Sơ đồ tư duy Sự giàu đẹp của Tiếng Việt chi tiết đầy đủ và ngắn gọn
Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Sự giàu đẹp của Tiếng Việt dễ nhớ, hay nhất với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, …. Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Sự giàu đẹp của Tiếng Việt sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của Sự giàu đẹp của Tiếng Việt.
A. Sơ đồ tư duy Sự giàu đẹp của Tiếng Việt
B. Tìm hiểu Sự giàu đẹp của Tiếng Việt
I. Tác giả
– Đặng Thai Mai (1902-1984) quê ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
– Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội có uy tín.
– Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông vừa dạy học, hoạt động cách mạng, vừa sáng tác và nghiên cứu văn học.
– Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền và các cơ quan văn nghệ, đồng thời viết một số công trình nghiên cứu văn học có giá trị lớn.
– Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
II. Tìm hiểu chung tác phẩm:
1. Thể loại: nghị luận
2. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ
Sự giàu đẹp của tiếng Việt (tên bài do người soạn sách đặt) là đoạn trích ở phần đầu của bài nghiên cứu Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, in lần đầu vào năm 1967, được bổ sung và đưa vào Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập II.
3. Bố cục:
+ Phần 1: Từ đầu đến qua các thời kì lịch sử: Nhận định chung về sự giàu đẹp của tiếng Việt.
+ Phần 2: Còn lại: Chứng minh cái giàu đẹp của tiếng Việt về các mặt: ngữ âm, từ vựng, cú pháp.
4. Giá trị nội dung:
Bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc.
5. Giá trị nghệ thuật
– Kết hợp khéo léo giữa lập luận giải thích, chứng minh, bình luận.
– Lập luận chặt chẽ.
– Dẫn chứng phong phú, bao quát toàn diện.
– Câu văn mạch lạc, trong sáng, sử dụng nhiều biện pháp mở rộng câu.
III. Dàn ý bài phân tích tác phẩm
1. Nhận định về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt
Tiếng Việt có những phẩm chất của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.
– Tiếng Việt đẹp:
+ Nhịp điệu (hài hoà về âm hưởng, nhịp điệu)
+ Cú pháp (tế nhị, uyển chuyển trong đặt câu)
– Tiếng Việt hay:
+ Đủ khả năng diễn đạt tư tưởng, tình cảm của người Việt
+ Thoả mãn nhu cầu đời sống văn hoá qua các thời kì lịch sử
→ Lập luận ngắn gọn, rành mạch; trình bày ý đi từ khái quát đến cụ thể người đọc dễ theo dõi, dễ hiểu.
2. Chứng minh cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt
– Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp: giàu chất nhạc, uyển chuyển:
+ Dẫn chứng thực tế: nhận xét của người ngoại quốc, lời nói của một giáo sư nước ngoài
+ Dẫn chứng khoa học: cấu tạo đặc biệt của Tiếng Việt (hệ thống nguyên âm, phụ âm khá phong phú, giàu thanh điệu, giàu hình tượng)
⇒ Dẫn chứng khách quan và tiêu biểu.
⇒ Nghị luận bằng cách kết hợp chứng cứ khoa học với dẫn chứng đời sống làm cho lí lẽ trở nên sâu sắc.
– Tiếng Việt là một thứ tiếng hay:
+ Thỏa mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa con người với con người
+ Thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của đời sống ngày một phức tạp về mọi mặt:
- Dồi dào về cấu tạo từ ngữ, hình thức diễn đạt
- Từ vựng: tăng lên qua các thời kì
- Ngữ pháp: dần dần trở nên uyển chuyển, chính xác hơn
- Ngữ âm: không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hóa những từ và cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng.
⇒ Mối quan hệ giữa cái hay và cái đẹp của tiếng Việt: cái đẹp và cái hay có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau tạo nên sức sống cho tiếng Việt.
⇒ Lí lẽ và các chứng cứ khoa học, thuyết phục người đọc ở sự chính xác khoa học và tin vào cái hay của tiếng Việt.
⇒ Sự giàu đẹp của tiếng Việt là chứng cứ về sức sống của tiếng Việt.
IV. Bài phân tích
Trải qua bao thăng trầm của đất nước, người Việt Nam ta giờ đây đã có thể tự hào về tiếng nói và chữ viết của mình. Tiếng Việt ta giàu đẹp như thế nào là vấn đề đã được không ít các nhà nghiên cứu quan tâm. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng có bài viết Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, nhà phê bình Đặng Thai Mai có Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc và không thể không kể đến Sự giàu đẹp của Tiếng Việt một đoạn trích tiêu biểu của tác giả Đặng Thai Mai.
Bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt (tên bài do người soạn sách đặt) là đoạn trích ở phần đầu của bài nghiên cứu Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, in lần đầu năm 1967, được bổ sung và đưa vào Tuyển tập Đặng Thai Mai. Tuy là đoạn trích, song văn bản mà chúng ta được đọc vẫn có cấu tạo khá trọn vẹn như một áng văn nghị luận thể văn chứng minh nói về sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Trong câu mở đầu, tác giả khẳng định giá trị to lớn và địa vị quan trọng của tiếng Việt: Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó. Hai câu này mang tính chất gợi dẫn vào vấn đề, người đọc khi đọc đến đây, tất nhiên phải nảy ra trong trí những câu hỏi tức thời và tự nhiên, chẳng hạn: Những lí do đầy đủ và vững chắc ấy là gì? Vì sao chúng ta lại có thể tự hào và tin tưởng vào tương lai của tiếng Việt? Từ đó, ông đưa ra luận điểm bao trùm: Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Câu này giới thiệu trực tiếp vấn đề của bài: Đặc sắc của Tiếng Việt là hay và đẹp. Nhưng tác giả không viết gọn như vậy mà cố ý tách ra, lặp ngữ để thêm phần trang trọng (một thứ tiếng). Vì vậy, luận điểm trên tự nó đã hàm chứa 2 luận điểm phụ cần phải làm rõ, đó là: Tiếng Việt rất đẹp; Tiếng Việt rất hay. Và những câu tiếp theo cũng nằm trong phần đặt vấn đề và mang tính chất giải thích cụ thể hơn, rõ hơn một cách khái quát 2 đặc điểm hay và đẹp đó.
Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm; tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử. Vẻ đẹp của Tiếng Việt được thể hiện qua hai yếu tố: nhịp điệu (hài hòa về âm hưởng và thanh điệu) và cú pháp (tế nhị uyển chuyển trong cách đặt câu). Như vậy ta thấy cách giải thích đó rất rõ ràng khúc chiết: Hài hoà âm hưởng, thanh điệu là nói về mặt phát âm, ngữ âm; tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu là xuất phát trên bình diện cú pháp, ngữ pháp. Đó là xét từ nội bộ cấu trúc ngôn ngữ mà đánh giá giá trị của ngôn ngữ – một cách nhìn rất khoa học, rất cơ bản. Những giá trị cái hay, cái đẹp của một ngôn ngữ còn phải được biểu hiện ở khả năng diễn đạt tư tưởng tình cảm và thoả mãn yêu cầu của đời sống văn hoá dân tộc qua các thời kì lịch sử. Tiếng Việt cũng có đủ khả năng ấy. Đó là xét về mục đích và tính thực tiễn, văn hoá và lịch sử của tiếng nói. Cách giải thích, đánh giá như vậy quả thật không chỉ sâu sắc mà còn mang tầm khái quát rất cao, thể hiện một cách nhìn và tầm văn hoá uyên bác của người viết. Đặc sắc của đoạn văn là ở chỗ: nó rất mạch lạc, mẫu mực từ bố cục nhỏ đến từng câu văn, từng hình ảnh.
Luận điểm thứ nhất: tác giả khẳng định và chứng minh Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó,… của một thứ tiếng khá đẹp. Nét đẹp ấy được minh hoạ bằng các dẫn chứng về giàu chất nhạc (trong ngữ âm, tiếng Việt có hai thanh bằng, bốn thanh trắc, thanh điệu phong phú. Trong cú pháp, tiếng Việt cân đối, nhịp nhàng, về từ vựng, tiếng Việt dồi dào vốn từ về cả ba mặt thơ, nhạc, hoạ). Do đó, nhà nghiên cứu khẳng định: tác dụng của đặc tính này đối với văn học là rất quan trọng. Đễ hỗ trợ cho các dẫn chứng về khoa học, tác giả bổ sung thêm dẫn chứng thực tế. Ông kể: nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta nhận xét rằng tiếng Việt là thứ tiếng giàu chất nhạc. Rồi ông dẫn ý kiến một giáo sư nói: tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Xen kẽ các dẫn chứng, tác giả dùng phép so sánh “tiếng Việt… giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng”. Những dẫn chứng phong phú, đa dạng, cách liên tưởng và viết câu nhịp nhàng, uyển chuyển như thế chứng tỏ nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai rất thích thú, say sưa và tự hào về chất nhạc của tiếng nói Việt Nam. Còn chúng ta, đọc văn của ông, cũng cảm thấy bị lôi cuốn. Chúng ta nhớ đến những bài thơ, những áng văn sống động, đa thanh, giàu chất nhạc trong kho tàng văn học Việt Nam. Ta hãy đọc đoạn thơ sau trong bài Lượm:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.
Ca nô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Đậu trên đường làng.
Nhạc tính của tiếng Việt đã tấu lên những âm sắc, những thanh điệu, cú pháp đẹp đẽ, uyển chuyển, sinh động biết bao trong đoạn thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu. Và chúng ta nhớ tới bao nhiêu câu tục ngữ, bài ca dao, cả những câu nói bình thường hàng ngày ta nghe từ tiếng nói của mẹ cha, ông bà, của thầy, cô và bè bạn. Làm sao minh hoạ cho hết được tính nhạc, cái đẹp của tiếng Việt Nam chúng ta.
