Soạn bài Ca dao hài hước

0

Soạn bài Ca dao hài hước

1. Bài tập 1, trang 92, SGK.
Trả lời:
 – Cần nêu cảm nghĩ của anh (chị) về lời thách cưới của cô gái:
 
+ Lời thách cưới có gì khác thường ? Vì sao chỉ “thách cưới một nhà khoai lang” ? (Chú ý: Cưới là việc hệ trọng nhất trong cuộc đời người con gái, mà sao chỉ thách có vậy ?)
 
+ Vậy thì đây là “thách thật” hay “thách đùa” ? (Chú ý : Bài ca dao này ra đời trong chặng hát cưới của lối hát đối đáp nam nữ trong dân ca.)
 
+ Dù là “thách thật” hay “thách đùa” thì lời thách ở đây vẫn mang một nét đẹp của người lao động trong cảnh nghèo. Đó là nét đẹp gì ?
 
– Tiếng cười tự trào của người lao động đáng yêu, đáng trân trọng :
 
+ Không mặc cảm mà còn “bằng lòng” với cảnh nghèo, vui và thích thú trong lời thách cưới (dù chỉ là lời đùa cợt trong chặng hát cưới).
 
+ Như vậy, người lao động đã tìm thấy trong cảnh nghèo những niềm vui riêng thú vị, và quan trọng hơn, họ đã vượt lên được cảnh sống đó bằng cách “thi vị hoá” nó trong tiếng cười của ca dao. Một triết lí lạc quan, yêu đời, một tâm hồn đẹp đẽ và đáng yêu như vậy không dễ gì đã có được.
 
2. Bài tập 2, trang 92, SGK.
Trả lời:
 Tham khảo một số bài ca dao sau :
(1)                                                                       Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô
Đêm nằm thì ngáy o o
Chửa đi đến chợ đã lo ăn quà…

(2)                                                                Sớm mai đi chợ Gò vấp
                                                                    Mua một sấp vải.
                                                                   Đem về con hai nó cắt,
                                                                   Con ba nó may,
                                                                   Con tư nó đột,
                                                                   Con năm nó viền,
                                                                   Con sáu đơm nút,
                                                                   Con bảy vắt khuy,
                                                                   Anh bước cẳng ra đi,
                                                                  Con tám níu, con chín trì.
                                                                  Ối mười ơi ! Sao em để vậy, còn gì áo anh !

(3)                                                               Bói cho một quẻ trong nhà
                                                                  Con heo bốn cẳng, con gà hai chân.
3. Bài ca dao sau phê phán điều gì trong xã hội cũ ? Tiếng cười ở đây có được là nhờ những biện pháp nghệ thuật nào ?
                                 Bồng bồng cõng chồng đi chơi,
                                Đi đến chỗ lội, đánh rơi mất chồng.
                               Chị em ơi cho tôi mượn cái gàu sòng,
                              Để tôi tát nước múc chồng tôi lên.
Trả lời:
– Bài ca dao phê phán nạn tảo hôn trong xã hội cũ. Người bình dân đã dùng tiếng cười để phê phán hủ tục này.
– Bài ca dao chỉ có bốn câu mà dựng lên được một bức tranh hài hước đầy ấn tượng. Như một màn kịch nhỏ, cái nút thắt lại khi cô gái “đánh rơi mất chồng” và sau đó kêu cứu : “Chị em ơi…”. Vì sao có cảnh bi hài này ? Vì chồng cô gái bé quá nên mới phải “cõng chồng đi chơi” ; cũng vì bé quá, lọt khỏi tay nên cô đã “đánh rơi mất chồng” ; và cuối cùng, bé quá, không mò được, phải mượn gàu sòng để “tát nước múc chồng” lên. Thật là hài hước ! Nhưng những chi tiết này có thể có trong đời thường không ? Vậy thì điều gì đã làm nên bức tranh hài hước có một không hai này ? Đó là nghệ thuật phóng đại điển hình, xuất phát từ một ý tưởng hư cấu độc đáo của tác giả dân gian.

Leave a comment