uber áp dụng chính sách giá cao trong giờ cao điểm (theo Travis, điều này tuân theo quy luật cung cầu, giá cao vào giờ cao điểm sẽ hạn chế khách hàng và khuyến khích thêm các tài xế chạy xe – và ông luôn luôn bảo vệ chính sách này), là những cáo buộc liên quan đến hành vi quấy rối từ các tài xế – điều mà Uber luôn lờ đi và không giải quyết, có chăng là rất hạn chế, đối với các phản hồi từ khách hàng.

Đó là những bức xúc từ các đối tác – tài xế khi Uber thu phí quá cao (xung quanh 25%) trên mỗi chuyến đi của họ, là các chính sách thưởng ngày càng ít khiến họ phải lái xe nhiều hơn để đạt cùng mức thu nhập như trước đây, là các quyền lợi như bảo hiểm không được dành cho họ, là những lần trả lời các hỗ trợ của tài xế quá chậm trễ từ Uber.

Đó là sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp taxi trên toàn cầu. Uber đã thu hẹp thị trường của taxi truyền thống, khiến hàng ngàn tài xế mất việc, các doanh nghiệp taxi phá sản, gây ra sự lúng túng trong việc quản lý hoạt động của các địa phương do hoạt động này chưa từng có tiền lệ.

Là sự chỉ trích dành chính cho Travis vì những hành động và phát ngôn, là không chuẩn mực trước công chúng và giới truyền thông. Không những vậy, Travis được cho là đã lờ đi các cáo buộc liên quan đến lạm dụng thời gian làm việc và quấy rối tình dục trong nội bộ Uber – đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trên giới truyền thông.

Tuy vậy, tác giả cũng đã xây dựng hình ảnh Travis là một người hết lòng và làm việc không biết mệt mỏi để xây dựng nên Uber, nơi mà văn hóa doanh nghiệp thể hiện chính hình ảnh của vị CEO này.

Travis Kalanick

Cuốn sách còn dành riêng một phần để nói về cuộc chiến thị phần gọi xe nảy lửa của Uber và Didi Chuxing tại Trung Quốc, nơi mà Uber từng coi là thị trường lớn nhất của mình, gánh khoản lỗ lên tới 2 tỷ USD trước khi rút lui. Travis đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự phát triển ở đất nước này, điều mà Google đã thất bại. Nhưng trước Didi Chuxing, ông đã nhận ra rằng để đánh bại được đối thủ, một là trở nên hiệu quả hơn hoặc là chờ Didi hết tiền. Và hai điều này đều không thực sự khả thi. Uber quyết định từ bỏ Trung Quốc.

Sự “ra đi ngọt ngào” được đổi lại bằng thỏa thuận giữa hai bên để Uber nắm giữ 17,7% cổ phần của đối thủ Trung Quốc , đồng thời Didi Chuxing đầu tư 1 tỷ USD vào những hoạt động toàn cầu Uber. Hai bên đều có những ghế không có quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị của nhau. Travis và Uber rời đi trong tư thế ngẩng cao đầu và Trung Quốc thuộc về Didi Chuxing – startup được hậu thuẫn bởi hàng loạt ông lớn, trong đó có Alibaba và Tencent.

Uber cho rằng những yếu tố có thể gây gián đoạn quá trình vận hành của một công ty có thể là những đối thủ mới, phân khúc thị trường mới hay thay đổi khó đoán trong hành vi của người tiêu dùng. Nhưng xe tự hành có thể phá hủy hoàn toàn Uber nếu không thể làm chủ được công nghệ. Uber ý thức được tương lai của công nghệ xe tự hành và đã bắt tay vào nghiên cứu với những khoản đầu tư lớn và chiến lược rõ ràng. Bên cạnh đó, Google, Apple, Tesla, Volvo hay General Motors cũng đang chạy đua để là người chiến thắng trong cuộc đua mang tên xe tự hành. Tesla cho thấy tầm nhìn của Elon Musk khi phát triển công nghệ tự hành trên các mẫu xe điện của họ, mà các khách hàng có thể sử dụng xe của mình trong thời gian đi làm, đi du lịch để có thêm thu nhập, chỉ bằng cách cho phép Tesla sử dụng chế độ tự hành trên xe của họ – là khi Tesla trở thành đối thủ của Uber trong tương lai. Travis cho rằng Uber phải bắt kịp cuộc đua này.

