Sách Búp Sen Xanh
Búp Sen Xanh
Tác giả: Sơn Tùng
Giới thiệu sách:
Tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng là một trong những tác phẩm đặc sắc viết về Bác Hồ mang đậm chất dân gian nói chung và dân gian xứ Nghệ nói riêng. Tác phẩm đã đưa người đọc trở về thời niên thiếu của Bác Hồ, từ lúc cất tiếng khóc chào đời tại làng Chùa quê ngoại, đến khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 20 đầy khát vọng.
Trong cái nôi của một vùng đất giàu bản sắc văn hóa mà truyền thống gia đình là dưỡng chất đầu đời hình thành nên nhân cách lớn, Nguyễn Sinh Côn-Nguyễn Tất Thành đã sớm được giáo dục chu đáo, không chỉ chữ nghĩa của đạo thánh hiền mà còn là bài học về đạo làm người, về lẽ sống và ứng xử ở đời. Có thể nói, cái hạnh phúc lớn nhất của cậu bé Côn là được sinh ra và nuôi dưỡng trong một mái ấm mà cả ông-bà-cha-mẹ đều là những “bảo tàng sống” về văn học bình dân.
Riêng về người mẹ của Người- bà Hoàng Thị Loan, quả là một hình mẫu tuyệt vời của một người phụ nữ thảo hiền. Người phụ nữ đó đã suốt đời vì chồng, vì con và luôn sẵn sàng khi “ai đứt bữa, ai tắt lửa tối đèn, bà chìa tay giúp đỡ trong tình lá lành đùm lá rách”.
Đọc “Búp sen xanh” luôn văng vẳng bên ta những tố chất đậm chất dân gian xứ Nghệ: “Từ cánh đồng sâu cách nơi chị em nho Sắc cấy hai thửa ruộng, một giọng hát trong trẻo cất lên:
“Chim khôn ăn trái nhãn lồng
Gái ngoan nuôi chồng nấu sử sôi kinh
Thi Hương, thi Hội, thi Đình
Tên chồng trên bảng xướng danh rõ ràng
Ngày về áo mão vua ban
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”
. Và rồi, người phụ nữ ấy mặc dù đã rơi lệ khi nghe tin chồng mình đỗ đạt và dân làng đang chuẩn bị “đón quan tân khoa” vẫn điềm tĩnh bảo với An (một nhân vật trong “Búp sen xanh”: “An về trước đi em. Chị ở lại cấy cho hết số mạ ni kẻo hỏng mất. Ông nghè ông cống cũng sống về ăn, em ạ”. Có lẽ cái tố chất dân gian trên đã ngấm vào tâm hồn cậu bé Côn nên khi cậu nghịch ngợm, bị ông cử Sắc “truy tội” và bắt nhắc lại lời mẹ dặn, cậu bé Côn đã không ngần ngừ nhắc lại rằng: “Mệ nhủ: Nhà có phúc sinh con giỏi lội, nhà có tội sinh con hay trèo”.
Rồi cậu bé Côn theo cha vào kinh đô Huế. Trên đường đi, và lần đầu tiên thấy biển, thấy thuyền, Côn ngân nga đọc: “Biển là ao lớn/Thuyền là con bò/Thuyền ăn gió no/Lội trên mặt nước/Em nhìn thấy trước/Anh trông thấy sau/ Ta lớn mau mau/Vượt qua ao lớn”. Cái thiên tư khác thường ở cậu bé Côn cứ dần bộc lộ. Đến kinh thành Huế, Côn vẫn nhận thấy số người nghèo nhiều hơn số người giàu và diễn tả nó theo cách nói của người cha: Người giàu như chóp nón, còn người nghèo như vành nón.
Vì thế, vẫn có những người mù đi hát dạo. Trong Côn, hình ảnh ông xẩm mù ở quê nhà vụt hiện lên với câu nói nhói lòng: Mắt mù không đáng sợ bằng sáng mắt mà tim mù, cùng với câu xẩm như găm vào tâm trí: “… Trách ông trời chuyển vận làm sao… Thiệt công bao kẻ anh hào ra tay… Nước Nam ta sao lại có Tây…”. Rồi ở Huế, Côn đau nỗi đau mất mẹ. Em Xin khát sữa khóc ngằn ngặt. Côn cất tiếng ru em, lời ru thật buồn: À ơi. Bồng bồng bế bế bồng bồng…/ Cò con theo mẹ sang sông đắm đò…/ À ơi đắm đò ướt hết thân cò…/ Cò con cò mẹ lò dò sang sông…/Bồng… bồng… bế… bế… ớ… bồng… ơ… bồng.
…Rời kinh thành Huế, “quan Phó bảng” về quê. Quê nội, quê ngoại đều muốn đua nhau làm nhà đón quan “vinh quy”. Quan Phó bảng từ chối và nói: Thưa bà con, tôi luôn nhớ và làm theo bằng được cái điều: Thực kỳ thực bất hủy kỳ khí, ấm kỳ thụ giả bất chiết kỳ chi. Nghĩa là: Ăn cơm xong đừng đập bát, ngồi mát dưới bóng cây chớ bẻ cành. Cả khối người reo lên cùng tiếng trống tiếng chiêng. Quan Phó bảng Sắc chắp hai tay giơ cao qua đầu nói: “Xin bà con để tôi cùng đi bộ về kẻo mất ngày mất buổi”. Từ tấm gương của mình, quan Phó bảng Sắc đã ngầm dạy con rằng: Làm quan phải biết thương dân. Thương dân dân quý; hại dân dân căm. Côn à lên một tiếng và nói: Bây giờ con mới hiểu ra cái ý nghĩa câu vè mà bà ngoại thường nói vui:
“Dân vạn đại, quan nhất thời
Ghế quan ai ngồi xin chớ thờ ơ
Thương dân, dân lập đền thờ
Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương.”
