Soạn bài Bố cục trong văn bản

0

Soạn bài Bố cục trong văn bản

1. Bài tập 1, trang 30, SGK.
Trả lời:
Để làm được bài tập này, HS cần chú ý quan sát, ghi nhớ (hoặc ghi chép lại, nếu cần) và phân tích, nhận xét những lời nói (bài viết) của mình, của những người xung quanh hoặc những gì mà mình đã nghe (đọc) được trong thực tế sống và học tập.
2. Tìm bố cục của bài thơ ngụ ngôn Lão nông và các con (văn bản in ở trang 33, SGK).
Trả lời:
Cần chú ý làm tốt cả hai công việc chính :
a) Chia đoạn : Hãy xét xem, trong bài thơ Lão nông và các con, 2 câu đầu và 4 câu cuối khác với những câu còn lại và khác với nhau ở chỗ nào ? Từ đó, có thể cho rằng tác phẩm cũng được viết ra theo cách bố cục quen thuộc, với 3 phần mở, thân và kết bài được hay không ?
b) Đánh giá : Hãy xét xem, những câu nêu lên tư tưởng chung của toàn bài có đòi hỏi một sự minh hoạ cụ thể, rõ ràng ở phần kế tiếp không ? Rồi sau đó, có cần phải có một phần kết thúc để chứng tỏ câu chuyện ở phần thứ hai là hoàn toàn phù hợp với chân lí được nêu ở phần thứ nhất hay không ? Và từ đó, có thể cho rằng bài thơ đã có một bố cục thực sự hợp lí và chặt chẽ hay không ?
3. Bạn Trịnh Phương Mai, học sinh Trường THPT Hà Nội – Am-xtéc-đam đã viết bài thơ kể lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau :
THẦY BÓI XEM VOI
 Có năm ông thầy bói
Rủ nhau đi xem voi.
 Thầy thứ nhất sờ vòi,
       Bảo rằng : voi giống đỉa.
 
    Thầy thứ hai mai mỉa :
  “Voi giống đỉa là sao ?
 Nó sừng sừng to cao
  Như cột đình ấy chứ”.
 
  Thầy thứ ba hậm hự :
“Chú ăn nói lạ kì !
    Voi chần chẫn khác gì
      Cái đòn càn gánh rạ !”.
 
   Thầy thứ tư buồn bã :
  “Các bác bảo thế nào,
Voi tun tủn làm sao
       Giống hệt như chổi xể !”.
  
      Thầy thứ năm nhỏ nhẹ :
“Các anh sai cả rồi,
Tôi sờ nắn một hồi
        Thấy voi nh ư cái quạt !”.
 

      Cả năm ông nháo nhác,
     Xỉa xói, đánh cãi nhau.
     Đến mẻ trán bươu đầu,
       Không ai chịu thua cuộc.
 
                Nực cười thay năm ông thầy bói
         Kẻ sờ vòi, người mới sờ tai.
       Thế mà dám phán mới tài,
                    Chúng ta được một ở hài nghe chơi.
 