Sau khi chứng minh chất nhạc – vẻ đẹp – nhà nghiên cứu khẳng định tiếp: tiếng Việt là thứ tiếng hay. Tiếng Việt hay như thế nào? Tiếng Việt thoả mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa người với người; thoả mãn yêu cầu của đời sống văn hoá ngày một phức tạp. Có thể khẳng định Tiếng Việt của chúng ta dồi dào về cấu tạo từ ngữ, về hình thức diễn đạt; Từ vựng tăng lên mỗi ngày một nhiều; Ngữ pháp uyển chuyển, chính xác hơn; Không ngừng đặt ra những từ mới, cách nói mới hoặc Việt hoá những từ và những cách nói của các dân tộc anh em. Chúng ta có thể chứng minh luận điểm trên bằng những tác phẩm văn chương đã học. Đoạn thơ sau trong Chinh phụ ngâm khúc là một ví dụ:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chẳng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Các sắc thái xanh được miêu tả một cách tài tình trong câu thơ. Giữa hai đầu xa cách giờ đây là một màu xanh bất tận. Ở khổ thơ trên, tác giả đã mượn những địa danh quen thuộc trong văn chương cổ như Hàm Dương, Tiêu Tương (dẫu chỉ là ước lệ) để diễn tả độ xa cách, nhưng đến khổ thơ cuối này thì sự xa cách đã tới độ bóng người đi hoàn toàn mất hút vào ngàn dâu xanh ngắt. Trớ trêu thay, cái màu xanh vốn tượng trưng cho sức sống và hi vọng ấy trong tình cảnh này chỉ gợi nên một không gian mênh mang nhuốm màu li biệt.
Rồi ông minh hoạ bằng vài nét khái quát: tiếng Việt có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ, về hình thức diễn đạt, ngữ pháp đang dần dần uyển chuyển hơn, chính xác hơn, không ngừng đặt ra những từ mới, cách nói mới, đồng thời Việt hoá những từ và cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng… Dồn dập những dẫn chứng, vừa mang tính khoa học vừa đậm chất thực tế. Điều đó giúp chúng ta vừa nâng cao hiểu biết về lí thuyết vừa thúc đẩy chúng ta liên hệ thực tế, để cảm thông, chia sẻ với tác giả niềm say mê trong khám phá khoa học và tình yêu tiếng mẹ đẻ Việt Nam. Ngoài Tố Hữu, qua các câu tục ngữ, các bài ca dao, chúng ta còn được học biết bao tác phẩm văn chương của cha ông xưa từ Trần Quang Khải, đến Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến,… những tác phẩm của Bác Hồ, của các nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng, các nhà thơ Minh Huệ, Xuân Quỳnh,… trong thời đại ngày nay. Nhờ sự giàu và đẹp của tiếng Việt mà các văn nghệ sĩ sáng tạo ra biết bao áng văn chương tuyệt tác và cũng nhờ sự sáng tạo và tình yêu tiếng nói Việt Nam của các tác giả mà tiếng Việt càng ngày càng giàu, càng đẹp hơn, sức sống càng ngày càng dồi dào hơn.
Về nội dung, tác giả đã có một phát hiện khoa học lí thú về vẻ đẹp tiếng nói Việt Nam. Về nghệ thuật, bài văn cũng đạt tới trình độ đáng khâm phục, đáng học tập: kết hợp giải thích với chứng minh, bình luận nhẹ nhàng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng khá toàn diện, bao quát, viết câu linh hoạt, dùng câu rút gọn (ở phần đầu), phối hợp với câu mở rộng (ở phần hai)…
Tóm lại, Tiếng Việt đang đứng trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ để phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội dân tộc và quốc tế nhưng cũng cần phải giữ được bản sắc và sự trong sáng vốn có của mình. Chính vì vậy, Bác Hồ đã từng phê phán sự lạm dụng từ Hán – Việt, nói tắt, nói chen từ nước ngoài, cần chống khuynh hướng sính ngoại, sùng ngoại đó. Bản thân là một học sinh, chúng ta cần giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt. Biết trân trọng, yêu quý tiếng nói giàu đẹp của dân tộc. Tác giả đã khơi dậy trong lòng chúng ta lòng tự hào và ý thức bảo vệ sự giàu đẹp của tiếng Việt. Yêu tiếng mẹ đẻ là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước. Đọc và suy ngẫm kĩ về bài văn trên, chúng ta càng thêm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của tiếng Việt.
V. Một số lời bình về tác phẩm
1. Tiếng Việt của chúng ta rất giàu; tiếng ta giàu bởi dòng giống muôn màu đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta… Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói…
(Phạm Văn Đồng)
2.
Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu rỏ
…
Ôi Tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.
(Lưu Quang Vũ, Tiếng Việt)