Rồi cậu bé Côn vào Nam. Trở thành thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Thầy giáo Tất Thành được học trò yêu mến vì luôn dạy các em phải biết yêu nước, thương nòi: “Nước Việt Nam ta được như ngày nay ta đừng quên công lao của bao đời đã đổ mồ hôi và máu. Người ta thường nói: “Tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào” là từ gốc tích ấy.
Giọng thầy đọc trầm bổng thiết tha:
“Sông sâu nước chảy nặng dòng
Lòng ta có khác chi lòng mình đâu
Dầu Nam, dầu Bắc mặc dầu
Cùng chung Tổ quốc, cùng sầu Nước Non”.
Cả lớp nhất không một em nào động tay, động chân, lắng hồn đón nhận từng lời thầy như đêm dày được ánh sáng soi vào”. Không những thế, thầy còn truyền cho các em cái chí lớn vượt qua biển cả, xóa đời nô lệ, giành đời tự do, hòa nhập với cộng đồng năm châu bốn bể.
Với cái chí lớn “vượt qua biển cả” đó, một ngày đầu tháng 6-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành, lấy tên là Văn Ba lên tàu ra khơi trên chặng hành trình dài tìm đường cứu nước.
Cảm nhận về sách: “Búp sen xanh” của Sơn Tùng:
“Búp sen xanh” của tác giả Sơn Tùng – tựa sách này gợi cho bạn những gì? Có thể nhiều người biết đến rồi, có người chắc là chưa từng nghe. Nội dung cuốn sách tôi sẽ không kể rõ vì đây là một câu chuyện viết về một nhân vật mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng biết. Một nhân vật gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Hồ Chí Minh – chính là Bác Hồ thân yêu của chúng ta. Thật sự tôi không nhớ rõ hình ảnh về Người đã xuất hiện trong tôi từ bao giờ nữa, nhưng mà dù bằng cách này hay cách khác Bác Hồ đối với tôi có một ý nghĩa không thề nào thay thế được. Tôi yêu gia đình mình, tôi yêu đất nước Việt Nam này và cũng với tình cảm đó tôi yêu kính Bác bằng cả một tấm lòng.
Đôi khi bạn không thể lí giải được việc tại sao mình lại yêu thích một điều gì đó, không cần lý do. Bạn yêu cha mẹ mình vì đơn giản đó là cha mẹ của bạn, là người nuôi nấng, yêu thương, chăm sóc bạn suốt cả cuộc đời; bạn yêu Tổ quốc vì đó là nơi bạn được sinh ra và lớn lên, là những gì quen thuộc và thân thương nhất; còn nhiều tình yêu nữa mà không thể kể hết được. Tôi yêu Bác Hồ có thể chỉ đơn thuần vì “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Càng hiểu về Bác ta lại càng yêu Bác nhiều hơn, tôi nói ở đây là lời nói xuất phát từ trong tâm tưởng của tôi, không sáo rỗng, không khuôn khổ. Vì tôi không phải theo học nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nên tôi sẽ không cố chứng minh là những gì tôi viết bạn sẽ hiểu, sẽ cảm nhận được. Tôi viết cho tôi, cho những người thật sự yêu kính Bác.
Trước hết phải nói rõ là quyển sách này không phải là hồi ký hay một quyển sách lịch sử. Tác giả Sơn Tùng kể về Bác tất nhiên là dựa trên những mốc quan trọng của cuộc đời Người nhưng bằng văn phong tiểu thuyết. Một số chi tiết trong sách là không thể xác thực được, vì vậy để cảm thấy không thiên hướng áp đặt khi đọc quyển sách này hãy tạm thời gạt đi những hiểu biết vốn có về Bác để có thể cảm nhận trọn vẹn quyển sách này. Đây là một câu chuyện về toàn cảnh gia đình của cậu bé Nguyễn Sinh Cung và những nhận thức và bước đi đầu tiên của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng.
Hồ Chí Minh trong tâm khảm của đa số mọi người là hình ảnh một vị lãnh tụ yêu nước thương dân, hy sinh cả cuộc đời để giải phóng dân tộc, giành tự do ấm no cho nhân dân. Nhưng “Búp sen xanh” đem lại cho bạn một hình ảnh khác, hoàn toàn không đối lập mà là một tiền đề quan trọng hình thành nên một nhân cách lớn sau này.
Gia đình là cái nôi bắt nguồn nhân cách của con người, là nhân tố quan trọng nhất góp phần nên tính cách của mỗi người. Và Bác Hồ là một ví dụ không thể tốt hơn, không cần phải phân tích kĩ hơn nữa gia cảnh của Người. Quan trọng nhất là từ nhỏ Bác đã được dạy dỗ một cách chuẩn mực và tiếp thu được tư tưởng vì nước vì dân từ ông ngoại – cụ Hoàng Xuân Đường và cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc. Nhận được tấm lòng yêu thương của mẹ – cụ bà Hoàng Thị Loan – một hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam vì chồng vì con, do đó cả cuộc đời Bác đều hết sức đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ, lúc nào cũng dành cho phụ nữ một tấm lòng trân trọng, trìu mến nhất.