Soạn bài Cách làm bài văn lập luận chứng minh

0

Soạn bài Cách làm bài văn lập luận chứng minh

Bài tập
1.  Khi phải làm đề 1 trong phần Luyện tập (trang 51, SGK), có bạn cho rằng, chỉ cần dùngngay dàn ý và hướng dẫn viết bài ở phần Các bước làm bài văn lập luận chứng minh (trang 49 – 50, SGK), rồi thay “Có chí thì nên” bằng “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, vì ý nghĩa của hai câu tục ngữ ấy không khác gì nhau. Bạn nghĩ như vậy có đúng không ? Vì sao ?
2.  Một bạn khác, khi làm đề 2, trong phần Luyện tập (trang 51, SGK) lại cho rằng, điều phải chứng minh ở bài làm của mình là : Nếu bền lòng, quyết chí thì con người có thể làm được những công việc khó khăn, vĩ đại nhất trong công cuộc lao động dựng xây Tổ quốc như “đào núi và lấp biển”.
   Nghĩ như bạn đó là đúng hay sai ? Vì sao ?
3.  Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã nói rằng : Chúng ta có thể “cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta” qua những câu ca dao và dân ca đẹp tựa như những “hòn ngọc hãy còn mộc mạc của dân gian”.
   Giả sử em phải chứng minh cho các bạn rằng : Những câu ca dao và dân ca đẹp, những “hòn ngọc hãy còn mộc mạc của dân gian” ấy, quả có chứa đựng “một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta”.
   Em sẽ mở bài theo cách nào trong các cách dưới đây :
   a)  Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã nói rằng : Chúng ta có thể “cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta” qua những câu ca dao và dân ca đẹp tựa như những “hòn ngọc hãy còn mộc mạc của dân gian”. Ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những lời nói đó.
   b)  Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã nói : Những câu ca dao và dân ca đẹp, những “hòn ngọc hãy còn mộc mạc của dân gian”, quả có chứa đựng “một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta”. Vì sao ông nói thế ? Những lời hát hồn nhiên, mộc mạc của người dân vì sao có thể coi là những hòn ngọc quý ? Đấy là những điều ta sẽ tìm hiểu ở bài này.
   c)  Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã nói rằng : Chúng ta có thể “cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta” qua những câu ca dao và dân ca đẹp tựa như những “hòn ngọc hãy còn mộc mạc của dân gian”. Quả là như thế. Mỗi khi đứng trước những câu ca dao và dân ca đẹp như những “hòn ngọc hãy còn mộc mạc”, chúng ta lại có dịp được “cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta”.
4.  Hãy viết một phần Kết bài sao cho : (1) Kết bài ấy tương ứng với Mở bài mà em đã chọn ở bài tập 3 ; (2) Kết bài ấy trở lại được điều phải chứng minh ; (3) Lời lẽ của Kết bài ấy không được lặp lại những lời lẽ ở Mở bài ; (4) Đọc Kết bài ấy, người đọc biết ngay rằng : Vấn đề đã được chứng minh xong.
5.  Nhóm học tập của em thảo luận sôi nổi về cách chứng minh luận địểm “không có việc gì khó”. Có hai ý kiến khác nhau được đưa ra :
a)  Có bạn cho rằng, ta cứ nên theo đúng trình tự : (1) Nêu luận điểm ; (2) Lần lượt đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng cho thấy : Người có chí bao giờ cũng có thể làm được những công việc mà người bình thường tưởng như không sao làm nổi ; (3) Kết luận : Những lí lẽ và dẫn chứng ấy chứng tỏ rằng trên đời này quả là “không có việc gì khó”.
b)  Có bạn lại cho rằng phải chứng minh theo cách : (1) Nêu luận điểm ; (2) Kể ra một số việc mà người bình thường ai cũng cho là khó lòng làm nổi ; (3) Đưa dẫn chứng cho thấy : Người có chí vẫn có thể làm được những công việc ấy ; (4) Kết luận : Dẫn chứng nêu trên chứng tỏ, trên đời này quả là “không có việc gì khó”.
   Em hãy nhận xét : Làm theo ý kiến nào thì sự chứng minh sẽ rõ ràng và lí thú hơn ? Vì sao vậy ?

Gợi ý làmbài
1.  Hai câu tục ngữ đều có chữ nên, nhưng một bên là “nên” nhờ có chí, còn bên kia là “nên” bởi có công. Từ điển tiếng Việt giảng nghĩa “chí” là “ý muốn bền bỉ theo đuổi một việc gì tốt đẹp”, còn “công” là “sức lao động bỏ ra để làm việc gì”. Từ đấy em hãy tự xét xem ý nghĩa của hai câu tục ngữ nêu ở bài tập có thật giống nhau không, và do vậy, ý nghĩ của bạn ấy có đúng không.
2.  Điểm mấu chốt để đánh giá ý kiến được nêu trong bài tập là cách hiểu ýnghĩa các chữ “đào núi và lâp biển” ở bài thơ. Hãy xét xem, các chữ ấy được dùng để nói về những công việc khó khăn, vĩ đại chỉ riêng trong lĩnh vực lao động dựng xây Tổ quốc hay trong tât cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người ở cuộc đời.
   Từ đó, có thể xác định được ý nghĩ của bạn đó đúng hay sai.
3.  Có thể thấy ngay rằng, hai cách mở bài (a) và (b) đều không mang định hướng chứng minh, vì đọc những đoạn Mở bài đó, người ta không thấy được : Bài làm sẽ làm cho thấy rõ nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là đúng đắn, vẻ đẹp mộc mạc của những câu ca dao, dân ca là có thật. Em hãy tiếp tục xét xem đoạn mở bài (c) có mắc nhược điểm ấy không.
4.  Có thể tham khảo cách viết sau :
   Thực tế trên đây hẳn đã đủ để làm cho chúng ta tin rằng nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là đúng đắn. Vẻ đẹp như ngọc quý của những khúc ca dao, dân ca quả là có thật, quả là điều đã được đảm bảo bằng sự thật. Chúng ta sẽ càng thêm xúc động thấm thía khi nghĩ rằng, vẻ đẹp của những khúc ca dao, dân ca ấy đã thấm vào hồn ta từ thuở ấu thơ qua lời ru êm ái của mẹ, của bà, để nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Và chúng ta phải trân trọng, nâng niu những “hòn ngọc hãy còn mộc mạc” đó, bởi những câu hát sẽ mãi mãi đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc được “cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta”.
5.  Nên làm theo ý kiến thứ hai (b), vì cách làm đó có khả năng dắt dẫn nhận thức của người chứng minh đi theo từng bước, từng chặng đường hợp lí, không khó theo dõi, cũng không trùng lặp.

Leave a comment