             Ngẫm ra : đây chuyện răn đời !
Có thể coi bài thơ này cũng có bố cục ba phần giống với bài thơ Lão nông và các con không ? Vì sao ?
Trả lời:
Thử đánh giá xem nhận xét sau đây có đúng không :
So với bài thơ Lão nông và các con, bài Thầy bói xem voi của bạn Phương Mai không có đoạn giới thiệu tư tưởng chung trước khi đi vào kể chuyện.
4. Bài tập 3, trang 30-31, SGK.
Trả lời:
Cần đọc kĩ bố cục được nêu trong bài tập để :
a) Xét xem đó đã thật đúng là một bản báo cáo kinh nghiệm học tập chưa (ví dụ : các điểm (1), (2), (3) của Thân bài là kể về việc học tốt của bản thân hay là sự trình bày kinh nghiệm học tốt ; còn điểm (4) có phải là nói về việc học tập hay không) ?
b) Từ đó, suy nghĩ xem một bản trình bày kinh nghiệm học tập cần được bố cục thế nào (ngoài lời chào mừng, ở phần Mở bài, có cần phải giới thiệu về bản thân không ; phần Thân bài có cần được sắp xếp theo cách lần lượt nêu từng kinh nghiệm đã được rút ra từ thực tế học tập không, và sau đó, có cần nêu cụ thể tác dụng tốt của những kinh nghiệm ấy hay không ; còn ở Kết bài, trước khi chúc Hội nghị thành công, có cần nói lên nguyện vọng muốn được các bạn trao đổi, góp ý cho bản báo cáo của mình không).
5. Với đề bài Em hãy kể lại câu chuyện về chú bé Lượm theo đúng nội dung và ngôi kể như trong bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu, bạn em định xây dựng bố cục cho bài viết của mình như sau :
(I) Mở bài : Giới thiệu chung về Lượm và về nỗi thương tiếc đối với chú bé liên lạc ấy.
(II) Thân bài : Kể lại câu chuyện về chú bé hồn nhiên và anh dũng :
(1) Qua hồi ức về cuộc gặp gỡ giữa hai chú cháu ở Huế trong những ngày đầu kháng chiến.
(2) (…)
(III) Kết bài : Cảm nghĩ của người kể chuyện : xót thương, cảm phục và không thể nào quên hình ảnh của người thiếu niên ngây thơ mà dũng cảm.
Hãy điền vào chỗ có dấu (…) một ý thích hợp, để làm cho bố cục bài trở nên đầy đủ, rành mạch và hợp lí.
Trả lời:
Đọc lại thật kĩ bài thơ Lượm để xem có (hay không) nên điền ý sau đây vào chỗ có dấu (…) : Qua lời kể về giờ phút hi sinh đẹp đẽ, thiêng liêng của Lượm trong chiến đấu.
Tham khảo bài viết sau :
Nhiều ngày đã trôi qua, nhưng sao lòng tôi vẫn không thể nguôi ngoai được. Cái chết của chú bé liên lạc ấy cứ làm con tìm tôi xao động mãi trong niềm mến yêu và thương xót. Lượm ơi ! ! !
Ngày ấy, cứ như là chỉ mới đâv thôi, tôi từ Hà Nội về, và tình cờ làm sao, hai chú cháu tôi lại gặp nhau trên đất cố đô đang đổ máu. Ôi, hình ảnh của chú bé Lượm lúc ấy sao mà hồn nhiên, đáng yêu đến thế ! Dáng người loắt choắt, chiếc xắc xinh xinh đeo chéo người càng như làm cho Lượm thêm nhỏ lại. Chiếc mũ ca-lô đội lệch trên cái đầu nghênh nghênh thật dễ yêu, miệng huýt sáo không ngừng, đôi chân thoăn thoắt, trông Lượm của tôi sao giống với chú chim chích kia, chú chim đang lách chách nhảy trên con đường quê tràn ngập màu vàng của rơm và của nắng.
– Cháu đi liên lạc, vui lắm chú à !
Lượm nói với tôi, giọng ngây thơ và trong sáng như không hề biết tới những hiểm nguy đang rình rập. “Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà”, cháu nói những lời ấy, và môi cháu nở nụ cười. Ồ, cái nụ cười thánh thiện và trong ngần đến nỗi tôi dám chắc kẻ nào đang tâm làm tắt một nụ cười như thế dưới làn súng đạn thì kẻ đó đã không còn là một con người…
Rồi cháu chào tôi, và lại đi, để lại trong tôi hình ảnh một đôi má bầu bĩnh, đỏ hồng như quả bồ quân, đôi má của một tiên đồng…
Thế rồi, bẵng đi một thời gian, tôi không có tin tức gì của đứa cháu yêu thương. Cho đến một hôm… Một đồng chí từ trong đó lặn lội ra đây và đã cho tôi biết tin sét đánh :
Một ngày, ngày ấy cũng bình thường như bao ngày khác, bé Lượm lại lên đường đi liên lạc với bao thư ở bên người. Chỉ khác là hôm ấy, cháu phải chuyển một lá thư “thượng khẩn”. Và Lượm đi, vẫn hồn nhiên như thế, tưởng chừng những viên đạn bay vèo vèo nơi chiến trận chẳng khiến cháu bận tâm. Rồi Lượm đến một cánh đồng vắng vẻ, với những chẽn lúa trổ đòng đòng. Nào có ngờ đâu, từ nơi tưởng chừng bình yên ấy, một ánh chớp đỏ bỗng loè lên ! Thôi rồi ! Phát súng hèn nhát đã cướp đi sự sống của chú bé liên lạc đáng yêu, xinh xắn. Lượm ơi ! 
Cháu nằm đó, vẫn đẹp đẽ và tươi tắn như ngày nào, trên cánh đồng quê ta lúa thơm mùi sữa. Lượm của tôi đã ra đi !
Nhưng không, lúc này đây, trong tôi, hình ảnh Lượm vẫn hiện lên trước mắt. Tôi vẫn thấy cháu tôi, chú bé liên lạc nhỏ nhắn với chiếc xắc xinh xinh, chiếc mũ ca-lô vẫn nghịch ngợm lệch đi trên cái đầu nghênh qua nghênh lại, đôi chân nhảy nhót, tiếng huýt sáo trong trẻo trên con đường quê giữa ngày mùa vàng rực nắng và rơm mới.
Lượm cười với tôi, vẫn nụ cười hồn nhiên như ngày nào. Rồi cháu lại đi. Hình ảnh chú bé ấy cứ xa dần, xa dần, rồi hoà vào cánh đồng quê lúa thơm mùi sữa…
(Theo bài của Nguyễn Bảo Anh Thư, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội)

Leave a comment