Uber đã thay đổi hành vi khách hàng trên toàn thế giới, họ khiến hành khách và tài xế hào hứng, sau đó thì chán ghét và cuối cùng ít nhiều trở nên thỏa mãn. Họ tận dụng công nghệ sẵn có, mở ra cơ hội cho hàng loạt các công ty khởi nghiệp thử nghiệm các mô hình tương tự. Họ được ngưỡng mộ nhưng không được yêu mến.

Nhưng, điều đã bị bỏ lỡ:

Quan hệ giữa Travis và các nhà đầu tư

Tác giả đã khắc họa Travis Kalanick là người rất giỏi trong việc định giá và kêu gọi đầu tư vào Uber. Ông không định giá mà khơi gợi nhu cầu để nhà đầu tư tự định giá, tạo nên sự hứng khởi đối với tất cả các nhà đầu tư, cùng với đó là mô hình hoạt động vô cùng tiềm năng. Travis đưa các nhà đầu tư vào mê cung của các chỉ số tài chính, mà ở đó họ không thể có một mẫu số chung cho tất cả, mỗi người đều phải tự xác định giá trị Uber dựa vào kinh nghiệm và giác quan của mình. Chính điều đó đã tạo nên những vòng gọi vốn vô cùng thành công, đưa giá trị Uber và tên tuổi Travis vào lịch sử – là một trong những startup giá trị nhất thế giới. Nhà đầu tư Uber không chỉ gói gọn trong các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty công nghệ mà bao gồm các quỹ tương hỗ, quỹ phòng hộ, quỹ đầu tư chính phủ, quỹ hưu trí,… Có lẽ vì một danh sách phức tạp các nhà đầu tư đã gây ra khó khăn cho chính Uber và nhà sáng lập của nó.

Đây chính là mấu chốt của mọi công ty khởi nghiệp. Mọi vấn đề phát sinh giữa Founder và Investors sẽ gây rắc rối cho công ty, làm ảnh hưởng đến định hướng và tốc độ phát triển, mâu thuẫn và thiếu nhất quán trong nội bộ. Nếu mọi thứ được đẩy đến mức không thể cứu vãn, cuộc chia tay là điều tất yếu.

Tuy nhiên, Tác giả đã chưa đề cập đến mối quan hệ nhạy cảm này xuyên suốt cuốn sách, là nguyên nhân dẫn đến những sự xung đột sau đó. Đây là có thể là một quá trình mâu thuẫn kéo dài, sự xung đột lợi ích, định hướng và phong cách quản trị không thể hàn gắn. Có thể là do Travis không muốn đề cập đến vấn đề này, hoặc một cách nào đó, tác giả đã không có kế hoạch cho nó. Dù sao đi nữa, một chủ đề rất đáng chờ đợi đã bị bỏ qua.

Bên cạnh đó, cuốn sách chưa khắc họa đầy đủ và chi tiết về hành trình của Travis và Uber như các tác phẩm khác của Adam về Steve Jobs và Apple…. Nếu để so sánh thì “Chuyến đi bão táp” chưa đạt đến kỳ vọng của người đọc như tôi. Có lẽ một phần đến từ Travis khi ông không sẵn sàng chia sẻ mọi thứ về mình và đứa con Uber.

“Chúng ta phải theo đuổi huy chương vàng để chắc chắn nắm được huy chương bạc”.

“Biết cái đúng, tranh đấu cho nó, đừng ngu ngốc cam chịu. Và khi làm điều đó, bạn tạo ra điều gì đó thực sự khác biệt, bạn sẽ có một số kẻ thù. Hãy làm quen và chấp nhận nó”.

Các dấu mốc sau khi cuốn sách hoàn thành.
Ngày 21/6/2017, Travis, dưới sức ép của các nhà đầu tư, đã từ chức CEO Uber sau rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ông vẫn ở Hội đồng quản trị và sở hữu phần lớn cổ phần biểu quyết.

Ngày 25/12/2019, Travis Kalanick chính thức tuyên bố rời khỏi Uber mãi mãi sau khi bán 90% cổ phần trị giá 2,5 tỷ USD tại Uber, chấm dứt 10 năm bão tố từ ngày đầu thành lập công ty công nghệ này.

Nguồn: doyoubuzz

Leave a comment